Sau một tháng thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine đã giảm đi đáng kể.
Nhưng tình hình đối đầu Nga - phương Tây lại tăng nhiệt: Chỉ trong chưa đầy một tháng qua, NATO đã liên tiếp có những cuộc “diễu võ giương oai” ngay sát nách nước Nga.
Ngày 24/2, Mỹ đã tổ chức duyệt binh cách biên giới Nga 300m. Hơn 140 thiết bị quân sự của NATO tham gia buổi lễ Ngày Độc lập Estonia, bao gồm 4 xe bọc thép chở quân của Mỹ loại M1126 Stryker.
Cùng với đó, Hà Lan cũng góp mặt trong sự kiện này bằng sự hiện diện của 4 xe chiến đấu bánh xích loại Stridsfordon 90.
Nước chủ nhà Estonia, một thành viên của liên minh NATO, cũng “khoe” tiềm lực quân sự của mình trong dịp này khi trưng ra các loại vũ khí phòng không, chống tăng, lựu pháo, xe thiết giáp và một số vũ khí, khí tài khác.
Hơn 1.400 binh sĩ Estonia diễu hành qua các con phố ở thị trấn Narva trong ngày này.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Welt am Sonntag, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker, kêu gọi thành lập một quân đội riêng, cho phép EU đối phó với những mối đe dọa dọc theo đường biên giới chung của khối này.
Trong bối cảnh quan hệ giữa châu Âu và Nga ngày càng căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraine, đây là một thông điệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc thành lập quân đội riêng cho châu Âu là một dự án rất phức tạp.
Nga ngay lập tức lên tiếng chỉ trích ý tưởng này, coi đây là sự khiêu khích ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình khu vực và thế giới.
Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất đảng Nước Nga thống nhất cho rằng, kế hoạch xây dựng quân đội riêng của EU sẽ đặt ra nhiều thách thức về an ninh cho khu vực và thế giới.
“Một quân đội chung của EU sẽ cho thế giới thấy không có khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa các nước thuộc khối này. Một kế hoạch như vậy sẽ buộc chúng tôi cân nhắc chính sách đối ngoại và an ninh trước mối nguy cơ từ một quân đội như thế. Trong kỷ nguyên hiện nay, một quân đội có quy mô lớn như ý tưởng mới đây không mang tới các giải pháp bảo đảm an ninh mà nó chỉ tạo ra thêm những khiêu khích” - ông Klintsevich nói với Hãng tin Itar-Tass.
Ngày 9/3, Chính phủ Mỹ thông báo đưa khoảng hơn 100 xe tăng và xe cơ giới hạng nặng đến các quốc gia thành viên NATO ở Baltic. Trong số các thiết bị đưa tới có xe tăng Abrams, thiết vận xa Bradley, xe thám sát Humvee cùng các chiến cụ khác.
Theo thiếu tướng Mỹ John R. O'Connor, việc bố trí này nhằm mục đích “chứng tỏ với Tổng thống Putin và Nga rằng chúng ta quyết tâm đoàn kết với nhau”.
Tướng O'Connor còn nói thêm: Các xe này sẽ ở lại nơi đây “khi nào vẫn còn có nhu cầu ngăn chặn sự hiếu chiến của Nga”.
Cả ba quốc gia vùng Baltic từng ở trong Liên bang Xôviết là Estonia, Latvia và Lithuania, tất cả đều là thành viên NATO và khối EU từ năm 2004.
NATO hiện đang thành lập một đơn vị phản ứng nhanh gồm 5.000 quân và đặt các trung tâm chỉ huy ở 6 quốc gia Đông Âu, gồm cả ba quốc gia Baltic và Bulgaria, Ba Lan cùng Romania.
Ngày 10/3/2015, các nước NATO bao gồm Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada, Đức và Italia bắt đầu cuộc tập trận hải quân trên khu vực Biển Đen, nơi gần với bán đảo Crimea.
Cuộc tập trận này gồm có tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Vicksburg của Mỹ và các tàu chiến của 6 quốc gia còn lại. Cuộc tập trận trên do Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ, Thiếu tướng Brad Williamson chỉ huy. Mục tiêu cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của hải quân các nước.
“Thông qua cuộc huấn luyện và các bài tập cùng với các nước đồng minh ở Biển Đen, chúng tôi đã chuẩn bị để đáp ứng bất cứ nhiệm vụ nào mà NATO yêu cầu đối với việc phòng thủ tập thể”, trang web của Bộ Tư lệnh Hải quân MARCOM dẫn lời ông Williamson.
Kể từ sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, NATO đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập với các nước phía đông châu Âu nhằm trấn an các nước thành viên sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tất nhiên, Nga không “khoanh tay đứng nhìn” trước các cuộc tập trận rầm rộ này của NATO, nhất là khi việc tập trận lại diễn ra ở vùng biển chiến lược.
Hãng tin Nga Sputnik đưa tin: Đáp lại cuộc tập trận trên của NATO, không quân Nga đã điều động các máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30 tối tân cùng với máy bay ném bom Su- 24 theo sát lực lượng NATO.
Hãng Ria Novosti cho hay, việc Nga cử chiến đấu cơ theo sát cuộc tập trận của NATO nhằm mục đích huấn luyện một cuộc tập trận giả định trong trường hợp bị tấn công trên biển.
Với Nga, Biển Đen như là “mạn sườn” đặc biệt quan trọng. Vì Biển Đen gần với vùng Kavkaz và nằm ngay dưới các khu vực sản xuất dầu Tatarstan và Bashkorostan của Nga, NATO vẫn luôn có tham vọng muốn kiểm soát được khu vực Biển Đen để từ đó kiểm soát được huyết mạch năng lượng của Nga.
Nga tuyên bố có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crimea.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo: Các cuộc tập trận của NATO trên khu vực Biển Đen là hành động khiêu khích. Thế nhưng, NATO đã bỏ qua những lời cảnh báo này.
Không dừng lại ở đó, ngày 11/3, Hãng Interfax của nước này dẫn tuyên bố của một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, chính quyền Moscow có quyền triển khai vũ khí nguyên tử tại Crimea.
Trước khi tái sáp nhập về Nga tháng 3/2014, Crimea không thể là nơi lắp đặt hệ thống vũ khí hạt nhân vì Ukraine là một quốc gia không sở hữu vũ khí nguyên tử theo các cam kết quốc tế.
Nay Crimea đã là một phần lãnh thổ của Nga thì chẳng có lý gì Moscow không thể không bố trí hệ thống vũ khí hạt nhân ở đây.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga tuyên bố có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crimea.
Tháng 12/2014, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng phát biểu tương tự khi trả lời Interfax.
Theo ông Lavrov: “Crimea không phải là khu vực phi hạt nhân theo luật quốc tế, nhưng từng là một bộ phận của Ukraine, một quốc gia không sở hữu vũ khí nguyên tử (…) Nay Nga hoàn toàn có lý do để triển khai vũ khí hạt nhân, phù hợp với lợi ích của mình và các nghĩa vụ quốc tế”.
Trước phản ứng mạnh mẽ của Nga, phương Tây cũng chả phải tay “dễ bị bắt nạt”.
Trong khi các đồng minh châu Âu của Mỹ, như Đức và Pháp, phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine, vì sợ leo thang quân sự vượt khỏi tầm kiểm soát thì ngày 11/3, Mỹ tuyên bố sẽ cấp khoản viện trợ bổ sung bao gồm các thiết bị, khí tài phi sát thương trị giá 75 triệu USD cho Ukraine.
Dự kiến, trong vài tuần tới, Washington sẽ chuyển cho Kiev các thiết bị, khí tài như radar phát hiện đạn súng cối, kính hồng ngoại, thiết bị bay không người lái Raven và hàng loạt thiết bị quân y.
Ngoài ra, 30 xe bọc thép đa năng Humvees và 200 xe Humvees không bọc thép cũng sẽ được gửi tới cho chính quyền Ukraine.
Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một loạt các cá nhân và ngân hàng, với cáo buộc hỗ trợ lực lượng đòi ly khai ở miền Đông, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk hồi tháng trước.
Phản ứng trước động thái của phía Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine, Frants Klintsevich, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga cho rằng, đó là hành động làm cho mọi nỗ lực của thỏa thuận Minsk trở về con số 0.
Theo ông Klintsevich, các loại xe chuyên dụng mà Mỹ coi là vũ khí không sát thương có thể được nâng cấp bất cứ lúc nào và trở thành phương tiện chiến tranh cho quân đội Ukraine sử dụng để làm hoa tiêu cho pháo binh.
Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Thượng viện Nga, Evgeny Serebrennikov tuyên bố: Nấp dưới chiêu bài viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, Mỹ đang chuyển các phương tiện chiến tranh đến Ukraine, để giúp quân đội nước này tiến hành trinh sát trên chiến trường.
Về phần mình, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Thượng viện Nga về các vấn đề quốc tế Vladimir Dzavbarov lưu ý, hành động cung cấp kỹ thuật quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ làm leo thang cuộc xung đột và làm căng thẳng thêm tình hình tại miền Đông Ukraine.
Ông bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ có những quyết định sáng suốt hơn, nhằm giúp nghiêm chỉnh thực thi thỏa thuận Minsk.
Đại diện của Nga tại NATO, Grushko tuyên bố việc cung cấp vũ khí cho Kiev là đi ngược lại thỏa thuận Minsk và tạo ra một ảo tưởng có thể giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự.
Khí trời châu Âu ấm dần, báo hiệu mùa xuân đang đến. Nhưng quan hệ phương Tây với Nga lại ngày càng lạnh lẽo như sắp bước vào đông.
Báo Le Figaro (Pháp) ra ngày 12/3 có bài “Giữa phương Tây và Nga, một sự xuống cấp mới”. Vốn dĩ đã xuống cấp kể từ vụ sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014, quan hệ giữa Nga với phương Tây tuần này lại bước vào một giai đoạn tồi tệ mới.
Hòa bình lạnh lẽo, Chiến tranh lạnh, đối đầu mới Đông - Tây… các chuyên gia không còn từ ngữ nào khác để mô tả mối quan hệ này.
Tuy nhiên, theo như nhận xét của Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow: “Sự đối đầu mà chúng ta đang tham dự có thể sẽ rất lạnh và có vẻ nguy hiểm như là cuộc Chiến tranh lạnh, ghi đậm dấu ấn các mối quan hệ quốc tế giữa những năm 1940 và những năm 1980”.