Tăng giá đón đầu

Tăng giá đón đầu
TP - Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 400 dịch vụ y tế sẽ được nâng giá lên từ hai đến 10 lần, thậm chí có dịch vụ điều chỉnh tăng 20 lần.

> Bệnh viện xé rào, tăng dịch vụ ào ào

Chưa ai khẳng định chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh có tăng theo giá hay không, nhưng trước mắt, người bệnh vẫn là đối tượng chịu nhiều gánh nặng.

Thông tư 14 ra đời cách đây hơn 17 năm quy định giá mỗi lần khám bệnh 3.000 đồng có vẻ đã lạc hậu.

Bộ Y tế đã đúng khi nhìn thấy thực tế vấn đề này. Tuy nhiên, lộ trình tăng giá mạnh trong thời buổi giá cả hầu hết các lĩnh vực đều leo thang xem ra chưa nhận được sự đồng thuận từ người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, những người đang chống chọi bệnh nan y.

Thử hình dung một số dịch vụ y tế được điều chỉnh để thấy rằng, hầu bao của người bệnh sẽ khó chịu đựng nổi khi giá cả nhảy cóc đến vài mươi lần.

Giá một lần khám bệnh sẽ nâng từ 3.000 đồng lên tối đa 20.000 đồng cho bệnh viện đầu ngành, trong khi đó chi phí ca đỡ đẻ thường từ 50.000 đến 150.000 đồng hiện nay sẽ tăng lên mức 480.000-525.000 đồng hay chi phí chạy thận nhân tạo cũng sẽ tăng lên mức 430.000-460.000 đồng thay cho giá cũ là 150.000-300.000 đồng...

Nhưng Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan lại có cách nghĩ khác. Đại diện Bộ Y tế trong cuộc họp báo về việc điều chỉnh tăng giá mới đây, cho biết nếu không điều chỉnh giá thì các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện sẽ có nguy cơ đóng cửa.

Bộ này đưa ra một ví dụ khiến nhiều người chạnh lòng: “Một bệnh viện tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng/lần, một ngày có khoảng 150 người khám thu được 300.000 đồng, tiền giường một ngày tối đa là 9.000 đồng, nếu có 100 bệnh nhân thì thu tối đa 900.000 đồng.

Tổng cộng một ngày cả bệnh viện thu 1,2 triệu đồng trong khi riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải… để vận hành bệnh viện trong ngày đã hết khoảng 3-5 triệu đồng”. Điều này có nghĩa bệnh viện đang lỗ. Nhưng trên thực tế không có bệnh viện tuyến quận, huyện nào trên đất nước này hiện thu tiền khám của dân với 1.000-2.000 đồng/lần, thu tiền giường của người bệnh 9.000 đồng/ngày.

Tất cả bệnh viện đã “xé rào” khung giá viện phí được ban hành cách đây hơn 17 năm từ nhiều năm nay, với mức giá tăng lên hàng chục lần.

Khám bệnh tại các tuyến quận, huyện hiện nay đã từ 10.000-20.000 đồng/lần, trong khi tuyến thành phố đã 30.000 đồng/lần, nhiều nơi khám dịch vụ lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi lần.

Trả lời trên báo chí về quan điểm nâng giá dịch vụ y tế lần này, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nâng giá các dịch vụ y tế là cần thiết và tốt cho tất cả mọi phía.

Nhà nước có nguồn lực để tăng cường đầu tư cho y tế, như vậy sẽ có điều kiện để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Thầy thuốc cũng chuyên tâm hơn vào việc khám chữa bệnh. Nếu như những gì bà Nguyễn Thị Minh nói sẽ thành hiện thực, có lẽ là tin vui không chỉ cho người bệnh.

Thực tế hơn 400 dịch vụ được tăng giá lần này, thì người ta đã “cầm đèn chạy trước ô tô” từ lâu rồi. Có nhiều dịch vụ, cho dù đợt tăng giá vào trung tuần tháng 4 này được áp dụng cũng không cao bằng giá mà một số bệnh viện ở đây đã tăng từ lâu.

Và vượt xa mức quy định mới sắp áp dụng. Và người bệnh đang được gì khác ngoài, vẫn nguyên cảnh 3,4 bệnh nhân chen nhau trên một giường bệnh?

Tăng giá dịch vụ y tế, nhưng không có một cam kết cụ thể nào từ lãnh đạo các bệnh viện về việc tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Rất có thể, nếu mức giá này được áp dụng, không ít bệnh viện phải điều chỉnh giảm giá mà họ vốn đã tăng “quá đà” từ nhiều năm nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG