Tăng giá điện: Chọn phương án cho người nghèo

Tăng giá điện: Chọn phương án cho người nghèo
TP - Tuần nay, Chính phủ sẽ lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, người tiêu dùng về 4 phương án tăng giá điện. Theo ý kiến các chuyên gia, nên chọn phương án có lợi cho người nghèo,
Tăng giá điện: Chọn phương án cho người nghèo ảnh 1

Nhà máy thủy điện Bản Chát (Lai Châu) - 1 trong 28 nhà máy được khởi công gấp chống thiếu điện  

Nếu tách khỏi vị trí chuyên gia của Tổ Nghiên cứu về giá điện (Bộ Công nghiệp), ông sẽ chọn phương án tăng giá điện nào trong 4 phương án vừa được đưa ra? 

Trả lời câu hỏi này của phóng viên Tiền phong ngày 6/3, ông Phạm Công Tham -  Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ CN) cho biết, ông sẽ chọn phương án 3.

Theo ông Tham, phương án 3 là phương án tối ưu nếu xét trên  cả góc độ xã hội, sản xuất và yêu cầu tăng giá điện thực tế của ngành điện để bù đắp cho sản xuất. Tuy nhiên, ông Tham cho biết, nếu  lợi cho số đông người có thu nhập thấp (hiện ở nước ta chiếm khoảng 70% dân số) thì phải là phương án 2.

Bởi phương án 2 ngoài việc không tăng giá điện sản xuất, chia 100 KWh đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang thành các mức khác nhau: 50 KWh đầu tiên giá 600 đồng/KW, 50 KWh tiếp theo giá 750 đồng/KWh, các bậc thang tiếp theo giá sẽ tăng 12 – 18%. Do đó những người rất nghèo dùng dưới 50 KWh sẽ không phải chịu tác động của lần tăng giá điện này…

Như vậy chắc chắn khi đưa ra lấy ý kiến đông đảo người dân, phương án 2 sẽ được số đông người dân ủng hộ. Tuy nhiên, chính khả năng chia thành “các bậc thang nhỏ” để tính giá điện như thế đã từng bị các đại biểu Quốc hội phản đối trong nhiều lần đưa ra lấy ý kiến.

Lý do là “phú quý không nên… giật lùi”, đời sống người dân đang ngày càng phát triển thì không thể ngày càng giảm số điện được bán với giá thấp.

Dù thế, theo các chuyên gia kinh tế, lý lẽ này có vẻ không phù hợp thực tế ở chỗ: Số người có thu nhập thấp ở Việt Nam chiếm số đông, chủ yếu là nông dân nếu giảm dần số điện bán với giá thấp cho người dân thì chỉ người dân ở các thành phố lớn được hưởng mà thôi.

Theo kế hoạch, Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ là một trong những đơn vị được mời tham gia đóng góp ý kiến và chọn phương án tăng giá điện đầu tiên. Hội sẽ bảo vệ người dùng điện thế nào?

Theo ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, việc Hội không có “chân” trong Tổ Nghiên cứu về giá điện nên không có thông tin để đánh giá phương án nào là tối ưu.

Nếu phải lựa chọn thì phương án nào có lợi cho người tiêu dùng nhất thì sẽ chọn, nhưng theo ông, 4 phương án trên vẫn chỉ là tăng lấy được, không có phương án “không tăng giá”. Tăng giá là gây căng thẳng cho người dân.

Ông Phan đề nghị cần đưa ra nhiều thông tin kèm theo 4 phương án trên, như thông tin về đầu tư và cơ chế hình thành giá; so sánh giá điện với tăng trưởng và thu nhập thực của người dân để các chuyên gia tính toán thì việc lấy và góp ý mới tránh hình thức!

Như vậy để đỡ thiệt hại cho mình, người dân cũng nên bàn luận cho ý kiến và lựa chọn 1 trong 2 phương án này để đảm bảo quyền lợi trước tiên và ít nhất là trên phương diện tham gia quyết định chính sách.

Vẫn chưa tính toán kỹ được tác động xấu

Trong tuần này, 4 phương án tăng giá điện sẽ được Bộ trưởng Bộ CN xem xét, điều chỉnh lần cuối cùng, sau đó trình Chính phủ cho ý kiến trước khi tham vấn người dân.

4 phương án tăng giá điện chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến các tổ chức, người dân trên trang web của Bộ Công nghiệp (www.moi.gov.vn):

Phương án 1: Giữ nguyên giá bán điện cho đối tượng sản xuất giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn và không tăng giá bán điện sinh hoạt bậc thang với 100 KWh đầu tiên. Các đối tượng còn lại (chiếm 25% tổng sản lượng điện thương phẩm) sẽ phải chịu mức tăng rất cao, tăng bình quân 20% so với giá hiện hành. Các bậc thang từ 100 KWh trở lên tăng bình quân 35% so với hiện hành.
Phương án 2: Không tăng giá điện sản xuất giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; Tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn lên 410 đồng/KWh (tăng 5% so với giá hiện hành). Chia đôi 100 KWh đầu đối với điện sinh hoạt bậc thang thành 2 mức: 50 KWh đầu giá 600 đồng; 50 KWh tiếp theo giá 750 đồng, so với mức giá hiện hành là 550 đồng; các bậc thang tiếp theo tăng 12-18%.
Phương án 3: Tăng giá bán điện 100 KWh đầu với điện sinh hoạt bậc thang lên 630 đồng. Do tăng giá ở giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho sản xuất sẽ tăng 4%. Giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tăng 5%.
Phương án 4: Tăng giá bán 100 KWh đầu tiên với điện sinh hoạt bậc thang lên 700 đồng, xóa bỏ sự phân biệt về giá điện sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn. 

Theo Tổ nghiên cứu về giá điện, quá trình chọn và đưa ra 4 phương án tăng giá điện đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo nên về cơ bản sẽ không có thay đổi phương án, nếu có thêm thắt thì đó chỉ là những tính toán chi tiết về tác động của việc tăng giá điện đến sản xuất người tiêu dùng mà thôi.

Thực tế, dù Bộ CN đã lựa chọn phương án tăng giá điện, song vẫn chưa có báo cáo tính toán chi tiết nào về tác động của tăng giá điện đến sản xuất và cuộc sống người dân.

Tổng Cty Điện lực VN nhiều lần trình phương án tăng giá điện cũng chỉ căn cứ trên thực tế cân đối tài chính và hoạt động kinh doanh của tổ chức mình, chưa nghiên cứu tác động xấu cụ thể của việc tăng giá điện.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng giá điện sẽ làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, DN. Trong 4 phương án  đưa ra thì gần như tất cả đều nghiêng về bảo vệ sản xuất. Một điều dễ thấy là dù người dân chọn phương án bảo vệ mình, đồng ý tăng giá điện sản xuất thì cuối cùng người dân vẫn bị thiệt, bởi khi giá điện sản xuất tăng, DN sẽ tăng giá bán hàng hóa cho người dân.

Bản trình Chính phủ các phương án tăng giá điện sẽ là có lỗi với người dân nếu không đưa ra được các tính toán tác động xấu về tăng giá điện, nhất là năm 2008 này theo kế hoạch của Bộ CN lại sẽ tăng tiếp 4,4% giá điện.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mai Văn Thưởng; Email: hongloan1080@yahoo.com

Về việc tăng giá điện thấy tốn quá nhiều giấy mực rồi nhưng vẫn chẳng đi tới đâu cả. Tôi được biết nghành Điện cũng là một ngành kinh tế có hạch toán thu, chi họ cũng phải tính toán lỗ, lãi như các nghành kinh tế khác.

Xăng dầu sau khi cộng toàn bộ giá nhập khẩu, các loại thuế, các loại chi phí khác, thì có giá bán cho người tiêu dùng, lỗ Chính phủ bù giá, nay Chính phủ không bù giá cho nữa mà thay vào bù giá là thay đổi thuế theo thị trường thế giới.

Các ngành khác dùng điện để kinh doanh sản xuất các sản phẩm của họ thì họ phải trả tiền cho ngành điện, ngành điện sản xuất điện, mua điện để bán lại cho người tiêu dùng họ phải được hạch toán các chi phí đầu vào, chi phí quản lý...

Sẽ có giá đầu ra của sản phẩm, họ được bán hàng của họ theo giá đó. (Tất nhiên điện là hàng hoá được Nhà nước quản lý về giá vì vậy không thể tự ý tăng giá, nhưng cũng không thể không cho tăng giá). Vì không tăng giá chắc chắn nghành điện kinh doanh không hiệu quả, không thể tái đầu tư và nghành điện đương nhiên sẽ phá sản.

Theo tôi các nghành kinh tế không thể có sự bất bình đẳng trong kinh doanh, không thể lấy sức ép bắt người khác kinh doanh lỗ để làm cái lãi cho mình. Cần nhất là một xã hội phải bình đẳng trong mọi lĩnh vực.

Chí Nguyện; Số nhà 01, đường số 11, Phường 17 (Gò Vấp, TPHCM); ĐT: 08.8943899; Email: cauqiamen@yahoo.com

Tôi đã nghiên cứu kỹ cả 4 phương án và thấy cần góp ý kiến để ngành điện khi đề xuất các phương án nên tính đến.

1 – Từ trước đến nay theo quy định, mỗi hộ gia đình khi được Cty điện lưc chấp nhận gắn điện kế, đều dược hưởng chung một giá điện tăng theo lũy tiến. Nghĩa là bất kỳ gia đình có ít hay nhiều người, giá điện đều như nhau.

Trong thực tế hộ gia đình ít người dùng điện sẽ ít hơn hộ gia đình nhiều người. Nếu quy định chung một định mức, hộ ít người sẽ được lợi. Tại sao ngành điện chưa tính đến đặc điểm này để quy định lượng điện khởi điểm khác nhau khi các hộ gia đình có số người khác nhau.

Đây cũng là bức xúc của những người dân nhập cư ở trong các thnh phố lớn. Từ trước đến nay họ đều phải “hưởng” giá điện cao ngất ngưởng mà chủ cho thuê nhà bắt buộc phải tính đến vì nhiều người dùng thì lượng điện tiêu thụ trong một hộ sẽ tăng, do đó giá lũy tiến cũng tăng.

Mãi đến ngày 27/9/2005 trong mục “Câu hỏi hôm nay” báo Tuổi trẻ đăng bài trả lời của ông Nguyễn Văn Minh ở Điện lực Sài Gòn, những người thuê nhà mới được biết ngành điện có chủ trương “Người tạm trú thuê nhà để ở, thời gian từ 6 tháng trở lên thì cứ 4 người được tính là một hộ, được cấp định mức sử dụng diện và được tính theo giá lũy tiến…”.

Tuy nhiên, khi người dân có nhà cho thuê đến xin định mức thì các Cty điện lực các quận tùy nghi thực hiện. Quận Gò Vấp (TPHCM) quy định mỗi phòng cho thuê cứ 4 người trở lên mới được cấp định mức.

Và thế là có sự bất hợp lý vì nhiều người cất phòng cho thuê rất nhỏ, chỉ ở được 2 - 3 người nhưng có nhiều phòng cho thuê. Thế là mặc dù nhiều người ở trong một nhà, chỉ có một điện kế nên vẫn không được giảm giá điện.

Vì thế chính sách tăng giá điện cần tính đến cả những trường hợp như thế và phải thật cụ thể, có thông báo đầy đủ để người lao động chân chính đỡ thiệt thòi.

Ở TPHCM và một số thành phố lớn lượng dân nhập cư chưa có nhà và hộ khẩu phải thuê nhà là rất lớn. Họ là những người tạo ra của cải đáng kể cho thnh phố nói riêng và cho cả nước nói chung.

2 – Điện là loại hàng hóa đặc biệt. Trong khi đất nước chưa xản suất đủ nhu cầu nên càng sử dụng nhiều thì gi cả càng phải tăng để người tiêu dùng tiết kiệm.

Nhưng cần tăng lũy tiến như thế nào là hợp lý. Thực tế người thu nhập thấp ở nước ta rất nhiều, bởi vậy giá khởi điểm 100 KW đầu tiên nên tăng nhẹ, hoặc không tăng để giảm bớt những khó khăn cho họ.

Như thế không cần phân biệt giá điện nông thôn với giá điện thành thị, bởi vì người nghèo tiêu thụ 100 KW trong một tháng đã là nhiều, đặc biệt là vùng nông thôn. Nhưng kể từ KW 301 trở lên giá điện nên tăng mạnh, thậm chí có thể tăng đột biến.

Bởi vì khi đã dùng đến trên 300 KW thì hộ gia đình đã thuộc dạng trung lưu, cả tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, thậm chí họ dùng nhiều thiết bị điện rất hao tốn diện năng như bếp điện, lò nướng, lò sưởi, máy sấy tóc, máy hút bụi... Mà những gia đình như thế mức thu nhập rất cao.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã từng có một báo cáo gây sửng sốt khi nói có những gia đình sẵn sàng gửi con ở những nhà trẻ phải trả 2.800USD/tháng thì tại sao ta không dám tăng đột biến giá điện để “phân phối lại thu nhập quốc dân cho hợp lý”, giảm bớt gánh nặng cho người nghèo.

Hay là những người nghiên cứu chủ trương tăng giá điện nằm trong nhóm thu nhập cao nên họ bỏ qua những tình tiết như thế.

3 – Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp cũng cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định và tăng một cách thích hợp để tránh lãng phí điện. Tôi đã từng đến khám bệnh ở một bệnh viện. Lúc ấy hành lang rất sáng sủa, nhưng hàng đèn nê ông dọc theo các hành lang thì vẫn thi nhau ngốn điện một cách thỏa thuê.

Tôi cứ chậc lưỡi tiếc của vì nếu ở gia đình của mình và thực tế ở các gia đình cán bộ nhân viên trong bệnh viện ấy thì chẳng ai để điện tiêu hao vô lý như thế. Cho nên ở khu vực này giá điện cũng cần tăng cao hơn điện sinh hoạt, để các quan chức phụ trách các đơn vị có biện pháp đủ mạnh để tiết kiệm điện.

4 – Điều cuối cùng tôi muốn nói, cần phải khuyến khích người dân tiết kiệm bằng cách tăng giảm giờ cao điểm và thấp điểm, kể cả khu vực sản xuất. Để thực hiện được điều này phải có loại đồng hồ điện tử có chức năng đo đếm được các giờ khác nhau.

Ngy 22/10/2005 báo TT đưa tin “EVN cho biết vừa có công văn yêu cầu Cty Điện lực TPHCM mua điện kế điện tử 1 pha mới để thay thế ĐKĐT 1 pha LTE66 của Linkton Vina.

Việc mua ĐKĐT phải tiến hành khẩn trương và thực hiện đúng các quy định, theo phương thức đấu thầu quốc tế rộng rãi. Theo Giám đốc Cty Điện lực TP Nguyễn Thành Duy, hiện Cty đang chuẩn bị các thủ tục và tham khảo ý kiến các ngành liên quan. Dự kiến, Điện lực sẽ đấu thầu mua ĐKĐT vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên cho đến nay  không thấy Cty Điện lực TP triển khai chủ trương này mà ồ ạt thay ĐKĐT bằng điện kế cơ Êmic. Nếu như sau này lại thay một lần nữa sang ĐKĐT khác thì quả là rất lãng phí.

Đó là tất cả những ý kiến đóng góp có tính chất xây dựng, đề nghị ngành điện và các ngành liên quan nên xem xét để khi tăng giá điện người dân thấy hợp lý với tất cả các đối tượng.

Nguyễn Hùng; Email: bugfixgroup@gmail.com

Tôi thấy hàng năm tiền đầu tư vào ngành điện của chúng ta không nhỏ, nâng cấp rất nhiều, số đơn vị và các cá nhân sử dụng ngày càng tăng. Tôi có câu hỏi "Phải chăng chúng ta đầu tư những thiết bị công nghệ lỗi thời?" để có chi phí thấp, thu hồi vốn nhanh, có lẽ ngành điện chưa thu hồi được vốn nên cố ý muốn tăng giá điện để bù lỗ chăng?

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì tại sao ngành điện không đầu tư hẳn thiết bị tiên tiến tuổi thọ sử dụng từ 50 - 60năm. Làm như vậy sẽ tiết kiệm cho Nhà nước và nhân dân, giá điện như vậy cũng ngày càng hạ thấp hơn vì mục tiêu phát triển xã hội.

Nếu như chúng ta nghĩ bây giờ 1 ngày không có điện thì cả nước chúng ta sẽ thiệt hại bao nhiêu tiền? Có lẽ mọi người vẫn còn nhớ đợt xăng lên giá trong năm 2005 cũng đã thấy rõ sự thiệt hại mất mát như thế nào? Nhân dân là dòng máu của một đất nước, nếu dân thiệt hại liệu nhà nước có được gì?

Cúc đó kéo theo nhiều vấn đề của xã hội, chi phí dịch vụ tăng cao, xuất khẩu không thể cạnh tranh, nhập siêu thì Nhà nước lấy gì để đảm bảo cho mức lạm phát?

Tại sao chúng ta không quyết định ngành điện thêm 1 hoặc 2 doanh nghiệp nước ngoài để có sự canh tranh trong giá thành. Dường như tôi có sự cảm nhận riêng là mỗi khi một ngành nào đó của chúng ta có sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài thì riêng ngành đó của đất nước chúng ta phát triển rất tích cực. Ví dụ điển hình như viễn thông: điện thoại IP, điện thoại đi động được tính theo block 30 giây rồi 6giây.

Ý kiến của riêng tôi là chúng ta nên tránh độc quyền điện. Nếu ngành điện không chuẩn bị hạ giá điện và nâng cấp thiết bị cao cấp hiện đại thì khi Việt Nam vào WTO thì không biết ngành điện sẽ đối phó ra sao? Chúng ta nên chờ xem ngành điện có phản ứng gì.

Phung The Hoi; Email: phungthehoic7an@gmail.com

Nen lay loi ich cua nguoi dan ngheo lam trong. Viec thu nhap cac vung nong thon nuoc ta hien nay con rat thap. Co gia dinh khong dam thap den sang lien tuc vao cac buoi toi (vi so nhieu tien dien). Vi vay theo toi nen lay phuong an 2 de ap dung viec tang gia dien.

Huynh Nam Hai; Email: huynhnamhai@vnn.vn

Đại đa số người tiêu dùng sử dụng điện dưới 200 kwh vói thu nhập chưa cao. Vậy đề nghị tính giá điện như sau: Dưới 200KWh: 800 đ/kwh; từ 201 - 300 kWh: 1200 đ/kWh; từ 301 - 400 kWh: 1600đ/kWh; Trên 401 kWh: 3200 đ/kWh.

MỚI - NÓNG