Tăng Duy Tân: 'Tôi tự hỏi mình có phải nhạc sĩ tồi không'

TP - Đã từng có giai đoạn, chủ nhân của ca khúc ẵm giải Cống hiến 2023 nằm trong phòng khách sạn khóc một mình và tự chất vấn: “Có phải mình là nhạc sĩ tồi không? Liệu có nên tiếp tục đi trên con đường này?”…

Một số khán giả nghiền nhạc Tăng Duy Tân cho rằng: “Đứa con tinh thần” nào của chàng trai 9x này cũng đều ăn khách cả. Nhưng tác giả Bên trên tầng lầu thú nhận: Cũng có “đứa” rơi vào trạng thái “flop”! Thành công nào chẳng trả giá bằng thất bại, như một thi sĩ đã viết: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Tăng Duy Tân: 'Tôi tự hỏi mình có phải nhạc sĩ tồi không' ảnh 1

Tranh: Kim Duẩn

Tôi kết nối được với Tăng Duy Tân nhờ Tùng Dương. Tăng Duy Tân họ Nguyễn, Nguyễn Tăng Duy Tân, gọi ca sĩ Tùng Dương là anh: “Anh Dương là anh con bác của tôi”, anh giới thiệu.

Một số người còn tưởng cố nhạc sĩ Trần Hoàn là ông ngoại của Tăng Duy Tân, anh đính chính luôn: “Ông Trần Hoàn là ông bác của tôi”. Tăng Duy Tân yêu nhạc Trần Hoàn từ khi chưa bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Anh hát cho tôi nghe nhạc phẩm anh thích nhất trong gia tài mà người ông nổi tiếng để lại: “Một đêm trong rừng vắng/Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh/Một đêm trong rừng núi/Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…”. (Sơn nữ ca).

Nhưng trong nhà Tăng Duy Tân không ai theo âm nhạc: “Cha mẹ tôi cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh không ngại ngần chia sẻ.

Năm 2019, anh nằm khóc trong khách sạn vì nghi ngờ năng lực của bản thân. Bởi đã 2 năm dấn thân vào nghề kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh: “Tôi lo lắng vì nhà tôi rất nghèo, tôi lại là con đầu. Hồi trước tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch còn có tiền, bây giờ 2 năm rồi chưa kiếm được đồng nào đưa bố mẹ. Nếu không thể trở thành nhạc sỹ gặt hái thành công thì có lẽ nên quay sang làm việc khác… Hoài nghi bản thân như thế song hôm sau tôi vẫn lao vào sáng tác”, Tân nhớ lại quãng trầm trong thời gian đầu theo nghiệp đàn ca.

Bỗng dưng nổi ở… Trung Quốc

Và thành công đã gõ cửa chàng trai đất Quảng Trị. Thật bất ngờ, ca khúc của anh đã bay sang làm mưa làm gió ở Trung Quốc. Chuyện giản dị thế này: Tăng Duy Tân biểu diễn ở một tụ điểm ca nhạc, người ta quay lại rồi “up” YouTube.

Một bạn người Việt “cop” clip này đăng trên ứng dụng Douyin - ứng dụng TikTok Trung Quốc. Thật bất ngờ, ca khúc đạt gần 2 tỷ lượt xem sau một tháng, cộng đồng mạng xứ Trung đã phong nó là “thần khúc của Việt Nam”. Nhưng khán giả Trung Quốc không chỉ mê Dạ vũ, họ còn thích Ngây thơ, Bên trên tầng lầu của Tăng Duy Tân.

Nhân dịp này, Tăng Duy Tân khẳng định: “Giai điệu của tôi là giai điệu của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc. Vì nếu bài hát của tôi có giai điệu của Trung Quốc thì khó “hot” ở Trung Quốc. Khi nhạc phẩm của tôi du nhập vào Trung Quốc tôi có tham khảo ý kiến khán giả Trung Quốc, họ bảo đó là thứ nhạc mới, lạ, chưa thấy ở Trung Quốc”.

Nhạc Tăng Duy Tân thịnh hành ở nước bạn như một mối duyên. Tân học ngành Đông Phương học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Huế, có bằng tiếng Trung: “Tôi học tiếng Trung từ trước khi hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mà đâu có tính được sản phẩm của mình đổ vào thị trường Trung Quốc. Đùng một cái, chuyện tốt đẹp đó đã đến, lại sẵn vốn ngoại ngữ nên tôi hợp tác thuận tiện với bên người ta”.

Chân ướt chân ráo từ Quảng Trị ra Huế học đại học, Tăng Duy Tân đã bị âm nhạc cuốn đi.

Anh kể: “Ngày đầu đến Huế, tôi đã ra cầu Trường Tiền chơi, gặp một câu lạc bộ đánh nhạc ở đó. Tôi để ý người đánh trống, chỉ có cái thùng gỗ mà ông gõ ra âm thanh hay quá. Vì thích chơi trống nên tôi đăng ký bằng được vào câu lạc bộ.

Sau này, tôi chuyển sang nhóm hip-hop. Ở đây họ không quan tâm tôi xuất thân thế nào, tôi giàu hay nghèo. Tinh thần hip-hop giúp tôi thoải mái, nhiệt tình sáng tác, đọ “trình” với nhau. Các bạn trong nhóm khen và khuyến khích tôi nên vào sô-bit hoạt động. Từ đó ý định hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trong tôi được nhóm lên”.

Dù trái tim luôn hướng về âm nhạc song Tăng Duy Tân chưa bao giờ coi những năm tháng ngồi ở giảng đường đại học là lãng phí. Anh thường nhắn tin thăm hỏi các thầy giáo, những người đã động viên và tạo điều kiện cho anh theo đuổi đam mê âm nhạc: “Nếu không có các thầy không có tôi hôm nay”, Tân bùi ngùi tâm sự.

Tôi nhắc Tân: “Bạn còn phải cảm ơn thời 4.0 nữa chứ!”. Tác giả Bên trên tầng lầu cười: “Đúng rồi. Không có thời 4.0, không có tôi. Bởi tôi không có điều kiện. Ngày xưa muốn thành công trong hoạt động nghệ thuật rất khó. Phải được các hãng đĩa đầu tư mới có cơ hội, chỉ hát hay, xinh đẹp chưa đủ, cần được trao cơ hội. Nhưng cơ hội bây giờ ở khắp nơi. Chỉ cần bạn có năng lực và có nỗ lực thì thành công sẽ đến”.

Như Bên trên tầng lầu, từng liên tiếp nhiều tuần đứng đầu bảng xếp hạng Top Vietnamese Songs và Hot 100 Billboard Việt Nam, cũng hot trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, từng lọt top thịnh hành của YouTube thế giới.

Hay như Ngây thơ từng đứng thứ 3 bảng xếp hạng Shazam toàn cầu, một ứng dụng tìm kiếm qua giai điệu, thu hút hơn 1 tỷ người dùng. Tăng Duy Tân phát hành Ngây thơ, phiên bản tiếng Trung cũng hút hơn 10 tỷ lượt xem trên Douyin…

Điểm trừ mà cũng là điểm cộng: Quá nhạy cảm

Tăng Duy Tân: 'Tôi tự hỏi mình có phải nhạc sĩ tồi không' ảnh 2

Tăng Duy Tân

Bên trên tầng lầu đến lúc này vẫn là ca khúc “nóng” nhất của Tăng Duy Tân. Không chỉ vì chuỗi thành tích ấn tượng mà nó đem lại cho chủ nhân mà vì điều đặc biệt khác: Ca khúc sinh nở trong giai đoạn giãn cách xã hội 2021, khi Tăng Duy Tân sa vào trầm cảm nặng nhất.

“Tôi cũng không biết rõ vì sao mà mình trầm cảm. Tôi có nhược điểm (nhưng cũng là ưu điểm) là rất nhạy cảm. Tần số dễ dao động khi gặp chuyện nào đó khác thường. Nếu là chuyện buồn, người ta buồn một, tôi buồn gấp hai, gấp ba. Nếu là chuyện vui, tôi cũng vui gấp đôi, gấp ba người khác”. Anh còn tiết lộ nhịp tim anh bị đập nhanh, mỗi khi có chuyện.

“Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt/Sâu trong màu mắt có chút tiếc nuối phút cuối chỉ vì/Em đâu hề sai em đâu thể mãi để trái tim đau…”.

Có người đã phê: “Bên trên tầng lầu nhuốm màu tiêu cực". Bấy nay Tăng Duy Tân im lặng, nay anh trải lòng: Có câu hát, “chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào”. Tôi từng ở dưới đáy biển nên chỉ muốn động viên những người ở hoàn cảnh như mình bằng Bên trên tầng lầu. Tôi không đứng trên bờ nhìn xuống người ở dưới đáy biển để khuyên họ. Nếu bạn đang trầm cảm, người đang hạnh phúc đến nói với bạn: Có gì đâu phải buồn, thì lời nói ấy không có tác dụng. Tôi muốn dùng thuốc sát trùng cho vết thương. Khi đổ thuốc sát trùng vào vết thương, ta sẽ cảm thấy đau rát, nhưng chỉ khi vi khuẩn bị diệt, vết thương mới lành”.

Nếu để ý sẽ thấy Tăng Duy Tân hay đưa rượu vào ca khúc, thậm chí với động từ gây tranh cãi: “Rượu cạn li em nốc/Thoáng phút chốc đã vơi u sầu”.

Anh cười, bày tỏ: “Tâm lý học chỉ ra, ai thiếu cái gì sẽ hay nhắc đến cái ấy. Tôi rất sợ thức uống có cồn như rượu nên lại hay “làm màu” trong nhạc”. Câu hỏi khác dành cho Tân: “Nghe ca khúc của bạn thấy bạn như “đi guốc trong bụng” chị em?”. Chàng trai 9x lại cười: “Thế mà tình trường của tôi lại thất bại”.

Tăng Duy Tân viết một ca khúc dành tặng người yêu cũ, mang tên Thư ơi, có những đoạn độc, lạ: “Em là con virus, khiến anh phải vài lần lên cơn/Bệnh này không thuốc chữa, cách duy nhất là gần em hơn/Yêu em như là giảm béo, ăn thì ít mà nhớ thì nhiều/Nếu tương tư này như là mỡ, chắc thân hình anh đã phì nhiêu”.

Nhưng thất bại trong tình trường hay trong cuộc sống chưa bao giờ đánh gục Tăng Duy Tân.

“Nếu không có gia đình, người thân, thầy cô, bè bạn… tôi đã hư rồi”, anh thú nhận. Dù không có điều kiện gần gũi người ông nổi tiếng nhưng gia tài âm nhạc của ông cùng những câu chuyện về ông là nguồn khích lệ tinh thần lớn với Tăng Duy Tân.

Tân kể cho tôi chuyện ông của mình khi còn đương chức Bộ trưởng, đi họp quốc hội bằng xe ôm. Ông từng bị xỉu vì đói. “Bậc cha ông như thế làm sao tôi có thể hư hỏng được? Tôi phải sống để tiếp nối truyền thống”, Tăng nói. Tôi hơi bất ngờ khi Tăng Duy Tân còn nhắc nhiều đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một tiếng chuyện trò: “Ca từ trong ca khúc của bác Trịnh Công Sơn là thơ tự do. Ca từ trong ca khúc của tôi cũng thế”, “Bác Trịnh Công Sơn khi mất để lại gia tài âm nhạc. Tôi cũng muốn khi nằm xuống để lại những ca khúc được người nghe yêu thương và tôi còn muốn có những đóng góp cho cộng đồng”.

“Làm dâu trăm họ” khổ lắm!

Tăng Duy Tân: 'Tôi tự hỏi mình có phải nhạc sĩ tồi không' ảnh 3

Tăng Duy Tân với Tùng Dương và con trai của Tùng Dương

Người anh con bác, ca sĩ Tùng Dương luôn lo cho Tăng Duy Tân: “Ngay khi tôi bước chân vào nghề anh Dương bảo: Làm dâu trăm họ khổ lắm Tân ơi. Mày nổi thì thôi không nói làm gì, không nổi thì khổ lắm. Bố anh Tùng Dương và mấy bác trong nhà cũng lo cho tôi. Song tất cả người thân đều âm thầm ủng hộ tôi. Hồi xưa, lúc tôi chưa nổi, anh Dương hay hỏi: “Có khó khăn không tao chuyển tiền cho, cố mà trụ lại. Ngày ấy, anh toàn cho tôi mượn tiền, đến lúc tôi trả lại, anh không chịu lấy.

“Bên trên tầng lầu” đoạt giải Cống hiến 2023, ở hạng mục “Bài hát của năm” cũng là bất ngờ với Tăng Duy Tân: “Tôi không nghĩ tôi được giải Cống hiến. Lúc đầu tôi định nếu có điều kiện thời gian sẽ tới để chúc mừng anh Tùng Dương thôi”. Rồi cả Tùng Dương và Tăng Duy Tân đều thắng giải. Mới đây, Tùng Dương còn cover “Bên trên tầng lầu”. Tăng Duy Tân bình luận vui: “Nhìn mặt anh ấy khi hát, ai còn dám khóc nữa”.