Tăng kiểm soát dịch bệnh và nhập khẩu động vật
Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm động vật, tăng cao. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Cục Thú y đã triển khai nhiều biện pháp quản lý dịch bệnh và kiểm soát nhập khẩu động vật.
Chiều 2/1, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y - cho biết: “Thời gian qua, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã góp phần giảm đáng kể số ổ dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh tai xanh trên gia súc. Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn. Đến nay, cả nước có 3.750 cơ sở, vùng được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) tại 60 tỉnh, thành phố".
Ngoài ra, Cục Thú y cũng tăng cường phòng chống nhập khẩu trái phép động vật. Trong năm 2024, Cục Thú y đã ban hành 337 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y với số tiền phạt là trên 24 tỷ đồng. Đồng thời, Cục Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 169 vụ vi phạm quy định về thú y, thu giữ tổng số 80.900 quả trứng gia cầm; 285.263 con động vật và 81.028,5 kg sản phẩm động vật. Đây là con số cao kỷ lục.
Cán bộ thú y kiểm tra nguồn gốc sản phẩm tại một cơ sở giết mổ gia cầm ở huyện Gia Lâm. Ảnh: Phương Nga. |
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - chia sẻ thêm về công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật: "Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép động vật vào Việt Nam. Đây là việc làm liên tục, đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo nhiều lần và đạt được những kết quả nhất định. Nhờ đó, tình trạng vận chuyển trái phép động vật đã được kiểm soát, nhiều trường hợp đã được phát hiện và xử lý kịp thời".
Ông Long nhấn mạnh: “Công tác phòng chống nhập khẩu trái phép động vật vẫn được tiếp tục thực hiện và sẽ đẩy mạnh hơn trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán. Người dân có thể yên tâm rằng, các sản phẩm từ động vật nhập khẩu đang được kiểm soát chặt chẽ”.
Kiểm soát giết mổ và đảm bảo an toàn thực phẩm
Thời gian qua, Cục Thú y cũng đã gia tăng quản lý cơ sở giết mổ động vật. Cụ thể, Cục đã phối hợp với cơ quan chức năng thành lập 9 đoàn công tác đi kiểm tra quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố. Cục cũng tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu xét nghiệm chất cấm Salbutamol. Kết quả, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với Salbutamol.
Theo ông Long, hiện Cục Thú y kiểm soát tốt các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đồng thời tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan để giám sát cơ sở giết mổ. Tổ công tác liên ngành đã trực tiếp đến nhiều cơ sở giết mổ để chỉ đạo, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương về quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm; giảm thiểu các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Tiếp tục xây dựng chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm động vật xuất khẩu (gồm thịt gà chế biến; sản phẩm tổ yến); giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa.