Ngày 6/1, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 về công tác chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT - cho biết, năm 2022, công tác quản lý chất lượng nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tập trung thực hiện mục tiêu kép. Đó là góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong năm 2022, Cục đã chỉ đạo tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình về sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn và kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản |
Đáng chú ý, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện lấy 2.916 mẫu thủy sản nuôi giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó phát hiện 49 mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 1,6% (tăng 1,39% so với năm ngoái); 5/350 mẫu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phát hiện vi sinh vật (E.coli) chiếm 1,42% ( giảm 1,7%).
Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm, Cục đã tổ chức đánh giá nguy cơ và cảnh báo tới Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và các địa phương phối hợp kiểm tra, xác minh nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, phát hiện 6/647 mẫu vi phạm; lấy 300 mẫu kiểm soát tồn dư từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho một số nông sản xuất khẩu của Việt Nam 2022 (hiện chưa có kết quả phân tích).
Trong khi đó, Cục Thú y đã lấy 1.909 mẫu giám sát một số sản phẩm xuất khẩu (ong, thịt gà, sữa tươi nguyên liệu), lấy 1.380 mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật nhập khẩu không phát hiện vi phạm; lấy và phân tích 962 lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tiêu thụ nội địa và phát hiện 128 lượt mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh và 1 mẫu vi phạm kim loại nặng (chiếm 13,4%).
Năm 2022, cơ quan chức năng phát hiện 2.244 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm |
Cùng với đó, các đơn vị đã chỉ đạo các địa phương lấy 35.506 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 1.384 mẫu vi phạm, chiếm 3,89% (giảm so với 4,2% năm 2021). Đối với các mẫu giám sát vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ đã chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các thành phố lớn. Qua kiểm tra cho thấy, nguồn hàng hóa đều đảm bảo cung ứng đầy đủ cho dịp tết Nguyên đán. Tại các siêu thị, trên 90% nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nam, vấn đề cần quan tâm thời điểm này là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho dịp tết tại hệ thống các chợ truyền thống, chợ đầu mối.