Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi các gia đình khác; Việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng.
Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, hiện nay, cả nước có khoảng gần 200.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc thay thế bởi các gia đình, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam, việc chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam vẫn còn một số khó khăn do pháp luật về chăm sóc thay thế chưa cụ thể. Đặc biệt, việc giám sát quá trình chăm sóc còn “bỏ ngỏ” do còn thiếu đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm quyền trẻ em được nhận nuôi.