Tàn tật nuôi con tật nguyền

Tàn tật nuôi con tật nguyền
TP - Sinh ra trong gia đình nghèo, bản thân bị tật đi đứng khó khăn, nay còn phải nuôi con trai tật nguyền và mẹ già bệnh, đó là hoàn cảnh của chị Lê Thị Đào ngụ ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang).

> Thêm chuyện về gia đình mắc bệnh lạ
> Cháu bé bị u mũi cần giúp đỡ

Khi mới sinh ra hai chân chị Đào không thẳng ra được mà co quắp lại. Từ đó, chị nằm một chỗ cho đến năm 7 tuổi mới tập đi.

“Lúc nhỏ tính đâu nó chết rồi, chỉ nằm một chỗ, sốt liên miên, chạy hết thầy này đến thầy khác ai cũng lắc đầu, trong lúc nhà không có tiền”, bà Lê Thị Tám (mẹ chị Đào) kể.

Năm 2009, chị được địa phương giới thiệu đi học nghề đan nón ở xã. Hạnh phúc mỉm cười với chị khi làm quen với người bạn trai trong thời gian học nghề và có thai.

Thế nhưng, hạnh phúc chẳng được lâu, chị có thai tháng thứ ba thì người bạn trai đó biến mất. Cùng lúc, mẹ chị bị bệnh suy tim, bà thường mệt và lên áp huyết. Cuộc sống hai mẹ con khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Nỗi bất hạnh lại đến với chị một lần nữa khi bé Lê Hữu Phước, con trai chị ra đời, hai chân bị tật giống chị lúc nhỏ. Con chị nay mới 16 tháng, chỉ nằm một chỗ.

Bác sĩ Bệnh viện Pháp Việt TP Hồ Chí Minh cho biết, bàn chân phải và bàn chân trái nghiêng 1cm, xương gối hai chân lại cách xa nhau làm doãng chân ra nên cháu không đứng được, và mắc thêm bệnh viêm phổi.

Cha mẹ chị trước đây làm thuê để kiếm tiền mua gạo ăn hằng ngày. Năm 1990, cha chị qua đời trong một lần đi đào đất thuê, gặp trái nổ. Từ đó hai mẹ con chị phải vất vả đùm bọc nhau tồn tại với cuộc sống bệnh tật. Căn nhà mẹ con chị đang ở là nhà tình thương được tặng năm 2006, nay đã xuống cấp.

Cuộc sống hiện nay của chị, đứa con tật nguyền và mẹ già bệnh dựa vào nghề đan nón của chị và tiền trợ cấp tàn tật. Để hoàn tất một cái nón lá phải qua nhiều công đoạn, mất hai đến ba ngày. Mỗi cái nón, bán được 40.000 đồng, trừ chi phí còn lãi 20.000 đồng.

Ông Nguyễn Thanh Thoảng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: “Gia đình chị Đào không có ruộng đất nên rất khổ. Bà con xóm giềng và chính quyền địa phương đã quan tâm nhưng chỉ giúp được phần nào, về lâu dài và chữa bệnh rất mong được các nhà hảo tâm giúp đỡ”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Lê Thị Đào, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy, Hậu Giang) hoặc Ban Bạn đọc, Báo Tiền Phong, 15 - Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.