Tân Sơn Nhất chỉ là nhà ga sân bay?

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
TPO - Theo PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, phải nhìn Việt Nam là một nước đang hội nhập sâu rộng để giải bài toán làm nhà ga sân bay hay tổ hợp phát triển bởi sân bay Tân Sơn Nhất dù có nới rộng ra gấp đôi cũng chỉ là nhà ga sân bay, không thể là một tổ hợp phát triển như sân bay Long Thành.

Ngày 14/5, tại TPHCM, diễn ra hội thảo “Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần một cách nhìn khách quan, trung thực và xây dựng”. Trên 100 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực hàng không đã tham dự và góp ý, phản biện về dự án này.

Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam cho biết, trong tương lai không xa nữa, sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không đang muốn bay đi và đến Việt Nam. 

Việc phải xây dựng một cảng hàng không quốc tế lớn để thay thể sân bay Tân Sơn Nhất là cấp thiết, giải quyết những hạn chế trong việc tổ chức vùng trời mà Tân Sơn Nhất đang gặp phải cũng như khai thác tối đa năng lực phục vụ của cấu hình đường cất hạ cánh.

Theo PGS TS Trần Đình Thiên, dự án sân bay Long Thành thuộc về tương lai, gắn với tương lai và vận mệnh quốc gia. Đây là dự án chiến lược, không giới hạn trong 5-10 năm nên phải căn cứ vào tầm nhìn chứ không chỉ căn cứ vào khó khăn, bức xúc hiện tại, không phải căn cứ  vào tình hình nợ công để quyết định đến việc triển khai dự án.

“Sân bay Long Thành là dự án kinh tế, phát triển nên bao giờ cũng có sự đánh đổi. Việc xem xét, đánh giá, phân tích hơn thiệt phải căn cứ vào tổng thể", PGS TS Trần Đình Thiên nói. 

Theo ông Thiên, sân bay Long Thành không chỉ trung chuyển cho Indonesia, Úc như một số ý kiến phản biện. Khái niệm trung chuyển là kéo thế giới đến Việt Nam nên quan trọng hơn cả là sự hấp dẫn của điểm đến. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch nhưng khai thác chưa tốt.

Tiềm năng của khu vực Nam Bộ, các cảng hàng không trong khu vực, trong đó có sân bay Long Thành sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng lưu ý Bộ Giao thông vận tải làm rõ chức năng của sân bay Long Thành chỉ là hành khách hay còn là cảng trung chuyển hàng hoá. Ngoài ra, cần tránh lập lại bài học đắt giá từ dự án cảng biển Cái Mép – Thị Vải.     

Theo thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, Dự án sân bay Long Thành triển khai lúc này là đã quá muộn vì đã chuẩn bị từ 2005, lẽ ra đến nay là đã đưa vào khai thác chứ không còn phải bàn. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cũng cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT luôn cầu thị, lắng nghe tất cả các ý kiến đồng tình lẫn phản biện và sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện. Bộ GTVT sẽ tiếp tục tính toán, làm rõ hơn hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của dự án.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, 2750 ha trong tổng số 5.000 ha đất quy hoạch phục vụ sân bay, còn lại phục vụ quân sự và phát triển tổ hợp hàng không. 

Dự án ảnh hưởng đến 6 xã với 4730 hộ dân, trên 4.000 căn nhà (gần 15.000 nhân khẩu) bị giải toả, trong đó có trên 9.500 người đang trong độ tuổi lao động.

“Số hộ bị giải toả trắng sẽ được bố trí tại định cư tại hai khu Lộc An Bình Sơn và Bình Sơn, rất gần đường giao thông và ba khu công nghiệp: Lộc An Bình Sơn, KCN kỹ thuật cao, Amata mới,… trong 3 năm tới cần tuyển dụng tới 50.000 lao động” – ông Vĩnh nói.

MỚI - NÓNG