Quảng Trị

Tan hoang rừng phòng hộ đầu nguồn Đakrông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dọc hai bên đường mòn nhỏ trên triền đồi, các vạt rừng bị đốn ngã ngổn ngang. Cây lớn bị xẻ thịt, cây nhỏ nằm la liệt. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy cả chục héc ta rừng phòng hộ tự nhiên đầu nguồn thuộc xã Đakrông của huyện rẻo cao Đakrông (Quảng Trị) đã bị phá trắng.

Phá trụi

Từ thôn Làng Cát của xã Đakrông, chúng tôi bám theo suối Cu Dong, vượt qua vài đoạn đường hằn lốp bánh xe tải rồi tiếp tục vượt suối Pa Chồ. Đến được chân dốc Mạ Ơi thì xe máy đành bỏ lại bên bờ suối rồi cuốc bộ theo đường mòn. Từ sáng sớm đến quá trưa chúng tôi mới đến được gần đồi Cò A Chuài giáp với đồi Le Pút là nơi rừng bị phá. Từ xa, đứng ở vị trí cao đập vào mắt là cả khoảnh rừng bị chuyển màu với nhiều thân cây đổ rạp xuống đất.

Khu vực đầu tiên chúng tôi tiếp cận có tọa độ E00561774 N01838676. Ngay bên đường đi, một số cây rừng đường kính chừng 40cm bị đốn hạ, phần gốc được cưa cắt, xẻ lớp vỏ bên ngoài rồi vận chuyển đi đâu không rõ, để lại trên mặt đất là phần ngọn và cành vương vãi.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn xã Húc của huyện Hướng Hóa và xã Đakrông của huyện Đakrông, người dân truyền tai nhau việc tới đây sẽ triển khai một số trụ điện gió phục vụ cho dự án điện gió. Có lẽ vì vậy nên người dân đã ồ ạt vào khu vực rừng nói trên, đốn hạ trắng cây rừng, chiếm đất để sau này hưởng lợi từ đền bù dự án điện gió (?!).

Tiếp tục men theo đường mòn, từ tọa độ E00562498 N01838018 kéo dài đến tọa độ E00562756 N01837673, rừng tự nhiên 2 bên đường bị đốn hạ la liệt. Có nơi, những thân cây đường kính khoảng 50cm-80cm bị cắt phần gốc, cưa xẻ rồi được vận chuyển ra khỏi cửa rừng từ trước. Có nơi cây lớn, cây bé bị đốn hạ còn nguyên trạng nằm xếp chồng lên nhau. Ở trên đồi cao, thời tiết có sương mù, song đến 12h trưa thì nắng gắt. Màn sương tan ra để lộ cả một khoảng rừng lớn bị tàn sát. Theo ghi nhận của chúng tôi, cả chục ha rừng ở nơi này đã bị cưa trụi, hiện chỉ còn một vài địa điểm dù bị đốt song cây rừng còn tươi nên không bị cháy hết.

Ở hiện trường, chúng tôi không gặp bất kỳ người dân hay lực lượng chức năng nào, ngoại trừ một người đàn ông trung niên dắt theo 1 con trâu lấm lem kéo theo dụng cụ để chở đồ vật nặng dọc đường đi. Hỏi trâu kéo gỗ à, người đàn ông không nói, nhìn dò xét rồi bỏ đi. Ở thôn Làng Cát, lúc chúng tôi ngỏ ý hỏi đường và thuê dẫn vào địa điểm phá rừng, những người đàn ông ở bản phớt lờ, nói không biết hoặc không dám đưa đi.

Có dấu hiệu hình sự, đang điều tra

Ngày 22/4, trao đổi với phóng viên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông Trần Đại Đức cho hay, địa điểm rừng tự nhiên bị phá này thuộc 2 tiểu khu 699 và 708. Trên cơ sở ảnh vệ tinh và nguồn tin, từ ngày 5/4 lực lượng kiểm lâm đã đi kiểm tra, đến ngày 12/4 thì phát hiện vụ phá rừng ở 2 tiểu khu nói trên. “Diện tích phá rừng lớn, cây rừng bị đốn hạ thuộc nhóm gỗ 7-8. Do thời gian ngắn nên chúng tôi chưa đo đếm cụ thể diện tích, trữ lượng gỗ được”, ông Đức nói.

Theo ông Trần Đại Đức, rừng bị phá ở 2 tiểu khu 699, 708 là 100% rừng tự nhiên phục hồi, trong đó 1 phần thuộc quản lý của xã Đakrông, 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Làng Cát và 1 phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Pa Tầng của xã Đakrông. Lúc phát hiện phá rừng, Kiểm lâm đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền xã, lực lượng Công an và Ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Làng Cát đến hiện trường để “thu thập thông tin, tiến hành điều tra vì có dấu hiệu hình sự”. Cũng theo ông Đức, dù các lực lượng đã cố gắng, nhưng “khu vực này thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu, nhưng cứ bắt vụ này, lại xảy ra vụ khác”.

Còn Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Thanh thì nói rằng, dân ở thôn Làng Cát là đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông nên đã “phá rừng để làm rẫy”. Song thực tế ở hiện trường cho thấy, các cây gỗ lớn phần lớn đã bị cưa xẻ, vận chuyển đi hết, vậy mục đích phá rừng có phải lấy đất làm rẫy? Trước câu hỏi của phóng viên, ông Thanh trả lời, xã có phối hợp với lực lượng kiểm lâm, bắt 1 số vụ vận chuyển gỗ lậu từ khu vực phá rừng ra, nhưng “gỗ dùng để làm nhà”.

Thông tin về vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra ở địa bàn xã Đakrông, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, huyện mới được báo cáo sự việc, hiện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, xử lý.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk kiểm tra vụ phá 382 ha rừng

Ngày 24/4, đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Lắk do ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã trực tiếp về kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. Đây là vụ phá rừng được nhận định có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện với diện tích hơn 382ha. Chia sẻ với Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã giao công an khởi tố vụ án, điều tra vụ việc. Sau khi đi kiểm tra thực tế, ông Trung yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ rừng bị xâm hại này . Trước đó, Tiền Phong phản ánh, vụ hơn 382ha rừng tự nhiên thuộc Tiểu khu 222 và 205 do UBND xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) bị phá nghiêm trọng.

Huỳnh Thủy

MỚI - NÓNG