Tan để rồi hợp

Tan để rồi hợp
TP - Rừng trường đại học ngoài công lập (NCL) đang đứng trước nguy cơ tan rã. Cứ như một giấc chiêm bao. Thoạt đầu, vui với cơ chế mới, người ta hân hoan đổ tiền lập các cơ sở đào tạo NCL. Hơn 20 năm qua, hơn 80 trường NCL ra đời. Mỗi năm, trung bình có bốn trường NCL mới.

> Trường đại học có điểm chuẩn thấp hút thí sinh
> Giảm hồ sơ, bớt thí sinh ảo

Ai dè, cơ chế chỉ cho phép trường NCL tự sinh mà không được thực hiện cái quyền sơ đẳng tiếp theo là tự dưỡng, tự phát triển, và tự đào thải. Không hiểu dựa trên lý luận gì, các nhà quản lý lại can thiệp vào quá trình logic ấy với đủ muôn lý vạn do.

Lúc thì lấy cớ kiểm soát nguy cơ trường NCL mọc như nấm dẫn đến không kiểm soát được chất lượng, người ta đặt ra loạt điều kiện mở trường kiểu như vốn điều lệ, tỷ lệ giáo viên cơ hữu, tỷ lệ diện tích đất đai tối thiểu trên mỗi đầu sinh viên. Khi thì viện lý cứu trường NCL, nhà quản lý sáng tạo thêm điểm sàn thứ hai bất chấp điểm sàn thứ nhất đã đủ khiến không ít trường NCL nghẹt thở đến mức bộ mặt trường biến dạng như không còn là mình nữa.

Không đầu tư, cớ gì các cơ quan quản lý can dự vào quy trình sản xuất tự nhiên, phù hợp với luật pháp của các trường NCL? Các cổ đông tự bỏ tiền ra thì họ không thể không xót với đồng tiền của mình, không thể không biết tự chịu trách nhiệm với đồng tiền của mình, với sản phẩm mình làm ra và bán cho thị trường lao động.

Với một khóa đào tạo đại học trung bình năm năm, thử tưởng tượng, sau năm đợt tuyển sinh tự do mà không cần điểm sàn, sản phẩm ra lò của một trường NCL không đáp ứng được nhu cầu thị trường, tự khắc trường đó sẽ phải tự đóng cửa, tự đào thải, tự chết. Nếu cái xiềng điểm sàn không quàng vào cổ các trường NCL, nếu phần tư thế kỷ qua, họ được vận động theo đúng cơ chế bình thường ấy, hẳn tình hình sẽ khác rất nhiều.

GS.TS Phạm Huy Dũng, thành viên hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long, cơ sở đào tạo đại học NCL đầu tiên của Việt Nam, chỉ ra bí quyết đơn giản về sức mạnh các trường đại học NCL ở Mỹ. Mỗi ngày ở đó có trung bình 10 trường NCL đóng cửa và 12 trường NCL ra đời.

Đã đến lúc ở ta cũng phải tập làm quen với tâm lý không nên vội đau khổ khi thấy nhiều trường NCL sắp chết. Đi kèm những cái chết tự nhiên ấy, phải tạo điều kiện cho những trường mới nếu đấy cũng là quá trình sinh trưởng tự nhiên.

Làm được như thế, sự lao đao của hàng loạt trường NCL hiện nay chỉ là sự chuyển hóa tích cực. Việc Đại học Phan Chu Trinh đề xuất cơ chế tuyển sinh năm nay “không quan tâm đến điểm sàn” có thể là mầm sống mới cần được chăm bẵm?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG