Hình ảnh hung thủ Seifeddine Rezgui xả súng khiến 38 người thiệt mạng ở Tunisia tràn ngập truyền thông thế giới mấy ngày qua. Rezgui đã bị lực lượng an ninh Tunisia tiêu diệt tại hiện trường. IS đã nhận trách nhiệm về vụ thảm sát và tuyên bố tay súng Rezgui từng sát hại 40 “kẻ ngoại đạo” trước đó.
Thủ tướng Tunisia, ông Habib Essid, cho biết, tay súng này xuất thân từ một ngôi làng nghèo đói của Tunisia và chưa bao giờ xuất ngoại cũng như chưa bao giờ bị cảnh sát chú ý về tư tưởng cực đoan.
Báo Anh Telegraph cho rằng, Rezgui hành động đơn độc. Bác của Rezgui cho biết, thanh niên này thích khiêu vũ, ăn mặc đẹp, tóc vuốt keo và không bao giờ để râu. Cả gia đình bị sốc nặng khi nghe tin về vụ tấn công và nhìn thấy ảnh của Rezgui.
Theo Washington Post, Tunisia đã trở thành một trung tâm đặc biệt của phong trào Hồi giáo cực đoan hậu Mùa xuân Ảrập. Tunisia có tới hơn 3.000 công dân sang Syria tham gia nội chiến và rất nhiều trong số này đã gia nhập IS. Cựu Phó giám đốc Trung tâm Chống khủng bố CIA Paul Pillar cho rằng, một nước Tunisia dân chủ là tin xấu đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, vì vậy IS đã cố gắng mở rộng tư tưởng và ảnh hưởng của chúng tại nước này.
Wall Street Journal ngày 28/6 đưa tin, sau vụ tấn công khủng bố tại khu nghỉ dưỡng Sousse, hàng ngàn du khách châu Âu đã tìm cách tháo thạy khỏi Tunisia. Anh đã điều một đội hỗ trợ đặc biệt và 10 máy bay tới Tunisia để sơ tán công dân nước này. Telegraph dẫn lời Bộ Ngoại giao Anh xác nhận, có ít nhất 15 công dân Anh trong số 38 nạn nhân. Đây là số công dân Anh thiệt mạng nhiều nhất kể từ vụ đánh bom London ngày 7/7/2005 khiến 52 người chết.
Tham vọng lớn của IS
Nhiều nhà phân tích nhận định, vụ tấn công nhà máy của Mỹ tại Pháp hôm 26/6 phù hợp với mục đích của IS là tấn công các mục tiêu phương Tây để trả đũa các vụ không kích của Mỹ và đồng minh, cũng như làm rối trí các cơ quan an ninh và khiến xã hội châu Âu lo sợ. Thủ phạm được cho là đã chụp ảnh “tự sướng” với thủ cấp của nạn nhân.
Trong khi đó, vụ đánh bom tự sát tại thánh đường Hồi giáo ở Kuwait có vẻ là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của IS nhằm kích động, châm ngòi xung đột giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Các chiến binh IS đã ăn mừng các vụ tấn công trên mạng xã hội. Một trong số đó viết: “Những kẻ Thiên chúa giáo lên kế hoạch nghỉ hè ở Tunisia. Chúng ta không thể chấp nhận chúng trên đất của chúng ta, trong khi máy bay của chúng bắn giết những người anh em Hồi giáo”.
Trong khi giới phân tích tình báo Mỹ tìm cách đánh giá vai trò của IS trong 3 vụ tấn công vừa qua, chiến dịch tàn sát của IS ở Syria và Iraq vẫn tiếp diễn. Chỉ riêng tại thị trấn Kobani của Syria, nhóm này đã giết 146 dân thường.
Giới chức và các chuyên gia Mỹ cho rằng, việc bạo lực bùng phát gần như cùng lúc tại 3 châu lục làm gia tăng lo ngại về mục tiêu bành trướng của IS. Nhóm khủng bố này trước đó vẫn tập trung vào tham vọng khu vực tại Iraq và Syria, nơi IS tiếp tục bám trụ bất chấp bị liên minh do Mỹ tấn công liên tục. IS trước kia dường như ít quan tâm phát động tấn công ở nước ngoài như al-Qaeda.
Tuy nhiên, hiện nay, IS ngày càng tích cực mở rộng về địa chính trị và tăng cường gieo rắc tư tưởng, chuyên gia về khủng bố Bruce Hoffman tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định. Theo ông Hoffman, khó ngăn chặn IS hơn là al-Qaeda.
Giới chức Mỹ nói còn quá sớm để kết luận các vụ tấn công mới đây do IS điều phối. Song các quan chức và chuyên gia Mỹ lưu ý rằng, cả 3 vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi phát ngôn viên của IS hối thúc người ủng hộ thực hiện các vụ tấn công trong tháng ăn chay Ramadan. Và IS có thể tìm cách kỷ niệm một năm ngày tuyên bố thành lập IS tại Iraq và Syria.
Việt Nam chia buồn vụ đánh bom tại Kuwait
Được tin vụ đánh bom khủng bố tại thánh đường Hồi giáo Al-Imam Al-Sadiq tại thủ đô Kuwait, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 27/6 gửi điện chia buồn đến Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah. Chính phủ Kuwait quyết định dành một ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân.
TTXVN