Tâm thành, vái vọng cầu an

Các “điểm nóng” đông người chen chân làm lễ cầu an nay vắng lặng để phòng, chống dịch. Ảnh: Kỳ Sơn
Các “điểm nóng” đông người chen chân làm lễ cầu an nay vắng lặng để phòng, chống dịch. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Đóng cửa chùa, di tích, đồng thời chuyển sang hình thức trực tuyến làm lễ cầu an đầu xuân; dịch bệnh buộc người dân vui vẻ chấp nhận sự chuyển đổi thực hành nghi lễ tâm linh truyền thống.

Cửa đóng then cài

Khoảng từ mồng 6 tới hết rằm tháng Giêng, đền chùa cả nước thường nhộn nhịp Phật tử, tín đồ và nhân dân vào ra cầu cúng. Đây là tuần cao điểm người dân làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở hầu khắp các vùng miền. Nhu cầu làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn đầu xuân trở thành tập quán nhiều năm nay, bỗng chốc vì dịch COVID-19 mà đảo lộn.

Từ mồng 1 Tết, hầu hết các di tích, đình, đền, chùa tại Hà Nội thực hiện giãn cách bằng cách đóng cửa. Từ trước Tết Nguyên đán, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có công văn hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện chia nhỏ người thực hành lễ cầu an, khuyến khích tăng cường hình thức trực tuyến. Vì thế, khung cảnh chùa chiền ở tuần cao điểm của lễ cầu an, dâng sao giải hạn năm nay thật khác lạ.

Chùa Quán Sứ là một trong những địa chỉ được đông đảo Phật tử, nhân dân lựa chọn để làm lễ cầu an, giải hạn. Đây cũng là nơi đặt trụ sở GHPGVN, vì vậy không có gì lạ khi cổng chùa cũng đóng kín. Phật tử, người dân tuy vậy vẫn có thể đăng ký làm lễ cầu an, giải hạn qua hai bà sãi chấp tác ở cổng. Phiếu đăng ký điền rõ số thứ tự, ngày giờ hành lễ của gia chủ để liệu sắp xếp tới vái vọng ở nhà hoặc tới cổng chùa vái vọng.

Ngang qua tổ đình, chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở, Đống Đa) những ngày này, thấy người dân không có cơ hội đặt chân vào nội tự. Lác đác một vài người lấp ló ở cổng đóng kín mít, họ đăng ký cầu an cho gia đình. Nhà chùa dán thông bạch ở cổng đề nghị Phật tử đăng ký các ngày từ mùng 6 tới mùng 9 chuyển sang dự lễ trực tuyến. Sớ cầu an của các gia đình được nhà chùa dâng lên chính điện, sau ngày 14 tháng Giêng các Phật tử tới lễ tạ và nhận lộc. Nhà chùa tổ chức Đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến vào 20h tối 14 tháng Giêng (25/2), phát trên Facebook của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Mùa Vu lan năm ngoái, chùa Phúc Khánh cũng thực hiện nghi thức trực tuyến và thu hút đông đảo Phật tử, người dân theo dõi.

“Gần hai tuần nay, chùa Phúc Khánh cửa đóng then cài, không Phật tử nào được vào chùa lễ Phật. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con Phật tử ý thức phòng chống dịch, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe con người. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, nhà chùa cử hành khóa lễ gồm 10 vị tăng ni cùng 5 phật tử. Nghi thức cầu an đầu năm mới được các sư thầy, Phật tử chuẩn bị chu đáo từ hàng tháng nay. Mỗi Phật tử đều được dâng một lá sớ tại ngôi Tam Bảo rất trang nghiêm thành kính, nên dù không dự lễ được bà con vẫn có thể thanh tịnh hướng về ngôi Tam Bảo, như thế khóa lễ vẫn thành tựu viên mãn. Chúng ta cứ hành việc thiện, lễ Phật tại nhà bởi Phật tại tâm”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG VN, trụ trì chùa Phúc Khánh cho biết.

Hoan hỉ, thành tâm

Chị Phạm Thị Hà Vân (Đống Đa) khẩu trang kín mít tới cổng chùa Quán Sứ đăng ký cầu an cho cả gia đình. “Những năm trước gia đình tôi đều trực tiếp tới chùa dự khóa lễ, nhưng dịch dã thế này nhà chùa thực hiện trực tuyến thì gia đình phải vui vẻ chấp nhận thôi. An toàn phòng dịch vẫn là trên hết. Nhà chùa đã cho ngày, giờ cúng cầu an cho từng gia đình để mọi người biết mà hướng tâm về cửa Phật”, chị Hà Vân nói.

Anh Nguyễn Gia Khánh (Phú Xuyên) kể, trước và trong Tết liên tục tiếp nhận các khuyến cáo phòng chống dịch của chính quyền địa phương nên cả gia đình hạn chế đi lại, nói không với du xuân lễ lạt đầu năm. “Tôi nghĩ cho dù có cúng lễ với bất cứ hình thức nào thì trên hết vẫn ở cái tâm của người tổ chức và người dân. Với cái tâm hướng thiện, mong điều tốt tới đất nước và cộng đồng, bình an tới gia đình thì việc thiêng hay không không nằm ở hình thức mà ở chính cái tâm của mình”, anh Khánh nêu quan điểm.

Tâm thành, vái vọng cầu an ảnh 1
“Phật tại tâm” trong giáo lý nhà Phật bao năm nay được nhắc tới nhiều, nhưng chưa khi nào được thấu hiểu như trong bối cảnh này. Ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, vẫn khá đông người dân chưa quen với hình thức trực tuyến nên còn cố chen chân trước cổng chùa xin vào chùa hành lễ. Lực lượng an ninh, chính quyền sở tại quanh các di tích phải mướt mồ hôi tuyên truyền, giải tỏa đám đông. Năm nay phần lớn Phật tử, người dân tự giác không lui tới đình chùa để phòng dịch. Trước các di tích, đình chùa chỉ còn rất ít người tới vái vọng, không cần tới loa vận động người dân giữ khoảng cách nữa.

PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo nhận thấy đây là lần đầu tiên trong lịch sử GHPG VN phải thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động Phật sự. Việc thực hiện lễ Phật đản, Vu lan, cầu an bằng hình thức trực tuyến là sự thay đổi hẳn với truyền thống Phật giáo vốn được tổ chức trực tiếp, mang tính tập thể với sự giao lưu, tương tác giữa người với người.

“Bản chất của các thực hành tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là sự thể hiện niềm tin/đức tin, lòng thành kính của những người chung niềm tin tôn giáo. Việc tổ chức các nghi lễ tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, mọi tương tác trực tiếp được thay bằng gián tiếp, không gian tôn giáo hay cơ sở tôn giáo được thay bằng không gian mạng, và về cơ bản một số nội dung được rút gọn. Tuy nhiên tôi cho rằng, thông điệp chính của nghi lễ tôn giáo vẫn có thể truyền tải được đến mọi người bằng hình thức trực tuyến”, PGS.TS. Chu Văn Tuấn phân tích.

box:

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN ký công văn số 037 ngày 20/2, nhắc lại yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong tháng lễ hội Xuân Tân Sửu. Thường trực Hội đồng Trị sự yêu cầu các Ban Trị sự GHPGVN tại các địa phương kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ, công văn số 21 của Hội đồng Trị sự ngày 28/1, trong đó nhấn mạnh nội dung thực hiện 5K, không tập trung đông người thực hiện lễ cầu nguyện Quốc thái dân an.

Tâm thành, vái vọng cầu an ảnh 2

Nhà chùa đóng cửa làm lễ cầu an, người dân vái vọng từ xa. Ảnh: Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.