Hàng loạt lễ hội lớn 'thất thu' vì dịch bệnh

Chùa Hương không còn cảnh tấp nập như những năm trước
Chùa Hương không còn cảnh tấp nập như những năm trước
TP - Các lễ hội lớn đầu năm tại Thủ đô đã tạm ngừng đón khách vì dịch bệnh, khiến các địa phương thất thu. Công tác chuẩn bị trước đó cũng “đổ sông, đổ bể”.

Lễ hội Gióng (ở đền Sóc) là một trong những lễ hội lớn của Sóc Sơn. Lễ hội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Hằng năm, từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng Giêng, người dân lại nô nức về với lễ hội Gióng đền Sóc thể hiện lòng thành kính, cầu mong một năm bình an.

Theo dự kiến, huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng thời điểm lễ hội 2021. Chương trình có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức trò chơi dân gian; tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch; trưng bày hình ảnh xây dựng nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, khi có chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, toàn bộ các chương trình đều bị hủy bỏ.

Riêng tại xã Phù Linh, nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách cũng lâm vào cảnh khó khăn. Bà Hạnh, chủ quán trên đường chính vào đền Sóc cho biết, vào thời điểm này các năm trước nếu khách không đặt bàn khó có chỗ ngồi. Lễ hội không tổ chức khiến nhà hàng vắng bóng khách. “Mỗi ngày may ra có 1 bàn khách, mở ra cũng chỉ để duy trì quán”, bà Hạnh than thở.

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Phù Linh cho biết, ngoài các nhà hàng ăn uống, xã có khoảng 20 quầy dịch vụ do người dân mở phục vụ lễ hội cũng thất thu vì dịch. Trung bình, trong những ngày diễn ra hội Gióng, riêng xã thu được khoảng 300 triệu đồng từ du khách. Lễ hội dừng tổ chức, doanh thu bị “âm”, vì tiền in vé, làm băng rôn, ba-rie… đã được chi nhưng không sử dụng.

Không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế

Ông Nguyễn Ngọc Liêm, Trưởng ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng cho biết, trước Tết hơn 1 tháng, các hoạt động chuẩn bị lễ hội đã được tiến hành như: Phát hành giấy mời, huy động thanh niên diễn tập… Thế nhưng đến ngày 28 Tết, huyện có quyết định dừng tổ chức lễ kỷ niệm khi có ca mắc COVID-19. Đến mồng 3 Tết Tân Sửu, do Mê Linh có thêm 3 ca COVID-19 nên huyện quyết định đóng cửa di tích. Sau đó, thành phố Hà Nội cũng có quyết định tương tự.

Theo ông Liêm, những năm trước, lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng, thu hút khoảng 150.000 du khách, doanh thu ước chừng hơn 1 tỷ đồng. “Năm nay do đóng cửa di tích nên không có du khách, đến doanh thu bằng 0%”, lãnh đạo Ban quản lý đền nói.

Cũng khai hội vào mồng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) năm nay ra thông báo đóng cửa di tích từ ngày 5/2.

Trung bình mỗi năm chùa Hương đón khoảng 1,4 triệu khách, trung bình mỗi khách chi tiêu 300 - 400 nghìn đồng/người, trong đó bao gồm: Tiền đò, cáp treo, vé thắng cảnh, chi phí ăn uống. Như vậy, chùa Hương có tổng doanh thu khoảng 560 tỷ đồng mỗi dịp lễ hội.

Ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng đã xử lý hai trường hợp dẫn khách “chui” vào chùa Hương, đồng thời thông tin rộng rãi vi phạm để răn đe. “Quyết định đóng cửa chùa Hương sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế- xã hội của địa phương, nhưng chúng tôi không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế. Các biện pháp phòng chống dịch đưa ra được tiến hành rất nghiêm túc”, lãnh đạo huyện Mỹ Đức khẳng định.

Đại diện Ban Quản lý chùa Hương cho biết thêm, trong 3 ngày Tết (từ 30 tháng Chạp tới mùng 2 Tết), Ban Tổ chức lễ hội đã miễn phí vé thắng cảnh cho du khách. Thời điểm đó, có khoảng 3.000 du khách tới vãn cảnh. Đến mồng 4 Tết, khi huyện có yêu cầu đóng cửa thì không còn thêm du khách nào. Hơn 300 gian hàng phục vụ ăn uống cũng đã đóng cửa.

MỚI - NÓNG