Hàng loạt lễ hội ở Hà Nội 'thất thu' tiền tỉ vì dịch bệnh

Để phòng chống Covid-19, lần đầu tiên trong hơn 50 năm chùa Hương phải đóng cửa trong ngày khai hội và trở nên vắng lặng. Ảnh: Vnexpress
Để phòng chống Covid-19, lần đầu tiên trong hơn 50 năm chùa Hương phải đóng cửa trong ngày khai hội và trở nên vắng lặng. Ảnh: Vnexpress
TPO - Các lễ hội lớn đầu năm tại Thủ đô đã tạm ngừng đón khách để phòng chống dịch COVID-19, khiến các địa phương thất thu.

Ông Nguyễn Ngọc Liêm, Trưởng ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng cho biết, trước Tết hơn 1 tháng, các hoạt động chuẩn bị lễ hội đã được tiến hành như: phát hành giấy mời, huy động thanh niên diễn tập… Thế nhưng đến ngày 28 Tết, huyện quyết định dừng tổ chức lễ kỷ niệm khi có ca mắc COVID-19. Đến mùng 3 Tết Tân Sửu do Mê Linh có thêm 3 ca COVID-19 nên huyện đã có quyết định đóng cửa di tích. Sau đó, thành phố Hà Nội cũng có quyết định tương tự.

Theo ông Liêm, các năm trước, lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, thu hút khoảng 150.000 du khách, doanh thu ước chừng hơn 1 tỷ đồng. “Năm nay do đóng cửa di tích nên không có du khách, doanh thu ở mức 0%”, lãnh đạo Ban quản lý đền nói.

Cũng khai hội vào mùng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) năm nay cũng ra thông báo đóng cửa di tích từ ngày 5/2.

Theo Thông báo do Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều ký: Lễ hội chùa Hương dự kiến diễn ra trong 3 tháng (từ 13/2 – 5/5/2021), mọi công tác chuẩn bị lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, trang trọng. Tuy nhiên, trước diễn biến, phức tạp nguy hiểm của dịch bệnh, cùng Chỉ thị 03 của Chủ tịch UBND thành phố. UBND huyện Mỹ Đức thông báo dừng tổ chức Lễ hội chùa Hương 2021.

Được biết, trung bình mỗi năm Chùa Hương đón khoảng 1,4 triệu khách, với mức chi tiêu bình quân 300 – 400 nghìn đồng mỗi người, trong đó đã bao gồm: Tiền đò, cáp treo, vé thắng cảnh, chi phí ăn uống. Như vậy, chùa Hương có tổng doanh thu khoảng 560 tỷ đồng mỗi dịp lễ hội.

Ông Đặng Văn Triều - Chủ tịch huyện Mỹ Đức cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng đã xử lý hai trường hợp dẫn khách "chui" vào chùa Hương, đồng thời thông tin rộng rãi vi phạm để răn đe. "Quyết định đóng cửa chùa Hương sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của địa phương, nhưng chúng tôi không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế, nên các biện pháp phòng chống dịch đưa ra được tiến hành rất nghiêm túc”, lãnh đạo huyện khẳng định.

Đại diện Ban quản lý chùa Hương cho biết thêm, trong 3 ngày Tết (từ 30 tháng Chạp tới mùng 2 Tết), Ban Tổ chức lễ hội đã miễn phí vé thắng cảnh cho du khách. Thời điểm đó, có khoảng 3.000 du khách tới vãn cảnh. Đến mùng 4 Tết, khi huyện có yêu cầu đóng cửa thì không còn thêm du khách nào. Hơn 300 gian hàng phục vụ ăn uống cũng đã đóng cửa. Huyện đã huy động gần 200 người ngày đêm trực gần chục chốt chặn, tuần tra trên suối, đảm bảo không có du khách đi “chui”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.