'Tam Quốc Thánh địa', hồn vía đất Thục

'Tam Quốc Thánh địa', hồn vía đất Thục
TP - Sau những trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc vừa qua, tôi lại nhớ đến một di tích lịch sử quan trọng của xứ này: Đó là TAM QUỐC THÁNH ĐỊA, công trình bảo tồn và tôn vinh  những nhân vật lịch sử thời Tam Quốc.
'Tam Quốc Thánh địa', hồn vía đất Thục ảnh 1
“Tam Quốc Thánh địa”

Nhiều người biết Tam Quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ nổi tiếng thế giới của Trung Quốc mà mấy trăm năm nay bao nhiêu thế hệ người Việt say mê.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều nơi có đền thờ Quan Công, một nhân vật chính trong truyện Tam Quốc. Điều đó nói lên sức sống bền bỉ của các nhân vật Tam Quốc.

Thú vị nhất là đã đọc Tam Quốc diễn nghĩa, lại được sang đất Thục, đến Tam Quốc Thánh địa, hồn vía đất Thục, để thăm  đền thờ Lưu Bị và đền thờ Gia Cát Lượng thì không có gì thỏa lòng bằng.

Tam Quốc Thánh địa nằm ở phía nam thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là đất Thục hàng ngàn năm trước. Theo hướng dẫn du lịch Lưu Huệ thì khuôn viên đền thờ rộng 37.000 m2 được Lý Hùng thuộc triều đại Tây Tấn (năm 265 - 316) xây dựng sau khi Gia Cát Lượng chết gần 400 năm.

Nghĩa là đền thờ Lưu Bị và Gia Cát Lượng được xây dựng trước khi La Quán Trung viết  Tam Quốc diễn nghĩa gần 1.000 năm (tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa xuất hiện thế kỷ XIV, cuối đời nhà Nguyên, đầu đời nhà Minh).

Trước cổng có một tảng đá khổng lồ, khắc bốn chữ Hán to tướng “Tam Quốc Thánh địa”, mua vé 40 nguyên (“tệ”) là vào thăm thoải mái cả ngày. Trong Tam Quốc Thánh địa có 2 khu vực  chính : Đền thờ Lưu Bị gọi là “Đền Hán Chiêu Liệt Đế”, phía sau là đền thờ Gia Cát Lượng gọi là Đền tưởng niệm Vũ Hầu. Ngoài ra còn có một không gian cảnh quan cây cối, hồ nước, lạch suốt, tượng đá, bia khắc... tạo thành công viên rất đẹp  và mộ Lưu Bị nấp trong rừng tùng bách. Nếu đi thăm chi tiết sẽ mất cả ngày không hết cảnh.

Từ phía nam, đi thẳng vào cổng thứ nhất là đến khu ngoài, trên bức tường đối diện cổng người ta vẽ những bức tranh lớn mô tả một số trận đánh  lớn trong Tam Quốc diễn nghĩa như trận Xích Bích...

Ở bên trái và bên phải đường đi vào đền, người ta tạc 47 pho tượng (quan văn và quan võ) là các tướng soái cao cấp của Lưu Bị thời Tam Quốc như Khương Duy, Triệu Tử Long, Quan Hưng, Trương Bào v.v... Mỗi pho tượng đều thể hiện gương mặt từng người như sách Tam Quốc đã mô tả.  Dưới mỗi bức tượng có ghi tên họ, chiến công chính của từng tướng lĩnh…

Qua cổng thứ hai mới đến Đền thờ Lưu Bị. Một tấm biển lớn sơn son thếp vàng treo trên cao đề  “Đền Hán Chiêu Liệt Đế”. Đền cao nhất, rộng lớn nhất. 

Trước đền có 3 đỉnh chung để cắm nhang, một cái to cao bằng cái Đỉnh ở Đại Nội Huế, hai cái nhỏ hơn, lúc nào cũng khói nhang nghi ngút, do du khách và người dân Thành Đô đến tưởng niệm mỗi ngày.

Bước vào đền thờ, nổi bật nhất là tượng ba anh em “kết nghĩa vườn đào”. Lưu Bị ngồi giữa, bên phải là Trương Phi, bên trái là Quan Công.

Xem tượng Lưu Bị, Trương Phi, Quan Công, tôi lại nhớ đến sách Tam Quốc diễn nghĩa tả: “Lưu Bị mình cao bảy thước, hai tai chấm vai, hai tay dài quá gối, mắt trông thấy được tai. Đó là quý tướng, tướng làm Vua”. 

Còn Trương Phi “mình cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, dáng như ngựa phi”. Lại nhớ Trương Phi hét một tiếng trên cầu Trường Bản làm cho tướng Tào sợ quá ngã ngựa, vỡ mật mà chết.

Hay hình ảnh Quan Vũ lấy đầu giặc nhanh đến nỗi chén rượu mời còn chưa nguội! Những pho tượng tạc rất đúng chân dung, khí phách từng người.  Ngôi đền được trang trí nhiều bia đá chạm khắc các hình ảnh thời Tam Quốc và nhiều câu nói nổi tiếng của các thế hệ sau đánh giá về Lưu Bị, Gia Cát Lượng.

Từ đền thờ Lưu Bị, đi ra phía sau, theo trục thẳng  phía nam, đến đền thờ Gia Cát Lượng. Đền thờ Gia Cát Lượng thấp hơn đền thờ Lưu Bị, có lẽ vì Gia Cát Lượng chỉ là quân sư. Nhưng đền thờ cũng rất trang nghiêm, với tên gọi giản dị  là Đền tưởng niệm Vũ Hầu (sau khi chết  Gia Cát Lượng được truy tặng là Vũ  Hương Hầu ). Gia Cát Lượng - Khổng Minh được coi là “Bộ trưởng chiến tranh” của Lưu Bị thời Tam Quốc, nên đền thờ ông cũng có rất nhiều người thắp hương khấn vái.

Sau khi thăm đền thờ Lưu Bị và Khổng Minh, chúng tôi đi dạo ngắm nhìn nghệ thuật hoa viên trong khuôn viên Tam Quốc Thánh địa. Ở đây người Trung Quốc đã tạo ra một nơi tham quan, vui chơi, giải trí thật đặc sắc.

Đi dạo một lúc, hướng dẫn viên Lưu  Huệ dẫn chúng tôi đến một mô đất cao, rộng, nằm dưới một rừng  tùng bách cổ thụ. Đó là mộ Lưu Bị. Ngôi mộ có chu vi 200 m. Tôi xúc động. Không ngờ đời mình lại được đến tận nơi yên nghỉ của một nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Rất nhiều đoàn du khách tranh thủ chụp ảnh ở mộ Lưu Bị để ghi dấu kỷ niệm. Ngôi mộ đất giản dị đã tồn tại hàng ngàn năm nay, như là một lời khuyên với con người mà tôi đã đọc ở đâu đó: Hãy sống hết mình vì con người và chết giản dị như con người !

Khu Tam Quốc Thánh địa đã thành một điểm du lịch hấp dẫn và lâu đời nhất ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Đến đây mới  biết trình độ bảo tồn lịch sử của người Trung Quốc từ ngàn năm trước đã kỳ công lắm, bởi thế mà người đi tham quan Tam Quốc Thánh địa đông chật mỗi ngày.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.