Hoàn cảnh đặc biệt
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943. Bản Đề cương đã đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam khi đó, đặt nền móng căn bản về lý luận và thực tiễn, định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đồng bào dân tộc (trong phim tài liệu kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam). |
Các nhà khoa học phân tích bối cảnh lịch sử của bản đề cương. Để chống lại chính sách văn hóa phản động của Pháp - Nhật và tay sai, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc… cho nên Đảng ta đưa ra bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu: “Bản Đề cương ra đời trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng sinh tử giải phóng dân tộc. Đề cương đã trình bày một cách hệ thống các khái niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục đích, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam, những nhiệm vụ cần kíp để thực hiện các mục tiêu đề ra. Các nội dung cơ bản nêu trong 5 phần của Đề cương nhìn chung đều có tính khái quát rộng, nắm bắt sâu tình hình lý luận và thực tiễn văn hóa Việt Nam khi đó”.
Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo bản đề cương nhằm vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới. Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật- Pháp, phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá. Đề cương văn hóa vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít; xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén
Thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức đi theo và phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân. |
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Đề cương đã thể hiện một tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sát của một Đảng non trẻ mới có 12 năm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều luận điểm, nguyên tắc, đúc kết của bản Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn có thể kế thừa, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường ĐH KHXHNV - ĐH Quốc gia TP.HCM) nhắc lại, trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh nêu: “Với Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Đảng chỉ cho họ đâu là lối thoát… Và giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển một cách tự chủ, theo hướng tiến bộ… Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã vạch rõ con đường cách mạng để giải phóng trí tuệ và văn hóa trong sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc”.
“Rõ ràng Đề cương đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới. Nó không phải chỉ là lý trí, là đường lối chủ trương chung mà còn là tình cảm, là hành động thực tiễn, là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và với cả tương lai”, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nhận định.
Bản Đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa - nghệ thuật. Trước hết là những vấn đề căn cốt như quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị (văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị), vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng, chức năng của văn hóa - nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh), sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng, tiến bộ...
GS.TS Từ Thị Loan khẳng định bản Đề cương mang đầy đủ ý nghĩa của một Cương lĩnh về văn hóa, bổ sung cho Cương lĩnh chính trị của Đảng (Luận cương chính trị năm 1930) phục vụ đắc lực cho cuộc cách mạng “phản đế, phản phong” của dân tộc. Bản Đề cương góp phần thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, đặt nền móng cho đường lối văn hóa, văn nghệ sau này, làm kim chỉ nam trong xây dựng nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cho các chặng đường cách mạng tiếp theo. Đề cương đã thể hiện khả năng dự báo chính xác, tầm nhìn vượt thời gian khi khẳng định tiền đồ, tương lai của văn hóa Việt Nam là: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
“Với những nội dung, quan điểm, vấn đề quan thiết như vậy, bản Đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Nhiều hồi ký, phát biểu, suy ngẫm của giới văn nghệ sĩ đều cho thấy sự hấp dẫn, sức thuyết phục của bản Đề cương đã giúp họ khai mở nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc...”, GS.TS. Từ Thị Loan cho biết.
Ba nguyên tắc lớn
Nhìn lại 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam, các nhà nghiên cứu, lý luận nhận ra đất nước hàng nghìn năm lịch sử với nền văn hóa đa dạng, phong phú về tài nguyên và nhiều giá trị văn hóa được hun đúc nhưng phải đến năm 1943 lần đầu tiên tầm nhìn, tư duy phát triển văn hóa của đất nước mới được xác lập thành cương lĩnh với rất nhiều giá trị. Ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa là ba nguyên tắc xuyên suốt góp phần tạo nên sự chuyển động về nhận thức, hành động trong hoạt động văn hóa của đất nước ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Dân tộc hóa theo tinh thần của Đề cương nhằm “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Cụ thể hơn, đó chính là “chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân”. Từ khi đất nước giành được độc lập, trong suốt những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như hòa bình xây dựng đất nước, nguyên tắc dân tộc hóa góp phần tập hợp, đoàn kết giới trí thức, văn nghệ sĩ cũng như quảng đại quần chúng xây dựng một nền văn hóa mới mang đậm bản sắc dân tộc, chống lại mọi ảnh hưởng, tàn dư của văn hóa phong kiến, tư sản, nô dịch, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa Việt Nam.
“Cho đến nay, có thể nói, nguyên tắc Dân tộc hóa vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy tác dụng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nội hàm của nó cần được hiểu rộng và sâu hơn, đa chiều và đa nghĩa hơn”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa - nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu.
Ở nguyên tắc Đại chúng hóa, lần đầu tiên quần chúng nhân dân lao động trong lịch sử văn hóa dân tộc được xác định vừa là đối tượng vừa là chủ thể văn hóa. Nguyên tắc Khoa học hóa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin với tư tưởng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phải đặt Đề cương trong hoàn cảnh lịch sử của nó để hiểu hơn nguyên tắc khoa học hóa. Khi đất nước ta đang chìm đắm trong một thời kỳ phong kiến và thực dân, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp đang kéo lùi sự phát triển của lịch sử dân tộc. Nhiều tệ nạn xã hội được chỉ ra trong các tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… cho thấy chỉ bằng cách thay đổi những hủ tục lạc hậu, không phù hợp của văn hóa thì mới giúp đất nước phát triển.
“Tư tưởng căn bản của đề cương là mong muốn thay đổi phong hóa của dân tộc: từ việc thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống sẽ tạo ra nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Rõ ràng, từ tư tưởng khoa học hoá, kể từ khi giành được độc lập, văn hoá của đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ yếu tố lạc hậu trong văn hoá, góp phần hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng nhìn lại chặng đường lịch sử 80 năm để thấy rằng những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng một nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia, dẫn dắt đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hội thảo quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức vào 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố.