Tấm lưới vô hình

Tấm lưới vô hình
TP - Cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của thế giới sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 làm hơn 3.000 người thiệt mạng. Đặc biệt tại Mỹ, nơi đã xảy ra thảm kịch này, chủ đề “khủng bố” đã trở nên nhạy cảm đến mức người dân cũng e ngại khi bình luận công khai về nó. 

Lo ngại này không phải vô căn cứ khi mới đây trang tin The Intercept của Mỹ tiết lộ một bộ quy định mật của Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC) về các tiêu chí để liệt một cá nhân vào danh sách tình nghi khủng bố, khiến dư luận choáng váng. 


Theo điều khoản “nâng cấp sự tình nghi dựa trên mối đe dọa”, một cơ quan có thể đề xuất đưa một cá nhân vào danh sách theo dõi dựa trên “một nguồn thông tin duy nhất kể cả khi nguồn này không được xác nhận”. 

Nói cách khác, các giới chức chống khủng bố hoàn toàn có quyền liệt một cá nhân vào danh sách tình nghi khủng bố chỉ dựa trên “sự nghi ngờ hợp lý” mà không cần bằng chứng. 

Một bình luận vu vơ đăng trên mạng xã hội liên quan đến khủng bố cũng hoàn toàn có thể trở thành lý do để nghi ngờ. Như vậy, tiêu chí không rõ ràng có thể khiến cho một cá nhân không hề dính líu đến khủng bố bị rơi vào danh sách. Điều đáng buồn nhất là tên của họ sẽ không bao giờ được xóa, kể sau khi đã chết.  

Theo lý giải của NCTC, danh sách tình nghi là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để đề phòng khủng bố. Đặc biệt, từ sau vụ một đối tượng có tên trong “danh sách đen” định đánh bom một chuyến bay đến Mỹ cuối năm 2009, các cơ quan an ninh Mỹ đã gia tăng chóng mặt số người bị tình nghi, với việc bổ sung thêm 1,5 triệu danh tính chỉ trong vòng năm năm. 

Cùng với vụ việc hàng triệu công dân bị theo dõi điện thoại, email (theo tiết lộ của cựu điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden), bộ quy định mật về tiêu chí đưa một cá nhân vào danh sách tình nghi khủng bố đang khiến người dân Mỹ lo ngại. Giờ đây không chỉ lo ngại về quyền riêng tư bị xâm phạm, người dân Mỹ sợ rằng một sơ ý nhỏ cũng có thể khiến họ lọt vào tầm theo dõi của nhà chức trách.

Các thảm kịch khủng bố đã buộc nước Mỹ phải nâng cao cảnh giác. Các cơ quan chống khủng bố đã được trao quyền hạn rộng rãi vì lý do này. Tuy nhiên, mặt trái của nó là đã khiến cho các cơ quan chống khủng bố trở nên độc đoán, chuyên quyền.   

Đề phòng khủng bố nhưng không có nghĩa đẩy những người vô tội vào một cuộc sống ngột ngạt vì những tấm lưới vô hình vây quanh mà họ không hề biết cũng như không bao giờ có thể gỡ bỏ. 

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.