Tấm lòng cô giáo người Ê đê

Cô giáo H'Wiêl trong một tiết học.
Cô giáo H'Wiêl trong một tiết học.
TPO - Nhiều năm qua, cô H Wiêl Byă, giáo viên trường tiểu học Phan Đình Phùng (xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tình nguyện dạy chữ, dạy tiếng miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương khi các em bước vào trường tiểu học nhưng chưa biết rõ mặt chữ, nói không sõi tiếng phổ thông.  

Chúng tôi về xã Hoà Xuân ngoại thành Buôn Ma Thuột trong một ngày đầu đông gió lạnh. Con đường nhựa vòng vèo dẫn đến trường tiểu học Phan Đình Phùng, nơi có cô giáo Ê Đê tận tâm làm “người mẹ hiền thứ hai" cho học trò nghèo nơi đây.

Gặp cô giữa giờ nghỉ giải lao, ngồi nghe cô tâm sự chúng tôi dần hiểu tâm tình  của một nữ giáo viên vùng cao. Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, sinh ra trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, H'Wiêl sớm mồ côi mẹ, lớn lên trong tình yêu thương của bố và anh chị. 

Nghèo, đói đeo bám không làm nhụt ý chí của sơn nữ đầy nhiệt huyết : “Mình muốn trở thành cô giáo để dạy chữ cho đồng bào, giúp họ hoà nhập với xã hội rộng lớn thay vì chỉ biết cặm cụi ở những cánh rừng hun hút để trồng cây, hái quả”.

 Năm 1990 tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học trường Trung cấp sư phạm xã Hòa Thắng, cô H'Wiêl may mắn được về công tác ngay chính ngôi trường năm xưa mình từng học. Tiểu học Phan Đình Phùng có tới 1/3 học sinh là con em dân tộc thiểu số,  chủ yếu ở sâu trong buôn Dray Hling, cách trường tới 4, 5 cây số. Nhiều trò nhỏ chưa từng được học mầm non, vào lớp 1 vẫn chưa biết chữ, mặc cảm tự ti rồi dần bỏ trường lớp.

Cô H'Wiêl ân cần tiếp cận, làm quen, thấu hiểu tâm lý con em đồng bào mình. Những năm đầu về trường, hàng ngày cô phải đi đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con em đến lớp. 

“Bà con nơi đây nhiều người không sõi tiếng phổ thông, cái ăn cái mặc không có. Nhiều em nhỏ phải theo bố mẹ vào tận rừng sâu để kiếm sống, hoặc bố mẹ đi làm xa gửi con lại cho ông bà nên việc học hành của các em dang dở !”- Cô H'Wiêl kể.

Nhận thấy nhiều học  sinh dân tộc tiếng Kinh còn bập bẹ, nói chưa rõ, việc tiếp thu bài giảng khó khăn, cô H'Wiêl thương học trò của mình thiệt thòi nên từ năm 2007 cô đã mạnh dạn đề xuất việc dạy thêm chữ và tiếng cho các em, được nhà trường đồng tình, ủng hộ. Cô cùng Ban giám hiệu nhà trường, Hội cha mẹ học sinh phối hợp với Ban tự quản xã phường đến từng nhà giải thích, vận động phụ huynh cho con em đến trường.

Hằng ngày đều đặn, buổi sáng dạy trên lớp, buổi chiều cô dành thời gian dạy chữ dạy nói cho các em học yếu. Khi cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ khang trang hơn, nhà trường chủ trương cho học sinh học cả ngày. 

Cô lại tranh thủ những lúc thời gian nhàn rỗi, trống tiết để dạy cho các em. Không chỉ truyền đạt kiến thức, dạy nói mà cô còn trao đổi kinh nghiệm, dạy kỹ năng sống từ cách nói năng, đi đứng, chào hỏi giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Tấm lòng cô giáo người Ê đê ảnh 1

Kèm cặp từng em học sinh.

Dường như vì hạnh phúc của mọi người, tâm huyết với nghề mà cô quên đi hạnh phúc của bản thân. Đến nay tuy đã 49 tuổi, cô vẫn không lập gia đình, chỉ nhận nuôi dạy hai đứa con của chị gái.

Sau một năm được kèm cặp, hầu hết các em đều có thể hòa nhập, tự tin trong giao tiếp, không còn rụt rè nữa. Em H' Nan Buôn Krông (6 tuổi) tuy đã được học mầm non, làm toán được nhưng lại không biết mặt chữ. Nay đã có thể đọc, viết chữ. 

Em Y Siêm (7 tuổi) thỏ thẻ nói: “Cháu rất thích cô H'Wiêl. Cô dạy cháu phát âm từng từ, đưa tay tập viết từng chữ, cô nói cháu dễ hiểu lắm. Ở đây cháu vừa được học chữ, vừa được chơi với rất nhiều bạn người Kinh và người Ê Đê như cháu, rất vui ”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Hoà Xuân) cho biết: Thường ngày đến đón con, tôi luôn thấy cô H'Wiêl tranh thủ từng khoảng thời gian ngắn để dạy cho các em học sinh người đồng bào Ê Đê cách phát âm và viết chữ, đó là một người giáo viên rất tận tuỵ với học trò và tâm huyết với nghề.

 Cô Lê Thị Phương- phó hiệu trường tiểu học Pham Đình Phùng xác nhận: Cô H- Wiêl là nhà giáo điển hình, nhiệt huyết trong công tác vận động học sinh bỏ học tới trường. Trường rất tự hào vì có một giáo viên hết lòng tận tụy với học sinh như cô. Cô còn là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn thành phố năm 2014-2015”.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.