Tạm kết câu chuyện bản quyền: Đã đến lúc...

Vi phạm bản quyền ảnh khá phổ biến so với các loại hình nghệ thuật khác: ảnh chụp Trịnh Công Sơn (của Trương Công Ánh), Nguyễn Tuân (Hoàng Kim Đáng) đều bị vi phạm nhiều lần.
Vi phạm bản quyền ảnh khá phổ biến so với các loại hình nghệ thuật khác: ảnh chụp Trịnh Công Sơn (của Trương Công Ánh), Nguyễn Tuân (Hoàng Kim Đáng) đều bị vi phạm nhiều lần.
TP - Đã đến lúc thôi ngó lơ, đơn giản hóa vấn đề bản quyền. Loạt bài bản quyền tạm khép sau khi nhìn lại các vi phạm ở nhiều lĩnh vực.

Khắp nơi nơi

Một hôm, NSƯT Thanh Quý đến tòa soạn, đưa tôi xem bài báo có hàng tít dài ngoằng NSƯT Thanh Quý tiết lộ lý do sống độc thân sau khi chia tay họa sĩ Thành Chương, rồi hỏi một số điều về Luật Báo chí. Bởi vì theo Thanh Quý, người viết bài này không hề gặp chị mà lại kể xưng xưng Thanh Quý “mở lòng, tiết lộ” với anh/chị ta từ chuyện nghề nghiệp đến đời tư đầy bi kịch.

“Bạn bè bảo đọc bài này nếu không biết Quý chắc ai cũng nghĩ mình yếm thế, lải nhải đời tư, đau đáu về cuộc ly hôn nổi tiếng. Có lẽ nhà báo nghĩ họ khen mình xinh đẹp không tuổi và tài năng thì mình sẽ mê man chả cần để ý họ viết sai hay đúng. Lại còn bảo đoạt Bông sen Vàng hàng loạt phim. Loạt là bao nhiêu? Bông sen Vàng dễ thế à? Đồng nghiệp đọc được lại bảo khai gian thành tích”.

Hóa ra đây không phải bài báo dở mà là cóp mỗi báo dở một tí, rồi chêm vào dăm câu bình luận mà theo khổ chủ Thanh Quý là cực kỳ lá cải.

Chị Quý mượn máy tính của tôi, mở những bài báo vặt kia ra. Đọc những bài này đã buồn cười lắm rồi, từng làm Thanh Quý dở khóc dở cười rồi, còn bài xào luộc- chiếm trọn trang báo giấy, thì không phải báo! Khả năng tổng hợp tinh tế đến nỗi, còn cóp cả chuyện người phụ nữ hiện nay của Thành Chương đẹp, yêu chồng ra sao, “sẽ là cuộc hôn nhân cuối cùng của Thành Chương”, để đưa vào bài “Thanh Quý tiết lộ” rất chi là câu khách rẻ tiền này.

Đốt điếu thuốc với dáng điệu rất nghệ sĩ, “Người đàn bà nghịch cát”, “Người đàn bà bị săn đuổi” cố giữ bình tĩnh: Trước khi đến đây chị có nói với con gái, chắc mẹ phải trả lại Nhà nước cái danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú để có thể làm mọi điều mẹ muốn, chẳng hạn đối phó những chuyện thế này. Tôi đọc được suy nghĩ của chị về những người gọi là đồng nghiệp của mình: Còn điều gì mà các người không dám làm?

Đạo, vi phạm bản quyền ảnh khắp nơi (Hoàng Kim Đáng- Tiền Phong 16/12), còn báo chí đâu chịu lép. Vừa phạm luật Bản quyền vừa phạm luật Báo chí. Lên Diễn đàn nhà báo trẻ hoặc Vietnamjournalism.com hoặc một số diễn đàn khác, thỉnh thoảng lại nghe la oai oái chuyện bài vở hoặc đoạn phim “mồ hôi nước mắt” bị thăn thó để đưa vào tác phẩm báo giấy báo mạng, phóng sự truyền hình của không phải báo bé, kênh địa phương đâu nhé.

Hai mấy năm trước, L.V.L có truyện ngắn đoạt giải Nhất, vừa được chuyển thể truyền hình hơn 3 chục tập. Mấy tập đầu phát lên, khán giả bức xúc báo anh biết bởi rõ ràng dựa theo truyện của anh mà dòng tên anh bé tí luận mãi mới ra, còn tên đạo diễn choán hết màn hình. Anh bèn tìm hỏi đạo diễn kiêm nhà sản xuất. Ủa chị làm phim theo truyện của em mà sao em không biết gì trơn? Thì ra 13 năm trước L.V.L từng ký hợp đồng với hãng Giải Phóng mà vị này đại diện. 2 năm không làm phim, hợp đồng sẽ vô hiệu. Nay L.V.L nói chị làm phim không hỏi em, không tôn trọng tác quyền, vậy em sẽ yêu cầu đài ngưng chiếu. Lúc ấy mới rối rít xin lỗi, nói quên chuyện vô hiệu. Khoảng tập 20 thì dòng chữ “chuyển thể theo truyện ngắn... của L.V.L” được hiện lên rõ ràng, và có nhuận bút cho khổ chủ. Anh ban đầu bực lắm mới kể tôi nghe chuyện “ẩu tả” này, sau đó bảo “Có viết thì ghi tên tắt nhé vì người ta bỏ tiền làm phim, cũng tội. Công ăn việc làm của mấy chục người”.

Lại nói chuyện ảnh. Các nhà báo vẫn đùa rằng ảnh chú thích T.L thì nghĩa là “tao lấy” (nhuận ảnh), không phải “tư liệu” hoặc của bất kỳ ai khác. Chú thích AAC cũng được, vì đó là “ảnh ăn cắp”.  Ăn cắp ảnh đơn giản nhất trong các loại!- giới ảnh bảo thế. Trót để CD, USB đựng ảnh rơi vào tay ai, người ta nhanh tay copy và paste (cắt dán) là xong phim. Vào Google gõ “Ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế” thì vô thiên lủng, tha hồ chọn.

Hỏi nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lại Hiển “Ngày nào nghệ sĩ các ông cũng tụ bạ cà phê Văn Việt, phàn nàn rất nhiều về tệ vi phạm bản quyền ảnh. Vậy chưa bao giờ các ông bàn nhau cách chống lại à?”, “Chống thế nào, kiện thì một tiền gà ba tiền thóc”. Ông Hiển cho hay, nhuận ảnh in báo thường thê thảm, chỉ ảnh lịch khá thôi. Ảnh du lịch in trang bìa 200.000 đồng, trang trong 50.000 đồng “chỉ được cốc nước, không hiểu họ nghĩ thế nào. Chụp được bức ảnh miền núi phải đổ mồ hôi nước mắt, tai nạn như chơi”.

NSNA Hoàng Kim Đáng: Báo Tết vi phạm bản quyền mới khiếp! Ví dụ báo của Bộ Văn hóa (Cục Bản quyền thuộc Bộ Văn hóa chứ gì?) in hai trang thơ có ảnh đẹp làm nền. Thơ văn nhạc họa phải được tôn trọng ngang nhau, vậy tại sao lấy ảnh căng hai trang tô điểm cho thơ mà không đề tác giả ảnh. Thế là coi ảnh của người ta là cái sân để rải chiếu à?

Vị họa sĩ ngắm ảnh chân dung đẹp của văn nghệ sĩ nổi tiếng do nhà nhiếp ảnh công phu chụp, rồi vẽ lại, rồi đem triển lãm cho mọi người trầm trồ, không một dòng chú thích vẽ theo ảnh của ai, thì có hơn nhiều đâu so với mấy ông già ngồi ở Hàng Ngang Hàng Đào say sưa truyền thần kiếm tiền.

Tạm kết câu chuyện bản quyền: Đã đến lúc... ảnh 1

Bức ảnh chụp cồn cát của Nguyễn Thịnh, một trong số ảnh của vụ “700 bức ảnh bị dùng kiểu khuyết danh”.

Đến lúc

Trước tháng 12, gỡ chưa xong vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã lại gửi cuốn Nhiếp ảnh Việt Nam một góc nhìn dự giải xuất sắc năm nay. Trớ trêu, Chu Chí Thành- thành viên Hội đồng xét giải- đọc nó và phát hiện cuốn này không chỉ phạm qui mà còn đạo văn của chính ông Thành! Ông Thành lại đang là người kiên quyết yêu cầu Hội giải quyết dứt điểm vụ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới. Cho nên ông không giấu giếm sự “kinh ngạc” về việc mà theo ông là “tự tin bịt mắt được Hội để ăn giải lần nữa với cuốn sách cũng đạo văn và phạm qui như cuốn kia”.

Vì kinh ngạc, ông Thành gửi thư ngỏ đến người có chức trách ở Hội, để tránh vết xe đổ Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới. Hành động này bị các quan chức ở Hội cho là nóng nảy, không phù hợp. Tôi lại hiểu sự nóng nảy đó. Hiểu sự phẫn nộ của một người đã phải chứng kiến quá lâu sự quá mù ra mưa, hiểu vì sao ông dùng từ “nhuế nhóa”: “Chả lẽ Hội NSNA Việt Nam lại hài lòng với lời tự thú của ông Thường và thuê (luật sư) 8 triệu đồng để nhuế nhóa hành vi đạo văn, chỉ cần trả lại 8 triệu đồng tiền giải là đủ”.  “Chắc chúng ta phải học tập Thành ủy Hà Nội không nhận vật hiến gồm những tầng nhà phạm qui 8B Lê Trực. Cái mà nhân dân Hà Nội cần là xử lý đúng tội danh để làm gương”- ông Thành viết trong thư ngỏ.

Giờ thì ông Thường hẳn đã bình yên (chúc ông như vậy). Chỉ lạ một điều, cả khi hội viên Trần Mạnh Thường đã thú nhận không hề viết cuốn sách đó, chỉ soạn theo sách nước ngoài, mà Chủ tịch Hội Vũ Quốc Khánh vẫn viết thư ngỏ khăng khăng: “Cá nhân tôi cho rằng công phu dịch thuật, biên soạn như vậy có trao giải cũng xứng đáng”. Bảo lưu những điều đã nói cách đây 3,4 năm!

Có phải ông Khánh định nói: Cái của ăn cắp ấy mà, nếu không ăn cắp thì nó tử tế lắm? Bảo sao hội viên của ông cứ “bịt tai ăn cắp chuông” hết lần này lần khác.

Chánh văn phòng Hội Nguyễn Bá Định thì đá xoáy Chu Chí Thành: “Tôi chỉ là học trò của các ông trên con đường nhiếp ảnh nhưng nếu xét vô tư khách quan và thực tế, tác giả Trần Mạnh Thường đứng tên hàng chục cuốn sách phổ biến kiến thức nhiếp ảnh- sai, đúng đâu chưa biết nhưng kiến thức đó đã được hàng ngàn học sinh sinh viên, rất nhiều người yêu thích nhiếp ảnh đọc và học. Thiết nghĩ đó là đóng góp đáng trân trọng. Còn ông nếu có những cuốn như thế hoặc tương tự, tôi xin được là trò ngoan, được đọc và học”.

Điều gì đang xảy ra ở Hội NSNA Việt Nam? Vì đâu nghệ sĩ lão thành Phạm Tuệ có lúc nặng lời gọi Hội của ông là “hội lêu bêu”?

Lý ra, hàng chất lượng cao mác nước ngoài thì sự trân trọng, ca tụng nên gửi đúng địa chỉ. Kể cả nhận biên soạn, vẫn không đủ. Luật sư Hưng Quang dẫn luật: “Không có khái niệm người biên soạn được quyền sao chép, dịch thuật tác phẩm của người khác cho tác phẩm của mình. Nếu người biên soạn tham khảo tác phẩm thì phải ghi chú, chú thích việc sử dụng tác phẩm khác, thậm chí là cả chính tác phẩm do mình sáng tạo ra trước đó”. Có nghĩa, luôn phải ghi rõ đoạn nào của mình đoạn nào của người khác suốt cả cuốn sách, nói đến đâu chú giải đến đấy nếu không muốn mang tiếng đạo dù chỉ một khúc.

Đừng tưởng hễ sách là quí; hễ họa phẩm, nhạc phẩm, ảnh phẩm đều là văn hóa phẩm giá trị. Đừng tưởng cái gì sáng lóa lên cũng đều là vàng cả!

Mùa thu hồi giải thưởng vừa qua, mọi sự rồi khép lại nhưng câu chuyện đạo văn vẫn “trôi nổi trong làn sương mù của sự đúng sai” (Nguyễn Quang Thiều). Anh Thiều cứng rắn: “Không cần ra tòa cũng buộc được người ta phải nhận. Tôi mà là lãnh đạo những Hội có đạo chích, tôi gọi họ lên, phản biện, đối chất vì chứng cứ đã rành rành. Nếu không nhận đạo văn sẽ kiện ra tòa tội lừa Hội (gửi tác phẩm “đạo” để dự thi), làm mất danh dự uy tín của Hội. Chẳng qua không muốn làm đến nơi thôi”.

Có lẽ, đã đến lúc thôi nhuế nhóa, thôi lập lờ đánh lận con đen, thôi chiết trung trong vấn đề bản quyền ở mọi lĩnh vực - văn học nghệ thuật, báo chí, khoa học... Thôi coi bản quyền là chuyện của ai ấy, còn ta đứng ngoài.

Đến lúc thôi ngó lơ, mơ hồ, một sự mơ hồ xuyên suốt bấy lâu, khiến câu chuyện bản quyền có lúc trở thành cuộc chiến bản quyền nóng rẫy. Đến lúc tập làm người văn minh, trong xã hội có kỷ cương. 

Mùa tốt nghiệp đại học giờ được gọi lóng là mùa đạo luận văn, luận án.  Giới khoa học không hiếm ì xèo chuyện “tiến sĩ mua, tiến sĩ xin”. Trên diễn đàn nọ, khi có người kể câu chuyện đạo văn nhặt từ báo chí, các thành viên xúm vào bàn luận. Không ít người thú nhận mình cũng đang đạo cái gì đó, và đành tự an ủi, bào chữa rằng “Thôi thì miễn mình không lấy của người nghèo. Robin Hood xưa giờ vẫn được coi là nhân vật chính diện đấy, bà con ạ”.
MỚI - NÓNG