Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng:

Đạo, vi phạm bản quyền ảnh khắp nơi

Theo NSNA Hoàng Kim Đáng, bức ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuổi 80 của ông nhiều lần bị vi phạm bản quyền, nhất là khi in bìa sách.
Theo NSNA Hoàng Kim Đáng, bức ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuổi 80 của ông nhiều lần bị vi phạm bản quyền, nhất là khi in bìa sách.
TP - Bản thân từng có những ảnh phẩm bị vi phạm bản quyền ở mức kỷ lục, nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) tước hiệu EVAPA tức nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc - Hoàng Kim Đáng cho biết, ông không hề là ngoại lệ trong giới. Ông cũng bày tỏ quan tâm vụ việc nổi cộm vừa qua ở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông nói: Đạo, vi phạm bản quyền ảnh diễn ra khắp nơi. Cụ thể thế nào?

Trước hết tôi hoan nghênh báo Tiền Phong thời gian qua ra loạt bài đề cập vấn đề đạo ảnh, đạo sách. Tình trạng này phức tạp lâu rồi.

Tác giả mọi thế hệ như Đinh Đăng Định, Đỗ Huân, Lê Vượng, Xuân Liễu ở Hà Nội, trong TPHCM thì có Trương Công Ánh, Lê Hồng Linh, hoặc Trần Thế Long ở Nam Định đều có ảnh bị một số họa sĩ, “bôi sĩ” khai thác, truyền thần. Báo chí hoặc người làm sách không trả tác quyền. Ảnh Đinh Đăng Định chụp Bác Hồ bị vi phạm bản quyền nhiều lắm.

Về bôi sĩ. Bức ảnh Nguyễn Tuân tôi chụp từ đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, Nguyễn Tuân rất thích nên đã đưa vào sách và nhiều bài ông trả lời phỏng vấn, được một họa sĩ đưa vào triển lãm tranh chân dung của anh ta. Tranh y chang ảnh mà lại được khen “thổi hồn vào tác phẩm” kể cũng lạ! Ông “thổi hồn” vào ảnh  đẹp của Trương Công Ánh chụp Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Toán chụp Nguyễn Đình Thi... rồi bày trong triển lãm cá nhân, không hề chú thích một dòng là vẽ theo ảnh có sẵn của người ta. 

Một trong số ảnh được nhiều người biết của tôi, chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm ông 80 tuổi, được dùng rất nhiều. Khi Tướng Giáp qua đời, hàng trăm báo in ảnh này, thậm chí phóng cỡ lớn nhưng gần như không báo nào ghi tên tác giả ảnh, duy nhất một báo trả nhuận ảnh 1 triệu 50 ngàn đồng.

Một lần, dự hội nghị quốc tế về bản quyền, ngó nghiêng quầy sách bày trong hội thảo, nhận thấy bìa sách Võ Nguyên Giáp - Đại Tướng của nhân dân in ảnh Tướng Giáp của tôi không hề ghi tác giả ảnh, tôi mới tìm gặp, nhắc nhở  Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp người làm cuốn này. Ông ấy nói lỗi tại họa sĩ. Tôi nói sách ông làm và chịu trách nhiệm sao lại đổ cho họa sĩ. Và bảo Nhà ông (NXB Văn hóa Thông tin) ba lần vi phạm bản quyền ảnh này, đâu chỉ một lần. Được cái ngay sau đó ông ấy lên diễn đàn hội nghị bản quyền xin lỗi tôi, nhưng vẫn lờ tác quyền.

“Giới ảnh bị vi phạm bản quyền nhiều nhưng gần như không ai kiện. Ở nước ngoài kiện trong trường hợp này thì lãi nhưng Việt Nam, kiện thì lõm”. 

NSNA Hoàng Kim Đáng

Cuốn 25 tướng lĩnh Việt Nam cũng của NXB Văn hóa Thông tin cũng in ảnh Tướng Giáp của tôi ở bìa mà không biết người chụp là ai. Vụ thứ ba trắng trợn hơn nữa. NXB Văn hóa Thông tin làm bưu ảnh Tướng Giáp phát hành số lượng cực lớn. Đằng sau bưu ảnh ghi cả số điện thoại di động của NXB để tập thể cá nhân nào có nhu cầu thì liên hệ, còn người làm ra bưu ảnh không được ai biết tới hỏi tới. Tôi có viết thư cho NXB nói về ba lần vi phạm, không ai buồn trả lời. Kể những chuyện này ra thì dài lắm.

Đạo ảnh, vi phạm bản quyền ảnh đã đáng phê phán rồi nhưng tôi cũng như nhiều hội viên thấy lạ là đạo ảnh thì khai trừ khỏi Hội tức khắc, nhưng đạo sách 3-4 năm, gây bức xúc trong giới và dư luận, thì vẫn bằng an, đó là chuyện Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới.

Đạo, vi phạm bản quyền ảnh khắp nơi ảnh 1

NSNA Hoàng Kim Đáng.  Ảnh nhân vật cung cấp.

Dù sao thì cuối cùng, Hội của ông cũng làm cái việc thu hồi giải thưởng đã trao sai? Nói về đạo ảnh bị khai trừ, ông thấy có nặng quá không? Có mỗi bức ảnh, vẫn có cơ hội cho người ta sửa sai, nhất là đây lại hội viên mới?

Cũng nặng thật. Người đạo ảnh của Đỗ Hữu Tuấn, Bình Thuận đã có lời xin lỗi tác giả, xin lỗi Hội Nhiếp ảnh. Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Dương nơi ông ấy sinh hoạt cũng có công văn đề nghị Hội Nhiếp ảnh giơ cao đánh khẽ, nhưng vẫn không được nương nhẹ. Thế có phải là chỉ tóm người trọc đầu không?!

Tôi năm nay hơn 70 tuổi, từ hồi mới bước chân vào làng nhiếp ảnh đã nghe các bậc tiền bối Đinh Đăng Định, Đỗ Huân, Lê Vượng, Phạm Tuệ phàn nàn anh Trần Mạnh Thường lấy ảnh của họ, cắt cúp đôi chút rồi đề tên mình vào. Bốn năm qua không biết bao lần, bao người trong giới xầm xì bàn thảo tại các tụ điểm, ví dụ cà phê Văn Việt ở phố Lý Thường Kiệt, nơi sáng nào một số nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng tụ tập. Họ bàn chuyện xử lý thế nào đây để đỡ mất thể diện cho tác giả và đỡ phương hại uy tín của Hội, vì mấy vụ đạo văn mới của ông Thường.

Ông Thường với tôi có chút gần gũi vì cùng dân làm sách. Tôi từng khâm phục sức làm việc của ông ấy- ngồi ở ngoại vi Hà Nội mà toàn công trình khủng, đồ sộ, dày cộp. Nào là Những nền văn hóa lớn của nhân loại, 1000 nhân vật nổi tiếng thế giới... Tôi cũng từng viết giới thiệu hai cuốn sách của ông ấy: Việt Nam di tích và thắng cảnh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (in song ngữ Việt - Anh). Thầm khâm phục nhưng có lúc tôi hoài nghi liệu ông có đạo hay không?

Bây giờ sự việc đã vỡ lở qua phát giác của cựu Chủ tịch Hội Chu Chí Thành. Công ty luật Bảo Ngọc được Hội thuê tư vấn, dù có vẻ muốn giải cứu nhưng buộc phải thừa nhận ông Thường vi phạm Luật Xuất bản.

Nhớ lại gần bốn năm trước, ngày 13/1/2012 cuộc trao giải thưởng xuất sắc quốc gia ở Hội, thật quá kịch tính! Ông Thường lên sân khấu nhận giải, từ dưới hội trường, cựu Chủ tịch Hội Chu Chí Thành bước lên bục phát biểu: Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới được giải là sai với tiêu chí xét giải! Nó chỉ là cuốn sách dịch hay biên dịch, gần như thuổng nguyên văn của nước ngoài. Hội trường im phăng phắc. Ông Thường biến sắc, im lìm, không một lời thanh minh.

Giá như biết lỗi, trả lại giải từ hồi đó thì có phải đỡ ầm ĩ đến mức này.

Tháng trước, đọc trên báo Tiền Phong phát biểu của ông Tạ Hoàng Nguyên - Trưởng ban Kiểm tra, tôi rất hy vọng cuối cùng Hội cũng chịu làm rốt ráo. Nhưng rồi Ban chấp hành, Ban Kiểm tra về Hà Nội họp lên họp xuống, vẫn không kết luận nổi Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới có đạo văn hay không, lại đá bóng sang Cục Bản quyền!

Ông đánh giá việc cựu Chủ tịch Hội lên tiếng đầu tiên và  kiên quyết yêu cầu làm rõ trắng đen có gì quá không? Có lúc ông Thành phản ứng lãnh đạo Hội coi đây là việc riêng của hai ông Thành - Thường, là chuyện kiện cáo xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân?

Chu Chí Thành làm việc đúng đắn, vì chuyện này như nhọt bọc lâu rồi. Tôi lại không hiểu nổi những năm qua vì sao Chủ tịch Hội đương nhiệm tích cực bảo vệ ông Thường thế. Cho nên dù đang bê bối, ông Thường đã lại tự tin mang cuốn Nhiếp ảnh Việt Nam một góc nhìn dự giải xuất sắc quốc gia năm nay khiến nhiều người ngạc nhiên.

Không thể khác được, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, không vòng vo tam quốc. Điều lệ của Hội NSNAVN thông qua ở Đại hội 8, tại điều 31 đã ghi rõ hình thức kỷ luật đối với hội viên vi phạm. Thế mà Hội định trì hoãn, kéo dài bao lâu  nữa.

Nhiều hội viên kêu ca Hội của mình giờ nhiều chuyện quá. Nào xét giải thưởng Nhà nước, giải hàng năm... Làm người cầm cân nảy mực mà lãnh đạo không quan tâm mối quan hệ giữa Ban tổ chức các cuộc thi và Hội đồng giám khảo. Một số thành viên giám khảo tài tử, không chịu thuộc tiêu chí của Ban tổ chức, nên chấm giải không chuẩn. Ví dụ, hai năm liền, có hai tác phẩm của hai tác giả cùng chụp một bối cảnh, cùng được giải xuất sắc quốc gia loại A. Đó là Trần Đình Thường (giải A năm 2012) và Phạm Văn Hiến (giải A năm 2013). Bạn thử giở cuốn Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc nhiệm kỳ 2009-2014, NXB Thông tấn mà xem.

Giá được trả đủ tác quyền thì thu nhập của một nghệ sĩ có tiếng như Hoàng Kim Đáng hẳn cũng “ấm” chứ chả phải chơi?

Tốt chứ. Nhưng biết làm thế nào. Dân ảnh chúng tôi đã quen với việc bị vi phạm bản quyền, chả ai buồn kiện cáo.

MỚI - NÓNG