Biên tập một đằng, in một nẻo!

Tạm đình chỉ NXB Đà Nẵng: Bài học đắt giá về liên kết xuất bản

Tạm đình chỉ NXB Đà Nẵng: Bài học đắt giá về liên kết xuất bản
TP - Như đã đưa tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tạm đình chỉ hoạt động của NXB Đà Nẵng để “kiện toàn lại về tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản theo quy định của Luật xuất bản”.

Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc và Nguyễn Đức Hùng (nhà văn Đà Linh) - Phó GĐ kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng để “kiểm điểm làm rõ đúng, sai trong việc quản lý biên tập, xuất bản tập truyện “Rồng đá hay là mũi uốn ván” của hai tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai tại NXB Đà Nẵng”.

Biên tập một đằng, in một nẻo!

Bản thảo cuốn “Rồng đá ...” đã được biên tập từ khoảng cuối năm 2006, nhưng mãi tới quý 3/2008 mới in xong và nộp lưu chiểu. Theo ông Bùi Phúc Hải - GĐ Cty Văn hóa Tràng An (Hà Nội) - đơn vị liên kết xuất bản, thì đơn giản là nó “chẳng có gì văn chương để hấp dẫn người đọc”, ngay từ cái tên sách, nên cũng chẳng mấy mặn mà !

Chỉ đến khi cuốn sách “rộ” lên về một số vấn đề, NXB kiểm tra lại hồ sơ biên tập và so với sách in, mới phát hiện cuốn sách “đã in trên một bản thảo khác, không phải bản thảo đã được biên tập”, theo như khẳng định của TBT Nguyễn Đức Hùng.

Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Trường - trao đổi với Tiền Phong, cũng thừa nhận: “Qua kiểm tra, đúng là có sự khác nhau, sai lệch giữa bản thảo đã biên tập với xuất bản phẩm in ra. Bên liên kết đã không dựa vào bản thảo gốc đã biên tập, mà dựa vào văn bản của tác giả”. 

Tổng cộng bản thảo đã biên tập có 99 chỗ sửa (gồm 27 nội dung, 72 morát), nhưng trong sách in ra chỉ có 43 chỗ sửa, trong đó về nội dung chỉ sửa có 4 chỗ! Có những chỗ đã biên tập cắt bỏ, nhưng bản in vẫn xuất hiện.

Phía Cty Tràng An thừa nhận: Khâu chế bản, nhân viên Cty đã copy bản thảo trong máy tính của các tác giả “cho nhanh”, chứ không đánh máy theo bản thảo đã biên tập do NXB gửi!

Lại thêm bài học về liên kết xuất bản

Theo ông Nguyễn Đăng Trường, đây là bài học đắt giá của công tác liên kết trong xuất bản hiện nay. Về quy trình biên tập, có thể vì cuốn sách bị kéo trong thời gian mấy năm, nhân sự NXB cũng có sự thay đổi, dẫn đến việc kiểm tra thiếu chặt chẽ.

Nhưng rõ ràng việc liên kết xuất bản hiện đang có nhiều vấn đề. Riêng NXB Đà Nẵng mỗi năm ra khoảng 700 đầu sách, trong đó trên 90% là liên kết. Nhìn cả nước, với bao nhiêu NXB, cũng với cơ chế liên kết kiểu này, tưởng tượng số đầu sách mỗi năm khổng lồ như thế nào. Sự cố, rủi ro là điều đương nhiên, nếu thiếu sự giám sát kiểm tra.

Ông Nguyễn Đức Hùng than thở: “Năm 2006, bản thân tôi phải đọc, thẩm định, duyệt nội dung gần 1.000 đầu bản thảo, số bản thảo trả lại không sử dụng cũng lên đến hàng trăm.

Một biên tập viên có năm biên tập 100 đầu sách, trong khi đội ngũ lại mỏng, trình độ không đồng đều. Rõ ràng là đã có sự quá tải trong việc đọc cũng như nâng cao chất lượng của bản thảo”.

“Cũng phải thẳng thắn nói tới việc cần thay đổi cơ chế đọc duyệt lưu chiểu xuất bản phẩm hiện nay. Theo Luật xuất bản, Cục xuất bản đảm nhiệm việc này. Nhưng với số lượng sách hàng năm như vậy, riêng người đọc thôi cũng đã không đủ rồi. Theo tôi, để tăng cường sự chặt chẽ, giảm bớt những sự cố rủi ro tương tự, tôi nghĩ Cục xuất bản nên phân cấp cho địa phương việc này” - Ông Trường nói.

Theo kế hoạch, sáng 12/12 tới, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ vào Đà Nẵng để công bố quyết định tạm đình chỉ hoạt động NXB Đà Nẵng để kiện toàn lại tổ chức. Việc phụ trách NXB Đà Nẵng giai đoạn này được giao cho Phó GĐ - ông Trương Công Báo.

MỚI - NÓNG