Tài xế uất ức vì một số trạm cân phập phù

 Nhiều cán bộ phàn nàn về việc thiết bị hoạt động phập phù tại Trạm cân Dốc Xây, Tam Điệp, Ninh Bình
Nhiều cán bộ phàn nàn về việc thiết bị hoạt động phập phù tại Trạm cân Dốc Xây, Tam Điệp, Ninh Bình
TP - Như đã phản ánh, từ 1/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) triển khai các trạm cân tải tại 63 tỉnh, thành. Đến nay, không ít địa phương phàn nàn các thiết bị hoạt động chập chờn, không chính xác. Nhiều tài xế khiếu nại vì bị xử phạt oan.

“Chết oan” vì trạm cân sai số

Ngày 16/4 tài xế Đặng Thái Bình và Phạm Văn Điệp ở Long Hải (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển phương tiện tới trạm cân Quảng Bình, cân lần thứ nhất lúc 2h tải trọng cả xe là 51,1 tấn, vượt tải 8,4%.

Ông Điệp yêu cầu cân lại lần hai thì kết quả là 50 tấn, vượt tải 5,5%. Oái oăm thay, khi cân lại lần ba, xe của ông Điệp lại có tải trọng cả xe là 51,17 tấn, vượt tải 8,9%. Ông Điệp bị CSGT Quảng Bình xử phạt 900.000 đồng và thu giữ GPLX 1 tháng.

Bức xúc, tài xế Điệp trưng ra phiếu cân xe của mình tại trạm cân lưu động số TC024 (Quảng Ngãi) ngày 15/4, theo đó tải trọng cả xe là 43,37 tấn/ trọng tải cho phép 48 tấn.

Đến khoảng 10h ngày 16/4, tài xế Điệp và Bình tiếp tục lái xe vào trạm cân trên đường tránh TP Đồng Hới để cân đối chứng, kết quả cho thấy 47,3 tấn.

Tương tự, tại trạm cân Đắk Gằn (Đắk Nông) đã xảy ra việc tài xế, nhà xe khiếu nại cân tải trọng trục cho kết quả không chính xác, sai số quá lớn so với cân của doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Trọng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Nông, cho rằng, đây là những trường hợp quá tải trọng trục nhưng tổng tải trọng của xe thì không quá, do hàng hóa xếp không đều nên khi cân trục sẽ bị lệch, cho số liệu không chính xác, dù lượng hàng chở không quá tải.

“Đơn vị này đã xin ý kiến Tổng cục ĐBVN và nhận được ý kiến Tổng cục đang nghiên cứu khắc phục, trước mắt đồng ý cho các trường hợp này đi và lập biên bản” - ông Trọng nói.

Tiếp đến, ngày 9/5, sau khi cân kiểm tra tải trọng 2 xe tải mang 43S-3445 và 51C-26472, Trạm cân lưu động 23 tại Quảng Nam phát hiện mỗi xe chở quá tải gần 2 tấn. Tuy nhiên, khi đưa xe đi cân đối chiếu lại cho kết quả Trạm cân số 23 đã cân sai. Sau khi phát hiện kết quả sai số trên, Sở GTVT Quảng Nam đã cho tạm dừng hoạt động Trạm cân và đề nghị Tổng cục ĐBVN kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Sẽ thực hiện cân tải 24/24h

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục ĐBVN xác nhận hiện tượng trên là có. “Đối với thiết bị công nghệ của Cty Hanel còn một số sai sót nhỏ như khi vào những khu vực không có sóng, có thể bị nghẽn mạng chưa kết nối kịp. Hoặc quá trình thao tác, lắp đặt nếu không đúng sẽ dẫn đến sai số” - ông Cường nói.

Về trường hợp các địa phương phản ánh, Tổng cục ĐBVN đã thành lập đoàn kiểm tra gồm đại diện Tổng cục ĐBVN (Bộ GTVT); Cục Đo lường (Tổng cục Đo lường - Bộ KHCN); Cty Hanel.

“Ngành giao thông quyết tâm thực hiện đến năm 2015 sẽ chặn đứng các phương tiện quá tải. Thống kê của Tổng cục ĐBVN cho thấy, đến nay việc xử lý vi phạm quá tải đã giảm xuống dưới 15%, có thời điểm chỉ còn 12%”.

Ông Nguyễn Xuân Cường (Phó Tổng cục trưởng Đường bộ VN)

Qua kiểm tra, Tổng cục ĐBVN kết luận: Trạm cân số 23 Quảng Nam thực hiện lắp đặt, vận hành sử dụng thiết bị cơ bản đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và các hướng dẫn của Bộ GTVT.

Một số xe từ 5 trục trở lên mà trạm kiểm tra trước đây cho kết quả cân sai số lớn là do đặt bàn cân và đường dẫn không nằm trên cùng một mặt phẳng, chênh nhau 1cm, dẫn đến kết quả sai.

Đây là nguyên nhân gây sai số cân tải trọng xe trong thời gian qua. Sau khi hiệu chỉnh những sai sót kỹ thuật, Trạm này đã được hoạt động trở lại ngày 18/5. Ông Cường nói, hiện nhiều địa phương thực hiện kiểm tra trọng tải xe 24/24h.

Thời gian tới, Tổng cục sẽ đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện việc cân tải 24/24h.

“Đối với các địa phương, nếu phát hiện trường hợp cán bộ vi phạm, không thực hiện nghiêm túc, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các địa phương để có phương án xử lý. Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra toàn diện các trạm cân tải tại 63 tỉnh/thành” – ông Cường cho biết.

Hơn 130 tỷ đồng đầu tư các trạm cân

Lý giải về chuyện chỉ định thầu đối với Cty Hanel, trong khi đơn vị này chưa có kinh nghiệm sản xuất, lắp ráp thiết bị cân tải, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về mặt chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam, dù Hanel chưa sản xuất cân nhưng rất mạnh trong lĩnh vực sản xuất điện tử.

Ông Cường cho biết thêm, Bộ GTVT phê duyệt giai đoạn 1 đầu tư 67 bộ cân di động và 11 trạm cân cố định. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên 11 trạm cân cố định chưa thực hiện được. 67 bộ cân di động đi kèm với 67 ô tô chuyên dụng và các thiết bị kết nối.

Trong đó, giá trị xe ô tô 1,3 tỷ đồng, bàn cân và các thiết bị kèm theo gần 700 triệu đồng. Tính sơ sơ, mỗi trạm cân có mức đầu tư 2 tỷ đồng, 67 trạm cân 134 tỷ đồng.

Theo ông Cường, Bộ GTVT muốn nhanh chóng đưa hệ thống cân tải nhằm kiểm soát trọng tải xe. Nếu làm tốt, hàng chục năm mới phải duy tu sửa chữa đường; giảm nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe quá tải và ngăn chặn sự cạnh tranh không bình đẳng, đua nhau hạ giá cước giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải…

MỚI - NÓNG