Diễn đàn 'Cách nào hạn chế xe cá nhân':

Tại sao cứ phải là xe máy?

Hà Nội thường xuyên tắc đường.
Hà Nội thường xuyên tắc đường.
TP - Sau khi Tiền Phong đăng tải loạt bài: “13 năm loay hoay tìm cách hạn chế xe cá nhân” đã có hàng trăm bạn đọc phản hồi, tranh luận về vấn đề trên. Nhiều ý kiến lo lắng, nếu hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy thì dân sẽ đi lại bằng gì trong khi ý kiến khác lại cho rằng, có hạn chế xe cá nhân thì mới tạo “lực đẩy” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vận tải hành khách công cộng.

Cần hành động cụ thể

Bình luận về đề xuất hạn chế xe cá nhân, trong đó nên cấm xe máy trong 10 – 15 năm nữa, bạn đọc Nguyễn Châu cho rằng, người dân lao động chắt chiu tiền để có phương tiện mưu sinh, thử hỏi tỷ lệ bao nhiêu người đủ khả năng mua ô tô? Nếu phương tiện giao thông công cộng có hiệu quả cao, tiện lợi, người dân sẽ tự hạn chế xe máy. Khi thu nhập thấp, đêm khuya xe bus ngừng chạy như hiện nay, họ có dám bỏ thu nhập 1 ngày ra để đi taxi?

Độc giả Minh Nguyễn khẳng định: việc hạn chế xe cá nhân mới chỉ giải quyết phần ngọn, chứ chưa giải quyết từ gốc. “Không ai thích lao vào đám đông tắc đường cả mà phải cấm họ! Tốn tiền, tốn thời gian, mệt mỏi... Nhưng tại sao cả triệu người vẫn phải cắn răng chấp nhận, trong khi lưng oằn các loại thuế phí, mà vẫn phải tự chi phí những dịch vụ công đáng lẽ phải được nhà nước cung cấp”.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, nếu chờ đến 10 - 15 năm nữa mới cấm xe máy sẽ là quá trễ. Trong 5 năm tới thôi, 5 thành phố lớn trong nước nên cấm hoàn toàn xe máy trước đi, nếu không sẽ kẹt xe trầm trọng như Bangkok của Thái Lan. Song song với đó thì nhà nước phải tổ chức phát triển hạ tầng giao thông và đầu tư các loại hình phương tiện giao thông công cộng mạnh lên, như hệ thống xe bus, xe điện...

Trên trang mạng xã hội facebook nhiều ý kiến gợi ý chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam (người trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong trên số ra ngày 16/1/2016) lập kiến nghị về lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội và TPHCM. Khi nào kiến nghị đó có đủ 10.000 chữ ký thì sẽ gửi văn bản kiến nghị chính thức đến Hội đồng nhân dân và UBND của hai thành phố trên. “Không nên nói nữa mà cần hành động cụ thể”, một bạn nêu ý kiến.

Không làm tốt quy hoạch, khó ngăn được tắc đường

Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở đô thị, nhiều độc giả cho rằng, cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, chấm dứt tình trạng xây nhà cao tầng, chung cư trong nội đô. Độc giả Quang Thanh đề nghị, Hà Nội cần quản lý chặt chẽ xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, chấm dứt tình trạng xây nhà cao tầng ken dày như hiện nay. Thứ hai là mạnh dạn di dời một số trường đại học, trụ sở hành chính, bệnh viện... ra vùng ngoại ô. Thứ ba là quy hoạch tổng thể lại hệ thống giao thông công cộng, mạnh dạn tìm vốn đầu tư hệ thống tàu điện ngầm.

“Trước mắt trong vòng 5 năm tới cần chấn chỉnh hệ thống xe buýt nội đô, phân tuyến hợp lý để có thể tăng số lượng xe hoạt động. Nếu có hạn chế nên hạn chế xe taxi, hiện nay số lượng xe taxi quá nhiều. Còn việc hạn chế xe cá nhân là không khả thi, gây khó cho người dân đi lại làm ăn mà thôi”, độc giả Quang Thanh kiến nghị.

Độc giả Đăng Thao thì khẳng định, nếu không di chuyển một số trường đại học ra ngoại thành và các vùng lân cận thì dù “họp” đến cả ngàn lần, giao thông vẫn ùn tắc. Nhiều ý kiến khác cũng nhận định, nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông đô thị chính là các khu chung cư mọc lên trong nội đô. Độc giả Cao Long dẫn chứng, từ khi di dời nhà máy Da giày Thụy Khuê (Hà Nội), dân cư 2 đường Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê đều được nếm mùi tắc đường mỗi ngày do ở vị trí nhà máy mọc lên các khu chung cư cao cấp. “Không hiểu sao 2 con đường bé tí mà cơ quan quản lý lại cho xây dựng chung cư”, độc giả thắc mắc.

Độc giả Cao Long dẫn chứng, từ khi di dời nhà máy Da giày Thụy Khuê (Hà Nội), dân cư 2 đường Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê đều được nếm mùi tắc đường mỗi ngày do ở vị trí nhà máy mọc lên các khu chung cư cao cấp. “Không hiểu sao 2 con đường bé tí mà cơ quan quản lý lại cho xây dựng chung cư”, độc giả thắc mắc.

MỚI - NÓNG