Tài sản của cán bộ, quan chức được kiểm soát ra sao?

Luật PCTN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Ảnh Như Ý
Luật PCTN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Ảnh Như Ý
TPO - Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa thông qua đã mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập gồm cả cán bộ, công chức, sỹ quan công an, quân đội.

Giải trình khi tài sản tăng từ 300 triệu đồng

Điều 30, Luật PCTN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã phân định rõ từng đơn vị trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ được giao kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.

Đối với thanh tra tỉnh sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc chính quyền địa phương.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ quản lý, cập nhật bản kê khai và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập; áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc bảo vệ người cung cấp thông tin được thực hiện như bảo vệ người tố cáo.

Luật PCTN sửa đổi quy định, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có nhiệm vụ cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đáng lưu ý, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập; có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập.

Liên quan đến cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, khi thảo luận, cho ý kiến về vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau từ các đại biểu Quốc hội.

Khi giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để khắc phục những hạn chế của Luật PCTN hiện hành, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung.

“Các phương án về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trình Quốc hội đều được đánh giá tác động, cân nhắc về tính khả thi trên cơ sở tính toán cụ thể về số đối tượng chịu sự kiểm soát của mỗi cơ quan”, bà Nga nhấn mạnh.

Sỹ quan công an, quân đội phải kê khai tài sản, thu nhập

Liên quan đến người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Điều 34 của luật quy định đối tượng gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến ĐBQH cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên… Những đối tượng này không phải kê khai hàng năm.

“Tuy dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi”, bà Nga nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.