Tai nạn do sử dụng điện gia tăng: Lỗi do ý thức

Tai nạn do sử dụng điện gia tăng: Lỗi do ý thức
TPO - Theo Cục Cảnh sát PCCC, 38,1% các vụ cháy xuất phát từ lý do chập điện, tai nạn về điện là một trong hai nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu trong tai nạn lao động. Phần lớn các vụ tai nạn này là lỗi do thiếu ý thức.

>> Mất hai tay, một chân vì cứu bạn

Tai nạn do sử dụng điện gia tăng: Lỗi do ý thức ảnh 1

Cáp điện lực và viễn thông  nhằng nhịt trên phố Lạc Long Quân, Hà Nội. Ảnh : Hiệu Minh.

Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương cho biết hàng năm cả nước xảy ra khoảng 400, 500 vụ tai nạn do điện, làm 350 đến 400 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

70% số vụ tai nạn có nguồn gốc từ mất an toàn trong quy trình sử dụng điện tại gia đình, sinh hoạt và 15% do trục trặc trong khâu sản xuất, 5% còn lại thuộc về các vi phạm khác. Trên các công trường xây dựng, tai nạn lao động vì bất cẩn để điện giật chiếm tới 26,70% tổng số vụ và 19,1% tổng số người chết.

Phát biểu tại Hội thảo “An toàn điện trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp” diễn ra ngày 5/5 tại Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Việt Cường, Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) cho biết trung bình mỗi năm toàn quốc phát sinh hơn 1.000 vụ cháy, trong đó nguyên nhân do sử dụng điện đứng hàng thứ hai sau những sơ xuất từ lửa, xăng dầu, khí đốt.

Cá biệt, có những giai đoạn, tác nhân gây cháy do điện đã đứng hàng đầu. Năm 2008, 38,1% các vụ cháy xuất phát từ lý do chập điện, trong khi cháy do liên quan đến xăng dầu, khí đốt chỉ chiếm 35,4% gây nên những tổn thất khó lòng tính đếm.

Theo nhận định của Cục Cảnh sát PCCC, nguyên nhân tai nạn về điện của Việt Nam có phần trái ngược với các nước trên thế giới. Còn tại Pháp, hầu hết các tai nạn về điện xảy ra do thiết bị điện bị lỗi, trong khi đó, tai nạn điện ở Việt Nam chủ yếu do bất cẩn và thiếu ý thức trong sử dụng và đảm bảo an toàn về điện.

Hiện đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng điện (ngành điện lực) mới chủ yếu lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng. Tuy nhiên, bên trong hộ tiêu thụ, hệ thống điện lại được câu mắc và sử dụng tùy tiện, không có hướng dẫn cụ thể nào của các cơ quan chuyên môn.

Nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, cột điện được tận dụng bằng cây cối hoặc lợi dụng địa hình, địa vật để câu móc, cáp dẫn, dây dẫn cũng lại sử dụng bằng những vật liệu gia công, rẻ tiền nên rất nguy hiểm, dễ gây chập cháy.  

Thạc sĩ Lê Văn Khương- Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến điện hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người sử dụng điện cẩn trọng và tuân thủ quy tắc an toàn.

Cũng theo ông Khương, Bộ Xây dựng đã khảo sát thực tế an toàn điện tại 12 công trình xây dựng khu vực phía Bắc và 12 công trình xây dựng khu vực phía Nam, kết quả cho thấy, không có công trình nào đạt yêu cầu an toàn về điện. Có công trình đạt yêu cầu về tiêu chuẩn dây điện thì không đảm bảo an toàn tủ điện, không có hệ thống tiếp đất...

“Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành có nhiều điểm không còn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay của mạng điện công trình. Ngoài ra, việc hiểu rõ và áp dụng chính xác các hệ thống tiếp đất an toàn cho mạng điện trong công trình cũng còn nhiều hạn chế đối với các đối tượng liên quan"- Ông Khương cho biết.

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC, tai nạn điện cả trong sinh hoạt và xây dựng hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu mỗi cá nhân và các tổ chức sử dụng điện nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như chế ngự sự chủ quan của chính mình.

Hiện các hộ dùng điện gia đình đều ít quan tâm lắp đặt hệ thống bảo vệ chống rò điện để cắt nguồn khi có người bị điện giật, không nối đất các thiết bị tiêu thụ điện như máy giặt, tủ lạnh, bình nóng lạnh theo yêu cầu của nhà chế tạo.

Thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy năm 2008, cả nước xảy ra 5.836 vụ tai nạn lao động, trong đó, tai nạn về điện là 1 trong 2 nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu trong tai nạn lao động và hoạt động dân dụng. Tử vong do điện giật chiếm 22,64% số người chết do tai nạn và chiếm 26,7% tổng số vụ tai nạn.

MỚI - NÓNG