Vào Chủ nhật, ngày 7/12/1941, người dân Mỹ đã bị một cú sốc mạnh, khi máy bay Nhật Bản tiến hành đòn tấn công bất ngờ vào Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tại căn cứ hải quân Trân Châu Cảng trên quần đảo Hawaii. Cuộc tấn công đã đánh chìm hoặc làm hư hỏng 21 tàu chiến, phá hủy 188 máy bay, cướp đi sinh mạng của gần 2.400 thủy thủ, phi công và dân thường Mỹ.
Đối với Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto, tác giả của kế hoạch tấn công tàn khốc này, thì việc giáng những đòn đau vào các cường quốc không phải là điều mới mẻ. Trước đó hơn 35 năm, ông ta đã từng góp phần khiến đế quốc Nga phải hứng chịu thất bại hải chiến tồi tệ nhất trong lịch sử của mình.
Chống lại đế quốc Nga
Từng đóng cửa với toàn thế giới, nhưng vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã hiện đại hóa và tái vũ trang quân đội của mình, đồng thời thách thức vị trí thống trị của Nga ở Viễn Đông, với ý định làm suy yếu vị thế của nước này ở Triều Tiên và vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Diễn biến cuộc chiến tranh Nga-Nhật (năm 1904-1905) đã khiến dư luận thế giới khi đó kinh ngạc, bởi quân đội Sa hoàng không giành được một chiến thắng nào đáng kể, trong khi hạm đội Nga liên tục chịu nhiều thất bại.
Tháng 11/1904, khi đang xảy ra xung đột, Isoroku Yamamoto mới 20 tuổi (khi đó mang họ Takano) đã tốt nghiệp Học viện Quân sự của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, sau đó bắt đầu phục vụ trên tàu hỗ trợ Karasaki với quân hàm Shoi Kohosei (cấp trung úy dự bị).
Tuy nhiên, vào tháng 1/1905, ông được chuyển sang tuần dương hạm bọc thép Nissin để tham gia trận hải chiến Tsushima vào ngày 27 và 28/5 cùng năm đó. Trận chiến này đã trở thành một trang đen tối trong lịch sử Hạm đội Đế chế Nga.
Chỉ mất 3 tàu phóng ngư lôi, nhưng người Nhật đã đánh bại hoàn toàn hải đội Nga đang trên đường tiến đến Thái Bình Dương từ biển Baltic. Hơn 20 tàu bị phá hủy trong trận chiến hoặc bị thủy thủ đoàn trên tàu cho nổ tung sau khi bị hư hỏng, 7 tàu khác giương cờ trắng đầu hàng. Gần 5.000 thủy thủ Nga đã tử trận, trong khi 7.000 người khác bị phía Nhật bắt làm tù binh.
Tuần dương hạm Nissin trong trận chiến đã bị trúng 11 phát đạn, tháp chỉ huy trên tàu bị đổ sập, trong khi các mảnh đạn pháo lớn rơi trúng tháp mũi thì bay vào các khe quan sát của lô cốt trên tàu, làm Phó đô đốc Misu Sotaro bị thương. Ông trở thành Đô đốc Nhật Bản duy nhất bị thương trong trận Tsushima.
Bản thân Isoroku Yamamoto cũng chịu nhiều thương tích. Ông ta kể lại: “Quả đạn đã lao thẳng vào khẩu pháo 8 inch vẫn còn sót lại ở mũi tàu với tiếng gầm chói tai. Khói độc bao trùm mũi tàu, tôi gần như bị thổi bay bởi sức mạnh của vụ nổ dữ dội. Tôi tập tễnh được vài bước rồi sau đó phát hiện thấy rằng, hai ngón bàn tay trái của tôi đã bị đứt lìa, treo lủng lẳng trên cùng một lớp da”. Ngoài ra, người sĩ quan trẻ này còn bị thương ở đùi trái.
Thiết giáp hạm Arizona của Hải quân Mỹ bốc cháy sau vụ nổ do trúng bom của quân Nhật trong trận Trân Châu Cảng. Ảnh tư liệu. |
Các quan sát viên người Anh trên tàu về sau khẳng định rằng, lý do khẩu pháo trên tàu Nissin bị vỡ không phải do hỏa lực chính xác của đối phương, mà là do ngòi nổ quả đạn của Nhật quá nhạy.
Chiến dịch “Trả thù”
Isoroku Yamamoto đã vô cùng may mắn. Bởi nếu bị mất thêm một ngón tay nữa ngoài ngón giữa và ngón trỏ, thì ngay lập tức bị loại khỏi hàng ngũ lực lượng vũ trang Nhật Bản. Do đó, thương tích này đã không cản trở Yamamoto tạo dựng con đường binh nghiệp thành công trong lực lượng hải quân của mình. Chiến tranh Nga-Nhật đã trở thành trường quân sự tốt và là một trang tiểu sử anh hùng cho ông. Báo chí Nhật Bản vào những năm 1930 viết về vị đô đốc này: “Đúng như mong đợi ở một người từng tham gia chiến tranh và cận kề cái chết, rất khó để làm anh ta sợ hãi”.
Ngày 30/8/1939, Isoroku Yamamoto trở thành Tổng tư lệnh của Hạm đội Liên hợp, đây là lực lượng nòng cốt của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Sau trận Trân Châu Cảng, cho đến trận Midway vào tháng 6/1942, Hải quân Nhật Bản dưới sự chỉ huy của ông đã thực sự bất khả chiến bại.
Isoroku Yamamoto đã từng tham gia cuộc chiến chống Đế quốc Nga, nhưng ông ta không có cơ hội để thể hiện sức mạnh của mình với Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô vào tháng 8/1945. Hai năm trước khi nổ ra chiến tranh Xô-Nhật, người Mỹ đã thực hiện thành công Chiến dịch “Trả thù” nhằm loại bỏ vị Đô đốc này. Theo đó, sau khi chặn bắt và giải mã được tín hiệu vô tuyến của quân Nhật, họ đã biết được toàn bộ hành trình các chuyến bay của chỉ huy hải quân Isoroku Yamamoto qua quần đảo Solomon. Ngày 18/4/1943, máy bay của ông rơi vào trận phục kích do một nhóm máy bay chiến đấu Mỹ tổ chức và bị tiêu diệt.
Link bài gốc:
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/tac-gia-tran-tran-chau-cang-tung-chong-lai-ham-doi-nga-nhu-the-nao-679154