Nhà văn Lê Phương qua đời lúc 20h44 tối 14/5, hưởng thọ 89 tuổi. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người bạn đồng hành của ông thốt lên hai từ đau đớn “Anh ơi” trên facebook cá nhân. Ông là người thầy, đồng nghiệp nhiều năm qua của biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Bà cũng chăm sóc ông tỉ mỉ suốt những năm tháng cuối đời.
Ông được biết đến qua nhiều tiểu thuyết, kịch bản nổi tiếng trong đó phải kể tới Biệt động Sài Gòn. Trước khi cùng Nguyễn Thanh viết 4 tập Biệt động Sài Gòn, ông viết nhiều kịch bản điện ảnh như Nơi gặp gỡ của tình yêu, Câu lạc bộ không tên, Cơn lốc biển.
Chân dung của nhà văn Lê Phương: Ảnh FB Trịnh Thanh Nhã. |
Tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại Đông Anh (Hà Nội), ông tham gia quân đội từ năm 16 tuổi. Ông từng hoạt động với vai trò chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị (Bộ Quốc phòng). Chính những trải nghiệm này đưa ông đến với sự nghiệp viết văn, viết báo khá sớm, với các tác phẩm như truyện ký Thử lửa, tiểu thuyết Bất khuất.
Những năm cuối đời ông sử dụng xe lăn. Ảnh: Trịnh Thanh Nhã |
Ông cho ra đời nhiều cuốn tiểu thuyết trong giai đoạn từ 1965 đến khoảng 1978: Pháo đài 44, Thung lũng Cô-tan, Bạch đàn, Ngã ba thời gian, Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn.
Khi phim truyền hình lên ngôi và nở rộ (phim điện ảnh rơi vào khủng hoảng), nhà biên kịch Lê Phương chuyển hướng viết kịch bản phim truyền hình như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Sống mãi với Thủ đô, Con nhện xanh, Ngã ba thời gian.
Những năm cuối đời, nhà văn Lê Phương phải dùng tới xe lăn, nhưng không vì thế mà ông hiếm bạn bè. Trong nhiều sự kiện mổ xẻ cho điện ảnh, đấu tranh cho hãng phim truyện Việt Nam, không thể thiếu tiếng nói của nhà văn Lê Phương. Còn nhớ năm 2011 trong hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thực trạng và giải pháp”, biên kịch Lê Phương rất thẳng thắn chỉ ra căn bệnh của phim Việt. Ông không đồng tình với những ý kiến, lời kêu ca “là sản phẩm của thời bao cấp, thời của xin-cho”. Ông bày tỏ quan điểm điện ảnh tự sống trước đi đã, không nên cứ chờ vào Nhà nước.