Ta lại đào… hào trong phố

Ta lại đào… hào trong phố
TP - Thị Mẹt nhà Ngơ trước khi đi làm, dặn đi dặn lại: Sáu giờ kêu con Nhím dậy, sáu rưỡi cho ăn sáng. Bảy giờ chở nó đi học. Anh nhớ chưa?
Ta lại đào… hào trong phố ảnh 1

- Nhớ rồi, chuyện vặt- Ngơ phơi cái mặt nịnh ra, hát líu lo- Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà Ngơ yêu.

Rồi. Sáu giờ gọi con dậy. Ngon lành. Sáu rưỡi cho ăn. Ngon lành. Bảy giờ dắt xe ra, chở đi học. Từ đây đến đó có hơn ba cây. Ngơ nhất định hoàn thành nhiệm vụ Thị Mẹt giao phó. Tuần này nhất định Thị Mẹt tha bổng việc nộp thuế, he he!

Thôi chết rồi, lại đào hào!

Một con hào sâu hoắm chạy ngang ngõ nhà Ngơ. Thế này làm sao dắt xe máy qua. Không riêng Ngơ, cả một đoàn ông chồng đức hạnh chở con đi học khóc dở mếu dở.

- Người ta đào cái chi vậy?

- Lắp ống nước!

Trách nhiệm quá chứ sao nữa. Ống nước lâu ngày thì phải thay, không thay nhỡ bục thì khốn. Thay ống thì phải đào hào, vất vả tốn kém lắm. Biết thế nên không ai dám than thở. Mỗi lần có chuyện đào hào là mỗi lần cả khu phố khốn khổ. Đất đá tràn đầy, nắng ráo còn đỡ chứ mưa xuống thì đường phố chẳng khác bãi chiến trường. Lại còn xe máy, ô tô chết đứng từng đoàn trước đường hào. Đường tắc, phố xá như cái chợ phiên, chật chội nhem nhuốc.

Thôi thôi, mình không cãi nhau được với ông trách nhiệm đâu con. Ngồi lên lưng bố Ngơ đây. Bố Ngơ phi một cái, giống ngựa Xích Thố đưa Lưu Bị qua sông.

Ngơ phi một cái. Úm! Thôi rồi. Cha con Ngơ rơi xuống hào, ướt như chuột lột.  Trễ học rồi. Phen này Thị Mẹt xé xác.

Thị Mẹt dọa xé xác không sợ bằng ông trách nhiệm dọa đào  hào.

Hào lắp ống nước vừa xong. Thiên hạ ai nấy mừng rơn. Chưa được một tuần đã thấy đào đúng cái hào vừa lấp.

- Đào hào làm gì đấy các bác?

- Lắp đường dây cao thế.

Phải quá, phải quá! Rõ tinh thần trách nhiệm như núi. Đường dây cao thế đi ngầm trong lòng đất vừa bền vừa an toàn. Chẳng như ngày xưa, điện cao thế treo lơ lửng trên đầu, mỗi lần có giông thật hãi. Bao nhiêu cái chết oan uổng vì đường dây cao thế bất ngờ rơi xuống đất. Người ta lo cho mình còn kêu ca nỗi gì. Phố xá lại giống cái chợ phiên, chật chội nhem nhuốc. Ai muốn qua hào không nhảy được thì bò, bắc ván mà đi, gãy chân gãy tay ráng chịu.

Mất nửa tháng rồi cũng xong xuôi. Nhẹ cả người, mừng hơn cha chết sống lại. A ha ha... từ ngày hôm nay chỉ còn lại tiếng ca.

- Bà con ơi lại đào hào!

Ô hay, mỗi cái hào người này lấp đi kẻ khác đào lên là thế nào?

- Các bác ơi các bác đào làm gì mà đào lắm thế?

- Đặt đường điện thoại, cáp truyền hình...

Ồ phải rồi. Điện thoại, cáp đi ngầm là phải quá. Chứ như ngày xưa dây điện thoại mắc như mạng nhện, hễ bão lụt là đứt tùm lum, mất cả tháng trời khắc phục. Mà chẳng cần bão lụt, thằng mất dạy nào đó phởn chí cắt bừa một mớ dây là liên lạc thành phố rối như canh hẹ. Đào là phải lắm. Hay lắm. Tuyệt lắm. Nhưng sao các bác không hợp tác với nhau, cùng đào cùng đặt một lúc vừa đỡ tốn kém vừa đỡ khổ dân? Nhà nước tốn chứ anh có tốn đâu mà thắc mắc. Vô duyên! Chúng tôi ở ba ngành, không anh nào liên quan đến anh nào, việc gì mà hợp tác? Mà có muốn cũng không được. Anh ống nước đã vác ống nước lên đường nhưng anh cao thế chưa rút được tiền, còn anh điện thoại, cáp truyền hình đang nằm ngủ yên trong các dự toán, thế thì hợp tác thế nào? Ừ nhỉ, gay nhỉ. Anh nào cũng quan trọng, mắc mớ chi phải phụ thuộc nhau. Kinh phí nó vô tư lắm. Tiền dây dợ giá cả rành rành, muốn phết phẩy cũng khó, trăm sự nhờ vào cái hào. Bảo chúng tôi hợp tác cùng đào cùng đặt thì sống làm sao? Ừ, thôi thôi, không dám cãi, chỉ khấu đầu xin các bác đào nhanh cho dân nhờ... Xong rồi! Từ ngày hôm nay chỉ còn lại tiếng ca.

- Bà con ơi lại đào hào!

Ối cha mẹ ôi! Mấy thứ lắp đặt lạc hậu rồi. Phải hiện đại, phải tân tiến bớ các công dân chúng tôi lại đào!

Đào để lắp ống nước chất lượng cao hơn. Để lắp đường điện cao thế tân tiến. Để lắp đường điện thoại hiện đại. Toàn ích nước lợi dân, không đào sao được.

Vâng, hoan hô tinh thần trách nhiệm của các bác, nhưng các bác làm lợi dân một lại làm khổ dân hai thế này thì dân biết sống làm sao?

Hu hu !

MỚI - NÓNG