Nga đang cân nhắc triển khai hơn 12 chiếc tiêm kích Su-30SM và biến thể nâng cấp Su-27SM3 Flanker tới căn cứ không quân của họ ở Latakia, Syria để hộ tống các máy bay thực hiện nhiệm vụ không kích diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) sau vụ Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, theo Kommersant.
Đây là động thái mới nhằm tăng cường khả năng tự vệ của Nga, sau khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không tối tân S-400 và tuần dương hạm tên lửa Moskva tới khu vực này cuối tuần trước.
Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar của National Interest, đây là động thái được dự đoán trước bởi Nga đã tuyên bố máy bay tiêm kích của họ sẽ hộ tống tất cả các cường kích thực hiện nhiệm vụ trong tương lai ở Syria.
"Tất cả các hoạt động tấn công đường không sẽ được tiến hành chỉ khi nào có sự bảo vệ của chiến đấu cơ", trung tướng Seigei Rudskoy, một chỉ huy cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu của Nga cho biết hôm 25/11.
Tuy nhiên Nga hiện không có đủ tiêm kích ở Syria để đảm bảo hộ tống máy bay ném bom, bởi vậy việc triển khai thêm các máy bay chuyên về không chiến là điều dễ hiểu.
Nga cũng vừa tuyên bố trang bị tên lửa không đối không dẫn đường chính xác cho các máy bay tiêm kích Su-34 của mình hoạt động ở Syria, theo Sputnik. Đại tá Igor Klimov, phát ngôn viên không quân Nga cho hay các tên lửa này "có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 60 km".
Thử thách thực chiến
Việc Nga triển khai các tiêm kích tiên tiến và các hệ thống phòng không không chỉ giúp bảo vệ máy bay ném bom của họ trước bất cứ mối đe dọa nào, mà còn là cơ hội để quân đội Nga thử nghiệm các vũ khí mới trong môi trường tác chiến thực tế, theo giới phân tích.
Căn cứ vào tuyên bố của đại tá Klimov, ông Majumdar cho rằng tiêm kích bom Su-34 Nga nhiều khả năng mang theo tên lửa không đối không mới Vympel R-73 và các tên lửa sử dụng radar dẫn đường bán chủ động Vympel R-27R1 hoặc R-27ER1.
Chuyên gia này cho biết vì những lý do chưa rõ ràng, các máy bay chiến đấu của Nga, kể cả tiêm kích tối tân Su-30SM, đều đang sử dụng tên lửa tương đối lạc hậu R-27 thay vì R-73 hoặc R-77, phiên bản tên lửa dẫn đường radar chủ động hiệu quả hơn rất nhiều.
Ông Majumdar giải thích rằng có lẽ không quân Nga chỉ tập trung vào mua máy bay tiên tiến mà không để ý tới việc sắm các loại vũ khí phù hợp để trang bị cho các chúng, một hiện tượng khá phổ biến trong các lực lượng không quân trên thế giới. Cuộc chiến ở Syria chính là cơ hội quý báu để Nga thử nghiệm trong môi trường thực tế các loại vũ khí không chiến mới của họ.
Theo nguồn tin tờ Kommersant có được từ Bộ Tổng tham mưu Nga, Moscow ban đầu đã dự kiến triển khai các hệ thống phòng không cũ hơn như S-300PS tới Syria, tuy nhiên sự cố Su-24 bị bắn rơi hôm 24/11 đã mở ra cơ hội triển khai S-400 để "thử nghiệm trong các điều kiện thực tế".
Su-27SM đang đứng trước cơ hội được tham gia thực chiến đầu tiên sau nhiều lần nâng cấp. Ảnh: EnglishRussia.
Tương tự, đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-27SM3 được triển khai tác chiến sau nhiều lần nâng cấp. Không như các biến thể tối tân Su-27 Flanker khác, phiên bản Su-27SM3 này là bản nâng cấp từ nguyên mẫu ban đầu vốn đã từng phục vụ trong các lực lượng không quân Xô Viết và Nga nhằm đạt các tiêu chuẩn hiện nay.
Dòng Su-27SM được tích hợp bộ khung máy bay chắc chắn, buồng lái bằng kính được nâng cấp, các hệ thống tác chiến điện tử mới và mang theo nhiều loại vũ khí mới. Su-27SM3 cũng được nâng cấp các hệ thống kết nối dữ liệu và một loại radar mới, có thể là phiên bản quét điện tử của radar N001VEP.
Với các nâng cấp này, Su-27SM3 được đánh giá là loại tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4+ có khả năng không chiến hiệu quả gấp đôi phiên bản trước đó là Su-27S, trong khi hiệu quả tấn công các mục tiêu mặt đất cao hơn gấp ba lần.