Điều này không chỉ được thể hiện ở số lượng hơn 500 đại biểu của ba đầu cầu Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh với gần 90 tham luận, hơn 20 lượt ý kiến phát biểu, hơn hết hội thảo quy mô quốc gia tạo được cơ sở khoa học và thực tiễn, nền tảng lý luận vững chắc cho lộ trình đúc kết nên các hệ giá trị Việt Nam ngày càng rõ nét.
Không phải cho tới thời điểm này chúng ta mới nhắc đến các hệ giá trị, thực tế các giá trị của dân tộc, chuẩn mực con người Việt Nam đã hình thành, tồn tại và được vun đắp từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng có những giá trị không còn phù hợp, mặt khác một vài giá trị trong thời đại mới lại thiếu hụt khiến không ít nhà khoa học quan ngại về sự “khủng hoảng giá trị”. Văn hóa được coi là sức mạnh nội sinh, vì thế nhiệm vụ sớm hoàn thiện các hệ giá trị quốc gia là đòi hỏi cấp thiết nhằm phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Ý tưởng tổ chức hội thảo quốc gia về các hệ giá trị Việt Nam vừa hay là việc làm cụ thể và ý nghĩa để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Hội thảo quốc gia được tổ chức bằng tinh thần trách nhiệm cao và hình thức tổ chức tươi mới qua các video clip, tham luận, bàn tròn kết nối trực tiếp và trực tuyến. Nhờ đó, hội thảo đạt được tính khoa học cao, quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp đầy tính xây dựng, sáng tạo của các nhà khoa học đầu ngành, các vị lãnh đạo ban, bộ, ngành, nhà quản lý, giảng viên...để trả lời rốt ráo những câu hỏi về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Dù rằng một số tiêu chí, đặc tính hợp thành các hệ giá trị chưa hoàn toàn ngã ngũ, nhưng các nhà khoa học đang tiến gần hơn tới việc đồng thuận để xác định được nội hàm, yếu tố cốt lõi của các hệ giá trị. Trong đó con người luôn được coi là trung tâm, là giá trị cốt lõi làm nên các hệ giá trị gia đình, văn hóa và bao trùm nhất là hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Con người Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam mỗi ngày một hoàn thiện song cũng phải đối mặt với thách thức khó khăn trước những biến động của thế giới, trước đòi hỏi chọn lọc giá trị tinh túy nhằm bảo tồn truyền thống, phát huy giá trị của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Tất cả những vấn đề đặt ra về sự dịch chuyển, lồng ghép của một vài giá trị phần nào được giải đáp trong hội thảo tầm cỡ và chất lượng này. Song đây mới chỉ là bước đầu cho quá trình nghiên cứu, bàn thảo cụ thể và sâu sắc hơn để làm rõ trọng tâm của các hệ giá trị, từ đó đề xuất với Đảng và Nhà nước xác định các hệ giá trị một cách khoa học, chính xác.
Tin rằng với nhận thức mới của các nhà khoa học, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong thời gian tới, chúng ta sớm đạt được mục tiêu đã nêu nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển bền vững đất nước.