Kilo là loại tàu ngầm điện-diesel do Cục thiết kế Trung ương Rubin chế tạo và đưa vào sử dụng trong Hải quân Liên Xô từ năm 1982. Ban đầu tàu ngầm thuộc Project 877 Paltus, NATO định danh là Kilo, biến thể cải tiến được chỉ định là Project 636 Varshavyanka.
Giới quân sự thế giới đánh giá, Kilo là một trong những tàu ngầm điện-diesel chạy êm nhất thế giới hiện nay. Hải quân Mỹ đặt cho tàu ngầm biệt danh "Black Hole" (Hố đen) bởi khả năng hoạt động yên tĩnh và khó phát hiện.
Kilo là xương sống trong hạm đội tàu ngầm tấn công phi hạt nhân của Hải quân Nga. Ngoài ra, Moscow còn xuất khẩu tàu Kilo cho nhiều quốc gia trên thế giới, đưa nó thành loại tàu ngầm thành công nhất cả về khía cạnh trong nước và xuất khẩu.
Vũ khí chủ lực trên tàu ngầm gồm 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, nó có thể khởi động tên lửa chống hạm họ Club-S tầm bắn 220 km. Tàu ngầm có thể phóng ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động TEST-71 ME chuyên trị tàu ngầm đối phương hoặc ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval.
Hệ thống phòng không tầm thấp cho phép tàu ngầm Kilo phòng vệ hiệu quả trước các cuộc tấn công của máy bay đối phương. Ảnh: Russian Military.
Hệ thống phòng không
Kilo không chỉ là một sát thủ dưới mặt nước mà còn có thể tiêu diệt các mục tiêu đường không tầm thấp. Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà thiết kế đã trang bị cho tàu ngầm tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp SA-N-8 Gremlin hoặc SA-N-10 Gimlet.
Đây là loại tên lửa phòng không dẫn bằng hồng ngoại làm mát bằng nitor lỏng có tầm bắn tối đa 6 km với SA-N-8, 5km với SA-N-10. Giá phóng được bố trí trong một khoang kín nước trên đài điều khiển. Một hệ thống thủy lực sẽ nâng-hạ giá phóng trước và sau khi làm nhiệm vụ.
Hệ thống phòng không tầm thấp có thể đối phó hiệu quả với các mục tiêu như: Trực thăng, máy bay cánh cố định bay thấp, máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, hệ thống chỉ mang tính chất phòng thủ là chủ yếu. Chỉ có tàu ngầm của Nga được trang bị hệ thống phòng không, các tàu ngầm Kilo xuất khẩu không có.
Thực tế, khả năng tấn công đối không của tàu ngầm chỉ là thứ yếu, bởi nếu đối chọi với các máy bay theo kiểu "tay đôi" không phải là lợi thế của tàu ngầm. Nhưng trong một số trường hợp, hệ thống phòng không mang lại cho tàu ngầm lợi thế nhất định.