Sức mạnh của tư duy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi thời gian của năm đang tiến dần vào những ngày cuối cùng, một số địa phương đã công bố tin vui thu ngân sách. Dịch bệnh vẫn như cú đấm định mệnh luôn muốn hạ gục người yếm thế với tư duy cũ.

Nhìn vào một số điểm sáng kinh tế trong nước, có thể thấy chính tư duy đã tạo sự thay đổi tích cực.

Cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính có thể thở phào nhẹ nhõm khi thu ngân sách 11 tháng đầu năm, đạt 1,389 triệu tỷ đồng (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái). Một nơi, mấy tháng trước như rơi vào bóng tối, ấy vậy mà, TPHCM vừa công bố thu ngân sách vượt dự toán. Hải Phòng không những dẫn đầu tăng trưởng kinh tế, mà còn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước thu hút FDI (khoảng 3,13 tỷ USD). Nhiều địa phương khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình, Kiên Giang…đều có chỉ số tăng trưởng kinh tế khá và thu ngân sách vượt. Có thể cảm nhận được rằng, nơi nào lãnh đạo địa phương điều hành kinh tế bằng tư duy linh hoạt, hiệu quả sẽ khác biệt. Hải Phòng là điển hình giữ “vùng xanh” để phát triển kinh tế.

Chỉ số xuất nhập khẩu (hơn 600 tỷ USD) gấp đôi GDP đã cho thấy Việt Nam đang trở thành công xưởng lớn của thế giới. Khác với Singapore chú trọng xuất khẩu dịch vụ, Việt Nam chuyên gia công và xuất khẩu hàng hóa khắp thế giới. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang thuộc tốp đầu. Chỉ cần các khu công nghiệp an toàn với Covid, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi, tạo nguồn thu lớn từ xuất nhập khẩu. Điều này thấy rõ nhất sau chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và một số địa phương, các hoạt động sản xuất nối lại, “vùng xanh” và “thời điểm xanh” đã bù đắp cho khoảng thời gian giãn cách.

Năm nay, điểm sáng trong xuất khẩu các sản phẩm ngành nông nghiệp dự báo đạt 44 tỷ USD. Con số này thể hiện sự thay đổi về tư duy làm nông nghiệp gần đây của “tư lệnh” ngành. Bộ trưởng NN & PTNT Lê Minh Hoan mới đây tuyên bố rõ rằng, cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tăng giá trị. Ông cũng cho rằng, phải tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội vào giá trị sản phẩm. Đây rõ ràng là điểm khác biệt với “niềm tự hào” xuất khẩu gạo số lượng hàng đầu thế giới nhiều năm trước đây, nhưng giá trị thu về không đủ tiền tiêu thụ rượu, bia nội địa (mỗi năm khoảng 3 tỷ USD). Ngay hôm qua (10/12), khi nhận được phản ánh về một biểu hiện gây khó dễ với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, đích thân Bộ trưởng NN&PTNT đã xin số với mong muốn kết nối làm sáng tỏ.

Một lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích rằng, một số điểm sáng kinh tế có được nhờ tư duy quản trị linh hoạt của số ít lãnh đạo địa phương. Theo đó, họ đã biết tận dụng khoảng thời gian không bị giãn cách giúp doanh nghiệp nối lại sản xuất.

Nhìn một cách biện chứng, dịch bệnh giống một phép thử về tư duy. Từ người dân tới nhà quản trị, nếu có tư duy sáng, tích cực sẽ sớm vượt qua thử thách.

MỚI - NÓNG