Sức bật tăng trưởng cuối năm

TP - Trải qua gần 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024, Việt Nam tiếp tục ghi nhận điểm sáng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều kỳ vọng tăng tốc của nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Dồn lực giải ngân đầu tư công

Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,1%, cao hơn mức 5,5% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. Mức dự báo này cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Xuất khẩu, tiêu dùng phục hồi thúc đẩy đáng kể cho tăng trưởng. Rủi ro và cơ hội ở thế cân bằng.

Sức bật tăng trưởng cuối năm ảnh 1

Xuất khẩu, tiêu dùng phục hồi thúc đẩy đáng kể cho tăng trưởng Ảnh minh họa: VGP

Trong nửa đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự báo, nhờ sức cầu bên ngoài mạnh hơn. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 16,9% và 17% (so cùng kỳ năm trước). Các lĩnh vực chế tạo chế biến, ngành dịch vụ liên quan đến xuất khẩu và du lịch đạt mức tăng trưởng cao. Dịch vụ tiếp tục đóng góp trên một nửa cho tăng trưởng GDP.

Chuyên gia của WB lưu ý, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù cải thiện, nhưng vẫn thấp so với mức trước đại dịch COVID-19. Mức tăng của đầu tư công chững lại còn 4% trong nửa đầu năm.

Tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” mới đây, PGS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế vĩ mô. “Chúng ta còn nhiều dư địa để tăng vốn đầu tư công. Đơn cử, thuế sử dụng đất đai đang bị lãng quên”, ông Cường nói.

Ông Cường khuyến nghị tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư công. Trước năm 2016, tổng vốn đầu tư công thấp nhưng số lượng dự án rất nhiều, trên 10.000 dự án. Hiện nay chỉ còn 5.000 dự án. Nguồn vốn đầu tư công đã tập trung hơn rất nhiều.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tăng trưởng quý III cần đạt mức 6,5% - 7,4%, nhằm tạo bản lề để hoàn thành và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mức tăng trưởng 6,5%-7%.

Dù có tác động rất lớn nhưng ông Cường cho rằng, đầu tư công không thể giải quyết được tất cả những vấn đề xã hội. Đầu tư công dẫn dắt thế nào để đầu tư tư phát triển mới là mấu chốt.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, hiệu quả đầu tư vẫn ở mức thấp. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) năm 2020 -2021 là 14,5-15%, năm 2022 xuống 5%, năm 2023 là 7%, tức là bỏ ra 7 đồng vốn đầu tư được 1 đồng tăng trưởng. Nguyên nhân do đầu tư dàn trải, nhiều công trình đầu tư để đưa vào hoạt động sử dụng chiếm thời gian dài. Tại Hà Nội, tàu điện Cát Linh - Hà Đông chậm hơn 6 năm; tàu điện Nhổn - ga Hà Nội chậm 14 năm, 13 lần lỡ hẹn, vốn đội lên 63% và mới được đưa vào khai thác gần đây. “Cần tập trung nguồn lực, hoàn thành dứt điểm các dự án, đưa vào sử dụng, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Lâm đề nghị.

Kịch bản tăng trưởng

Bộ KH&ĐT tham mưu với Chính phủ phương án tăng trưởng cao hơn cho năm nay, lên mức 7%. Chính phủ cũng đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội. Mục tiêu này lạc quan hơn góc nhìn của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 5,8%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở mức 6%, hay thậm chí cao hơn như Ngân hàng HSBC 6,5%...

“Áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế, vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa để tăng trưởng bứt phá, đóng góp vào kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Hai địa phương giữ vai trò “đầu tàu” kinh tế, Hà Nội và TPHCM thể hiện quyết tâm cao độ. Hà Nội phấn đầu tăng trưởng cả năm từ 6,5-7%. Trong phiên họp nghe báo cáo và đôn đốc tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm ngày 27/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “không vì vướng mắc nhỏ để chậm tiến độ cả dự án trọng điểm”.

Nửa đầu năm 2024, kinh tế TPHCM đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng chung của cả nước (6,42%). Những tháng cuối năm, TPHCM đặt mục tiêu tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc tăng trưởng, trước hết là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thành phố đã thành lập tổ chuyên trách, mỗi tuần rà soát 1 lần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.