Ý kiến của công nhân là chính đáng
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 6,03%.
“Tôi đã nghe các bộ chức năng báo cáo, khẳng định con số này đã được rà soát, đánh giá kỹ càng, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới cần triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, nhất là đầu ra và giá cả hàng nông sản.
Trước một số vấn đề xã hội bức xúc diễn ra trong thời gian qua (đặc biệt là việc công nhân ở TPHCM đình công, phản ứng đối với Điều 60 Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016, khi không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành), tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng rất sốt ruột và đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, làm hết sức mình vận động công nhân quay trở lại làm việc. Chính phủ thống nhất đánh giá Điều 60 của Luật BHXH là một bước tiến, lo cho người lao động ổn định lâu dài. Nhưng khi chuẩn bị lấy ý kiến, triển khai hướng dẫn thì gặp phải sự không đồng thuận của đa số người lao động.
“Ngoài 289 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong năm nay, các bộ, ngành cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa, không chỉ trong cổ phần hóa doanh nghiệp, mà cần bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp”.
Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng
“Sau khi bàn bạc, Chính phủ thấy ý kiến của đa số công nhân là chính đáng. Vì lẽ đó, Chính phủ thống nhất đề nghị sửa đổi lại Điều 60 để công nhân được lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc để sau này. Vì thực tế có một bộ phận công nhân thấy rằng, Điều 60 không phù hợp thực tế cuộc sống của họ”, ông Nên nói và khẳng định: Từ nay đến 31/12/2015, mọi chế độ đều thực hiện đúng như quy định hiện hành. Tới đây, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014 theo hướng, nếu lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.
Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển sử dụng rượu bia của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Chính phủ cho rằng, đề xuất trên là có căn cứ pháp lý và việc có chế tài mạnh với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia là cần thiết.
Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, tạo sự đồng thuận xã hội, nên tại thời điểm hiện nay, đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên. “Chính phủ đã thảo luận và thống nhất giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 171, trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định này cho phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, trình Chính phủ trong năm 2015”, ông Nên cho biết.
Cấm đấu thầu nếu vi phạm an toàn lao động
Trả lời câu hỏi của báo chí “vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, điển hình như ở dự án Đường sắt trên cao (Hà Nội), dự án Formosa Hà Tĩnh... có phải do công tác quản lý, giám sát thi công có vấn đề, hay do các chủ đầu tư nhận thầu với giá thấp nên công tác thi công, an toàn không được bảo đảm?”, ông Nên cho rằng, theo quy định của pháp luật, trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn lao động, không phụ thuộc vào giá bỏ thầu. “Tại dự án Formosa Hà Tĩnh, trong năm 2014 Sở LĐ,TB&XH và Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã nhiều lần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại đây và đã xử phạt trên 1 tỷ đồng”, ông Nên nói.
Cũng theo ông Nên, ngay sau khi xảy ra các sự cố, tai nạn lao động ở dự án đường sắt trên cao, sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng, dự án Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, đánh giá và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, trong đó quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý chất lượng công trình. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình.
Theo ông Nên, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn lao động trong hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, công khai thông tin các nhà thầu vi phạm trong hoạt động xây dựng. Thậm chí, cấm đấu thầu hoặc trừ điểm trong quá trình doanh nghiệp đấu thầu nếu vi phạm về an toàn lao động...
Đối với việc tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án ở thành phố Biên Hòa gây bức xúc trong dư luận, ông Nên cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; Đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.
Hiện các Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đang tích cực triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.