Sự thật về hàng trăm người mù ở Vĩnh Châu

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra mắt cho bệnh nhân Lý Thị Hiên. Ảnh: L.N.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra mắt cho bệnh nhân Lý Thị Hiên. Ảnh: L.N.
TP - “Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa cho các hộ dân làm nghề bóc hành tím tại tỉnh Sóc Trăng” - GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế kết luận sau hơn 4 tháng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cũng như đích thân ông đi khảo sát thực địa tại các hộ dân hôm qua 20/10.

Nhiều đồn thổi vô căn cứ

Hai năm nay, mắt trái của bà Lý Thị Hiên, 58 tuổi ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đã không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Từ đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều, bà Hiên đã dụi mắt nhiều lần rồi sau đó mắt bị viêm nhiễm nên mua thuốc nhỏ mắt Dexacol về nhỏ. “Mắt càng đỏ nặng sau đó thì mù luôn” - bà Hiên kể lại và nói thêm khi bà bóc hành thì bụi bắn vào mắt gây viêm nhiễm.

Cách nhà bà Hiên không xa, ông Lâm Chia, 40 tuổi cũng bị mù 6 năm nay. Nhà ông Chia trồng khoảng 200m2 hành và vợ chồng ông đều trải qua các công đoạn nhân giống, trồng và thu hoạch. Tuy nhiên, vợ ông là bà Lâm Thị Lanh cả hai mắt vẫn bình thường.

“Hầu hết những người làm hành khi bóc hành bị tinh dầu hoặc bụi và các vật bắn vào mắt nhưng lại dùng tay bẩn để lau chùi mắt gây nhiễm khuẩn, sau đó dùng thuốc nhỏ mắt chứa chất corticoid mới gây ra hiện tượng viêm loét giác mạc”. 

TS-BS Vũ Tuấn Anh -  Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương

“Cách đây 6 năm, mắt tôi bị đau, rát rồi đỏ lên kèm ngứa nên mua thuốc nhỏ mắt để tra nhưng mắt không đỡ, sau đó nhìn thấy cứ lờ mờ rồi bị mù hẳn” - ông Chia, nhớ lại. TS-BS Vũ Tuấn Anh - Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương đã khảo sát nhiều lần từ các hộ dân này cho biết, nguyên nhân gây mù của ông Chia là mắt bị Glôcôm nhưng tự ý nhỏ thuốc có chứa chất corticoid gây biến chứng.

Mỗi năm ông Ngô Phết, 70 tuổi ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải thực hiện bảo quản hơn 15 tấn hành tím giống để bán lại cho các hộ dân trồng hành. Tuy nhiên, cả nhà ông và gần chục lao động làm việc ở đây gần 10 năm nay không có ai bị bệnh liên quan đến mắt. Cơ sở phân phối giống hành tím Duy Phước ở khóm Vĩnh Bình, phường 2 ở thị xã Vĩnh Châu cũng có hơn 10 nhân công làm việc liên quan đến hành tím nhưng không có ai bị viêm loét giác mạc.

Bà Nguyễn Thị Mẫn, quản lý cơ sở này thừa nhận để bảo quản hành tím ngoài dùng bột phấn, trong đó có pha lẫn một ít thuốc bảo vệ thực vật chỉ để bảo quản cho hành giống khỏi hư nhưng chất này cũng không gây nguy hại cho mắt.

Ông Trần Hoàng Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nói nơi đây dân đang trồng hơn 6.600ha, có 1.700ha trồng hành giống, còn lại là thương phẩm. Theo ông Thắng hai năm nay, nhiều đồn thổi về hành tím là nguyên nhân gây mù khiến nhiều người hoang mang. “Nếu hành tím gây mù thì ai làm nghề này cũng bị, thậm chí có nhiều xã không trồng hành, không bóc hành cũng có người bị mù thì quá vô lý” - ông Thắng phân tích.

Bị mù là do điều trị sai

Nhiều người tung tin thương lái sau khi thu gom hành về phủ một lớp phấn trộn giữa thuốc trừ sâu và bột đất sét để ủ hành ảnh hưởng đến sức khỏe của người bóc hành rồi gây mù. Họ còn cho rằng tinh dầu trong hành bắn vào mắt rồi gây mù. Tuy nhiên, sau 4 tháng nghiên cứu, chiều qua 20/10 Bộ Y tế công bố hành không phải nguyên nhân gây mù cho người dân phần nào “giải oan” cho những đồn đoán ở “vương quốc hành” Vĩnh Châu.

Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng TPHCM đưa ra cho thấy tổng số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt tại thị xã Vĩnh Châu là 1.248 người, trong đó 967 mù 1 mắt và  281 mù 2 mắt.  Tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt của người dân nơi đây là 6 người/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải, nơi có người dân trồng hành nhiều thì tỷ lệ này cao gần gấp hai lần với 11 người/1.000 dân, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 người/1.000 dân. Trong khi tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn bình thường của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt, chiếm hơn 20% và mù 1 mắt chiếm hơn 45%. 

Phân tích của Viện Y tế công cộng TPHCM sau khi điều tra trên 1.157 người bị viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt cho thấy, tỷ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển, đặc biệt tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của thị xã Vĩnh Châu. “Đây là nguyên nhân chính của mù một mắt và ít nhất một mắt” - báo cáo nêu rõ. Theo các chuyên gia từ Viện này, viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn: cắt hành, làm đất trồng hành.

“Các tổn thương  giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị làm cho bệnh diễn biến nặng gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, trường hợp nặng gây mù lòa”- thông tin từ Viện này hôm qua. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, không có mối liên quan giữa các yếu tố môi trường như đất, nước với việc viêm loét giác mạc và mù một mắt tại thị xã Vĩnh Châu”- ông Long cho hay.

Từ kết quả điều tra trên GS Nguyễn Thanh Long cho biết dự phòng viêm loét giác mạc là phương pháp tối ưu nhất cho việc giảm tỷ lệ các trường hợp bị mù tại Vĩnh Châu. Theo đó, thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ.  Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian...

MỚI - NÓNG