Sứ mệnh của chàng trai phố núi

0:00 / 0:00
0:00
TP - 35 tuổi, gần 50 lần hiến tiểu cầu, 10 lần hiến máu, anh Lê Văn Bình, điều phối viên Câu lạc bộ hiến máu khu vực Tây Nguyên luôn coi hiến máu và vận động hiến máu cứu người là lẽ sống. Gần 10 năm qua, anh cống hiến hết mình cho phong trào hiến máu để níu giữ nhiều hơn những cuộc đời ở lại.

Trao đời sự sống

Những ngày này, tại khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chàng trai dáng người mảnh khảnh tất bật hướng dẫn tình nguyện viên làm thủ tục hiến máu, lâu lâu đến động viên người nhà bệnh nhân. Anh là Lê Văn Bình (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), điều phối viên Câu lạc bộ hiến máu khu vực Tây Nguyên.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với anh liên tục đứt quãng bởi chuông điện thoại dồn dập. Anh nói: “Là người điều phối máu nên tôi là đầu mối để người cho và người nhận thông qua, bất kể lúc nào cũng có thể lên đường. Nhiều đêm đang ngủ, điện thoại đổ chuông, nhận tin ai đó cần máu khẩn cấp, tôi điều phối tình nguyện viên đến hiến và lúc này mình lên bệnh viện, ở cạnh tình nguyện viên để động viên tinh thần và phòng nếu xảy ra sự cố sẽ hỗ trợ kịp thời. Trường hợp khẩn cấp, nhiều tình nguyện viên dù ở xa vẫn sẵn sàng đến bệnh viện cho máu, có người phải dắt theo cả con nhỏ”.

Sứ mệnh của chàng trai phố núi ảnh 1

Anh Bình hiến tiểu cầu

Sứ mệnh của chàng trai phố núi ảnh 2

Anh Bình (phải) hướng dẫn tình nguyện viên làm thủ tục hiến máu

Mở điện thoại cho chúng tôi xem danh sách khoảng 60 tình nguyện viên thuộc nhóm máu hiếm, anh Bình nói: “Đội này tôi dành riêng hiến tiểu cầu cho trường hợp nguy cấp. Tiểu cầu chỉ nam giới mới hiến được nên phải dự trữ riêng, khi những ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng có người hiến ngay”.

Tham gia câu lạc bộ gần 10 năm nhưng mới gần 1 năm nay, anh đảm nhận vai trò điều phối viên, phụ trách điều phối máu cho bệnh nhân cần máu hay tiểu cầu tại bệnh viện các tỉnh Tây Nguyên. Trường hợp khẩn cấp anh trực tiếp gọi điện cho tình nguyện viên. Thông thường, khi nhận thông tin, anh Bình đăng bài lên trang của câu lạc bộ để huy động người tham gia.

Lúc tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, anh hiểu rõ việc khan hiếm máu, các y bác sĩ gặp khó khăn trong công tác chữa trị, nhiều bệnh nhân đứng trước ranh giới sự sống và cái chết. Mỗi ngày anh điều phối khoảng 40 tình nguyện viên lên hiến, ngày nhiều nhất con số này có thể lên tới 80 người. Một mình anh tất bật công việc vận động, hỗ trợ trường hợp cần máu khẩn cấp cho các ca cấp cứu, bệnh nhi bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh), và nhiều trường hợp khác tại bệnh viện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

“Dù không nhận được bất kì khoản trợ cấp nào nhưng được nhìn thấy bệnh nhân vượt qua bệnh tật, mạnh khỏe, được nhận những lời cảm ơn chân thành từ họ là điều hạnh phúc nhất. Tôi tâm niệm sự chân thành sẽ chạm đến trái tim, điều xuất phát từ tình người sẽ đến với tình người. Tôi sẽ cố gắng dung hòa công việc trong cuộc sống để có thể gắn bó lâu dài với công việc ý nghĩa này”, anh Lê Văn Bình, điều phối viên Câu lạc bộ hiến máu khu vực Tây Nguyên chia sẻ.

Ngồi chờ ở hành làng bệnh viện, chị Lương Thị Dung (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) tâm sự, con trai chị 8 tháng tuổi, bị tan máu bẩm sinh phải truyền máu định kỳ để duy trì sự sống. Lần truyền máu này, thông qua Câu lạc bộ hiến máu khu vực Tây Nguyên, đã có tình nguyện viên đến cho máu. “Tôi rất biết ơn và hạnh phúc. Những lần sau, tôi sẽ liên hệ câu lạc bộ để nhờ giúp đỡ”, chị nói.

Túc trực ở bệnh viện, mỗi ngày nhìn ánh mắt đờ đẫn, da dẻ xanh xao của các em nhỏ bị bệnh tan máu bẩm sinh đang chờ truyền máu, Lê Văn Bình nghĩ mình phải gắn bó với công việc này lâu dài. Theo chia sẻ của anh, anh được sống ý nghĩa, được trải nghiệm và trưởng thành hơn từng ngày từ những câu chuyện cảm động về tình người, về sự cho đi mà không cần nhận lại. “Có rất nhiều cách để mỗi người có thể đóng góp việc làm thiện nguyện cho xã hội. Trong đó tôi và rất nhiều người đã chọn sẻ chia giọt máu hồng cứu người. Nhiều năm qua, hàng nghìn đơn vị “máu sống” được các thành viên trong câu lạc bộ hiến tặng và vận động, kịp thời cấp cứu giành lại sự sống cho người bệnh”, anh bộc bạch.

Duyên nợ

Đôi mắt thâm quầng ẩn sau lớp tóc mái dài xòa trước mặt, giọng anh trầm hơn, từ khi làm công việc này anh đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Nhiều lần nhìn bệnh nhân anh cho tiểu cầu qua cơn nguy kịch và khỏe trở lại, trong lòng trào dâng hạnh phúc khó tả. Nhưng cũng không ít lần anh rơi vào trạng thái buồn vô hạn khi nghe tin bệnh nhân không qua khỏi.

Anh nhớ lại, năm 2021, có một ca bệnh nhà ở huyện Ea H’leo, bị suy tủy cấp độ 3 cần truyền tiểu cầu để duy trì sự sống. Gia đình hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, thế nhưng còn nước còn tát. Anh là người hiến tiểu cầu liên tiếp 10 tháng, nhưng bệnh nhân đã mất sau đó. “Khi nhận tin, tôi cảm thấy buồn, bất lực”, giọng anh nghẹn lại.

Chính vì lẽ đó, khi biết những trường hợp bệnh nhân quá khó khăn, câu lạc bộ đăng bài kêu gọi nhằm hỗ trợ phần nào chi phí. “Nhiều bệnh nhân được nhận máu kịp thời mà còn khó tránh những chuyện ngoài mong muốn. Còn biết bao những người nghèo khác, không có tiền chữa bệnh, không được hiến máu kịp thời thì họ sẽ như thế nào”, anh nói.

Anh Bình tham gia hiến máu khi 18 tuổi, hiến máu được 10 lần, đến năm 2016, anh bắt đầu hiến tiểu cầu. “Lần đầu hiến tiểu cầu tôi suýt ngất xỉu, tê hết người vì bị rút máu ra với cường độ lớn. Giờ mặt tôi uy tín rồi, bác sĩ dặn để dành hiến tiểu cầu, không cho hiến máu”, anh nói. Anh Bình kể, năm 2017, khoảng 2 giờ sáng, đang ngủ thì chuông điện thoại reo, nhận tin có ca bệnh cần tiểu cầu gấp, anh phi một mạch tới bệnh viện. “Khi đó, không nghĩ được gì vì trong thời gian mình đi là họ đang trong tình trạng nguy kịch. Lần đó tôi hiến cấp cứu cho một ca sản phụ. Lúc trở về nhà gần 4 giờ sáng. Từ khi gắn với công việc này, điện thoại luôn ở bên cạnh, không bao giờ được để im lặng, người luôn trong tình trạng thấp thỏm, ngủ không ngon, có ca gọi chạy lên ngay”, anh cho hay.

Những tháng gần đây, anh tất bật với công việc điều phối máu, chỉ hai ngày cuối tuần anh Bình mới trở về nhà tại xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột). Anh kể, ban đầu bố mẹ phản đối vì khi đó công việc đang ổn định với một tiệm làm tóc, vừa phụ giúp gia đình nuôi hồ cá. Nhưng bây giờ gia đình hiểu và ủng hộ. Mỗi ngày của anh bắt đầu từ 4 giờ sáng, dậy đánh cá cho mẹ đi chợ bán, sau đó lên bệnh viện điều phối máu. Chiều tối anh trở về nhà, nhiều hôm có ca cần tiểu cầu trong đêm anh nán lại bệnh viện đến tận khuya mới về.

MỚI - NÓNG
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.