Sự kiện Nick Vujicic: Giới trẻ VN thiếu những cú hích?

Sự kiện Nick Vujicic: Giới trẻ VN thiếu những cú hích?
Việt Nam có rất nhiều trường hợp chẳng khác gì Nick, nhưng Việt Nam làm được gì để đưa họ thành một điển hình, một tấm gương, một hạt giống có sức lan tỏa sâu, rộng như Nick?

Bốn ngày ở Việt Nam của Nick Vujicic, chàng trai người Úc bẩm sinh không tay chân đã tạo nên một cơn sốt "cấp tính" với giới truyền thông và đặc biệt với giới trẻ Việt Nam. Nick như một ngôi sao, một thần tượng, một biểu tượng của tấm gương ý chí, nghị lực phi thường cùng khát vọng sống, làm người và cống hiến, thật sự ngây ngất giới trẻ Việt.

Không có điểm tựa tinh thần

Những gì Nick đã làm ở Việt Nam trong bốn ngày đã được truyền thông và các trang mạng xã hội ở Việt Nam tạo sóng, một cơn "sóng thần" có sức lan tỏa mãnh liệt, nhất là trong giới trẻ khắp các tỉnh thành. Điều mà gần như chưa bao giờ có ở bất kỳ sự kiện nào ở Việt Nam đối với một nhân vật.

Điều gì đã xảy ra khi những trường hợp như Nick không phải quá hiếm ở Việt Nam, thậm chí nếu điểm danh thì cũng rất dài. Phải chăng, Nick với "cú hích tinh thần", với những thực tế anh đã làm, đã đánh trúng vào tâm lý của giới trẻ Việt?

Hay giới trẻ Việt đang quá thiếu những "cú hích" đó, nên sự có mặt của Nick chỉ là một giọt nước tràn ly, cảnh báo những thiếu hụt nghiêm trọng trên nhiều phương diện của giới trẻ?

Không phải chỉ riêng Nick sang Việt Nam mới được giới trẻ đón nhận với sự cuồng nhiệt, hứng khởi và khao khát, như một biểu tượng lý tưởng "sống". Mà ngay cả trước đó, với những ca sĩ, diễn viên thần tượng, ngôi sao của làng giải trí Hàn Quốc, hay các quốc gia khác, cũng được chờ đón với tất cả nhiệt tình và sự đam mê, thậm chí cả cuồng dại thái quá, bất chấp mọi trở ngại về thời tiết, thời gian, ngôn ngữ,...

Xin đừng ai vội phê phán giới trẻ Việt "vọng ngoại", hay "fan cuồng" thiếu lý trí, đua đòi, tâm lý đám đông...

Sự kiện Nick Vujicic: Giới trẻ VN thiếu những cú hích? ảnh 1
 

Thực tế xã hội của chúng ta hôm nay, những người lớn đã và đang làm gì cho giới trẻ? Để họ trở nên mất phương hướng, mất niềm tin, hoang mang không biết mình sống với mục đích, lý tưởng như thế nào, vì họ không có điểm tựa tinh thần.

Làm sao giới trẻ có thể tin khi có những điều người lớn làm lại đi ngược với những lý thuyết tốt đẹp? Phạm vi hẹp là trong gia đình, cha mẹ không phải là tấm gương cho con cái soi. Rất nhiều bi kịch tội phạm gây ra cho giới trẻ bắt nguồn từ gia đình, khi gia đình không phải là "tổ ấm" đúng nghĩa.

Phạm vi rộng hơn là ngoài xã hội. Những vụ tham nhũng lớn, công lý không thực thi, sự lừa dối trở thành chuyện bình thường. Tội ác không chỉ xảy ra ở những người thuộc thành phần xã hội đen mà ở ngay cả chính những thành phần được cho là "có học" hoặc "ưu tú" trong xã hội cũng... không thiếu.

Tất cả những điều đó làm lung lay, thậm chí làm nguội tắt niềm tin ở giới trẻ. Điểm tựa tinh thần chống chếnh, nghiêng ngả, họ sẽ bám víu vào đâu để có thể đứng vững trước những cạm bẫy, những mê cung tội phạm?

Bởi sự thiếu hụt đó, nên khát khao một điểm tựa tinh thần, khát khao một giá trị thực, giá trị sống, không phụ thuộc vào ai. Mà nó đã như một nhu cầu đương nhiên, tựa như nước uống hay không khí để thở.

Dễ hiểu, những nhân vật được xem như thần tượng, ngôi sao, những con người là biểu tượng của niềm tin vào khát vọng sống, vào sự thành đạt, như một luồng gió mới, truyền cảm hứng, động viên, cổ vũ- một "cú hích tinh thần" từ phương xa với họ.

Khi giáo dục rập khuôn và xơ cứng

Không phải giới trẻ Việt Nam không có những định hướng mục đích, lý tưởng sống. Những lý thuyết đó đều nằm ở trong... tôn chỉ, mục đích của Hội Liên hiệp Thanh niên VN, của Đoàn TNCS, chưa kể còn cả những quy định về đạo đức lối sống trong nhà trường...

Nhưng tại sao những điều đó chỉ như "nước đổ là khoai", không có tác động hay ảnh hưởng nào đáng kể, cứ trôi đi tuồn tuột, chẳng thể hấp dẫn , thu hút, lôi cuốn giới trẻ. Có khi còn tạo ra nhiều khoảng trống hụt hẫng mất phương hướng.

Điểm mặt thực tế bao nhiêu phong trào của thanh niên, có cả chuyện "nhân điển hình cá nhân xuất sắc",...có phong trào nào mà không phải vận động các kiểu, thậm chí có khi còn bắt buộc như một sự vụ với một số chế tài nếu không tham gia...

Thế nhưng phong trào vẫn cứ ì ạch, vẫn cứ chỉ nổi lên được chút ít rồi "xẹp" đi rất nhanh. Kết quả thì hầu như cũng chỉ có bề nổi mà không có chiều sâu, không nhân rộng, không lan tỏa nổi.

Ngoài điểm tựa tinh thần lung lay, ngoài sự không "gương mẫu" của người lớn, phải chăng những lý thuyết và phương cách tập hợp tuổi trẻ VN từ lâu đã bị xơ cứng, chai lì, thậm chí lỗi thời không còn phù hợp?

Phải chăng sự áp đặt giới trẻ vào những "giáo điều" có từ thời chiến tranh, hay áp đặt giới trẻ vào cách nghĩ, cách sống, cách làm của những thế hệ trước đó đã không đủ sức hấp dẫn họ. Đến lượt họ cũng ứng xử giả dối, đối phó, chiếu lệ, làm cho xong?

Sự kiện Nick Vujicic: Giới trẻ VN thiếu những cú hích? ảnh 2
 

Cuộc sống đương đại đã tạo nên rất nhiều giá trị sống, thông tin không còn là phạm vi hẹp, cái nhìn cũng được rộng mở theo nhiều chiều, đa phương diện.

Giới trẻ hiện tại hiểu "quyền" của mình, nên có những đòi hỏi được phép tham gia vào chuyện quyết định về bản thân mình, không bắt buộc phải "theo" bất cứ lý thuyết nào, nếu đó không phải là luật mang tính quốc trị và pháp quyền.

Nên chăng những lý thuyết giáo điều, xơ cứng, rập khuôn mang ra giáo dục giới trẻ cần phải thay đổi cho phù hợp những nhu cầu giới trẻ để họ tự giác chia sẻ và đồng cảm, trên hành trình hội nhập và phát triển của dân tộc.

Chiến lược về vấn đề giới trẻ Việt Nam

Đã không ít lần truyền thông, và những nhà xã hội học, giáo dục học, tâm lý học..., tổ chức nhiều cuộc hội thảo về việc thần tượng hóa các ngôi sao giải trí nước ngoài của giới trẻ, như một hiện tượng cần giải mã để tìm ra điều giới trẻ đang cần, đang muốn, đang hy vọng ước mơ.

Cũng không ít các cuộc hội thảo của các chiến lược gia về vấn đề xã hội đã đau đầu với những hiện tượng tội phạm trong giới trẻ ngày càng gia tăng. Hay chuyện giới trẻ ngày càng sống "ảo" hơn sống "thật" với các kiểu giá trị ảo bị biến thái dưới mọi hình thức..

Nhưng giới trẻ Việt Nam cần gì, muốn gì, điểm tựa tinh thần vào đâu, niềm tin sẽ ra sao trong những xáo trộn xã hội đương đại, tương lai sẽ như thế nào..., vẫn là một dấu hỏi lớn, chưa có giải đáp.

Nick Vujicic, chàng trai thế hệ 8X của nước Úc, không tay chân bẩm sinh, nhưng đã làm được nhiều điều phi thường mà những người lành lặn có khi cả đời không làm được. Và Nick đã gieo "hạt giống tâm hồn", tạo nên một "cú hích tinh thần" có sức lan tỏa như "sóng thần" trong giới trẻ Việt Nam.

Không chỉ Nick, mà nhiều nhân vật khác trong giới giải trí, nhà kinh tế, giải Nobel khoa học..., đến Việt Nam đều tạo nên những cơn "sóng" ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ Việt.

Phải chăng những nhân vật đó đã mang đến cho giới trẻ Việt Nam những giá trị sống mà họ đã không tìm được? Phải chăng những nhân vật đó đã "hâm nóng" và tạo cho giới trẻ Việt có một điểm tựa tinh thần, để còn biết ước mơ, biết đam mê, biết phấn đấu vì một mục tiêu, lý tưởng, khát vọng lớn của tuổi trẻ, khát vọng cống hiến cho nhân loại.

Có lẽ không phải, vì những gì họ mang đến, không mới, không khác lạ, không có cả những gì cao xa huyền bí hay khó hiểu. Nó rất bình thường, nhưng nó gần gũi, nó không phải lý thuyết mà được chứng minh thực tế "sống", bằng bản thân nhân vật.

Một điểm nữa, họ được đón nhận và có sức lan tỏa, ảnh hưởng cả ở một quốc gia lần đầu bước chân tới, chính là vì họ được "hậu thuẫn" của cả quốc gia họ nói chung, và truyền thông của họ nói riêng.

Còn ở Việt Nam, cũng từ chuyến đi của Nick Vujicic, nhiều người tỏ ý "hiềm khích"- Việt Nam thiếu gì những Nick???!!!,... Đúng, Việt Nam có rất nhiều trường hợp chẳng khác gì Nick, nhưng Việt Nam làm được gì để đưa họ thành một điển hình, một tấm gương, một hạt giống có sức lan tỏa sâu, rộng như Nick?

Câu hỏi này đặt ra cho tất cả các nhà xây dựng chiến lược về giới trẻ Việt Nam, những nhà giáo dục học, tâm lý học, xã hội học... kể cả truyền thông Việt Nam với một mạng lưới không lồ báo in, báo hình, báo tiếng, báo mạng.

Và trên hết, vẫn là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà nước, có thật sự xem giới trẻ là "rường cột" cho tương lai của nước nhà, để khuyến khích, tài trợ nhân giống các "hạt giống tâm hồn", để giới trẻ có một niềm tin vững chắc, "một điểm tựa tinh thần", tiến vào tương lai trong tâm thế của người làm chủ vận mệnh của mình, vận mệnh của đất nước, quốc gia, dân tộc?

Theo Tuần Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.