Nắm bắt được những băn khoăn, lo lắng của người dân trước những vấn đề còn chưa rõ ràng trong đề án đăng cai tổ chức của Bộ VHTT&DL, hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến khẳng định đề án phải khả thi, đảm bảo, Chính phủ mới đồng ý cho làm. Ý kiến của Thủ tướng cho thấy Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của người dân, lắng nghe những ý kiến phản biện từ xã hội trước khi đưa ra một quyết sách.
Được đăng cai Asiad là vinh dự quốc gia, đồng thời cũng thể hiện sự hòa nhập của quốc gia với châu lục. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải tổ chức bằng mọi giá, trong hoàn cảnh đề án còn chưa rõ ràng, thiếu chiến lược dài hơi cho việc đào tạo vận động viên.
Lý tưởng nhất, là Việt Nam vẫn tổ chức được Asiad 2019 như cam kết với Ủy ban Olympic châu Á, nhưng với điều kiện chỉ trong phạm vi 150 triệu USD và nhận được sự hỗ trợ tối đa từ quốc tế. Nếu không, biết từ chối đúng lúc cũng thể hiện sự dũng cảm, trách nhiệm của các nhà lãnh đạo với đất nước, người dân.
Từ chối cũng không hẳn ảnh hưởng tới danh dự quốc gia, như có ý kiến lo ngại, bởi đã có tiền lệ trước đó. Hàn Quốc, Singapore từng nhận quyền đăng cai Asiad nhưng rồi trả lại. Không thấy ai nói tới cái mất của họ trong việc bỏ đăng cai, song cái được rõ rất là họ không rơi vào cuộc khủng hoảng nợ như Thái Lan, Nam Phi hay Hy Lạp gặp phải khi đăng cai tổ chức Asiad 1998, World Cup 2010 hay Olympic 2004. Thay vào đó, tình hình kinh tế, xã hội cũng như sức khỏe người dân có sự ổn định và tăng lên đáng kể.
Trong thời gian qua, các bộ ngành liên quan việc đăng cai tổ chức Asiad 18 cũng đã có những đóng góp thẳng thắn, đầy trách nhiệm vào đề án này. Tin rằng, với sự cẩn trọng cần thiết, Chính phủ sẽ có được quyết định hợp tình, hợp lý về việc có đăng cai tổ chức Asiad 18 hay không, sau khi nghe Bộ VHTT&DL giải trình lần cuối đề án này trong tuần tới.