Starbucks mở hàng trăm cửa hiệu tại Việt Nam
> Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam
> Starbucks và thử thách cà phê nguyên chất ở Việt Nam
Theo dự kiến, cửa hiệu Starbucks đầu tiên tại Việt Nam chính thức mở cửa ngày hôm nay (1-2) tại Tp.HCM.
Bên ngoài cửa hiệu Starbucks đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Huy Đức - Quốc Huy. |
Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg cách đây ít hôm, ông John Culver, Chủ tịch Starbucks tại thị trường Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương, trong dài hạn, chuỗi cửa hàng cà phê này dự kiến sẽ mở hàng trăm cửa hiệu tại thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh” và sẽ có “hàng trăm cửa hiệu Starbucks” tại Việt Nam, ông Culver cho biết. Tuy nhiên, ông không đưa ra khung thời gian cụ thể cho kế hoạch này.
“Chắc chắn có một nhu cầu bị dồn nén đối với Starbucks tại Việt Nam”, ông Culver nói. Việt Nam là thị trường thứ 62 mà chuỗi nhà hàng cà phê này đặt chân vào.
Starbucks đã tuyên bố sẽ có khoảng 4.000 cửa hiệu cà phê tại Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Tại Mỹ, số cửa hiệu Starbucks mới mở trong hai năm qua hầu như không đáng kể. Hiện hãng đang mở rộng hoạt động tại châu Á để đẩy mạnh doanh thu.
Cửa hàng đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam nằm ở góc đường Nguyễn Thị Nghĩa - Phạm Hồng Thái, quận 1, Tp.HCM với mặt tiền hướng ra vòng xoay Phù Đồng. Cửa hiệu cao hai tầng với diện tích khoảng 327 m2 này còn có một khu ngồi ngoài trời thoáng đãng. Điều hành cửa hiệu này là công ty Coffee Concepts (Vietnam) Ltd., một chi nhánh của công ty Maxim’s Group có trụ sở ở Hồng Kông.
Starbucks hiện có hơn 18.200 cửa hiệu trên toàn cầu. Theo ông Culver, hãng này sẽ tiếp tục gia nhập các thị trường châu Á trong thời gian tới. Hiện Starbucks chưa có cửa hiệu nào ở Lào và Campuchia, nhưng “rồi chúng tôi sẽ vào những thị trường này”, ông Culver nói.
Một thương hiệu nhà hàng lớn khác của Mỹ, được xem là “đối thủ” của Starbucks, là cửa hiệu Dunkin’ Doughnut cũng vừa tuyên bố sẽ tiến vào thị trường Việt Nam. Hãng mẹ của thương hiệu này là Dunkin’ Brands Group hiện đã có cửa hiệu kem Baskin-Robbins tại Việt Nam.
Năm 2012, giá cổ phiếu của Starbucks tăng 17%, so với mức tăng 33% của cổ phiếu Dunkin’ Brands.
Theo An Huy
VnEconomy