Tại Hội thảo Nhận Diện nghề môi giới bất động sản do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, ông Hoàng cho rằng, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam đang đạt khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
Theo ông Hoàng, những môi giới bất động sản này đã tung tin thất thiệt, không chính xác tạo sự không minh bạch cho thị trường bất động sản. Đồng thời, tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối hàng không đảm bảo quy định pháp luật, dẫn đến rủi ro cho khách hàng và khiến thị trường bất động sản khó kiểm soát dễ bị đổ vỡ.
Sở dĩ có thực trạng này là do các môi giới bất động sản của Việt Nam phần lớn đều chưa có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp theo tiêu chuẩn cần có của một môi giới.
Phần lớn lực lượng môi giới bất động sản tham gia bán hàng tại các sàn giao dịch bất động sản hiện nay đều không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo bài bản. Họ chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản mà họ tham gia bán hàng.
Về trình độ chuyên môn, theo ông Hoàng, ở Việt Nam hiện chưa có hệ thống giáo trình chuẩn dành cho đào tạo môi giới bất động sản. Mỗi cơ sở đào tạo lại có một bộ giáo trình riêng tự soạn. Các doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản cũng tự soạn tài liệu đào tạo chỉ theo kinh nghiệm, mà thiếu cơ sở khoa học. Thiếu các tài liệu tham khảo từ các quốc gia phát triển.
Đáng chú ý, hầu hết môi giới bất động sản ở Việt Nam chỉ đáp ứng được kiến thức bán hàng. Trong khi lại thiếu hẳn những kiến thức cơ bản của một môi giới bất động sản chuyên nghiệp như pháp luật, các luật liên quan, hợp đồng, trách nhiệm của người đại diện.
"Nhìn chung môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và thường là thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật", Phó tổng thư ký VARs nhận định.
Về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, ông Hoàng cho rằng, nhân viên môi giới thường thiếu coi trọng nghề nghiệp, dễ làm, khó bỏ, coi trọng lợi ích cá nhân trên hết.
Mặt khác, các nhân viên này không thực sự coi thị trường và khách hàng làm trọng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách. Họ dễ dàng thỏa hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật vì mục đích lợi ích, làm ảnh hưởng tính bền vững của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.
Chính điều này đã khiến thị trường thiếu tính lành mạnh, minh bạch, bền vững, thiếu niềm tin từ khách hàng. Thị trường bất động sản rất dễ bị khủng hoàng, đổ vỡ, ông Hoàng nhấn mạnh.