Sốt bất động sản, những chiêu thổi giá:

Hà Nội huyện lên quận, 'dựng ngược' cơn sốt đất

Đất Đông Anh được “cò” thổi giá tăng 50% ngang với đất nội thành
Đất Đông Anh được “cò” thổi giá tăng 50% ngang với đất nội thành
TP - Thông tin Thủ đô nâng cấp 4 huyện ngoại thành lên quận vào năm 2020 khiến vùng đất ven nội đô bỗng nổi sóng. Từ cuối 2018 đến nay, tại nhiều huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất đã tăng 30-50%. “Mổ xẻ” cơn sốt đất ven đô cho thấy: Sự kỳ vọng từ quê lên phố đã khiến một bộ phận người dân đầu cơ và có tiền sẵn sàng đầu tư và mua với giá trên trời mà chưa biết sẽ về  đâu.

Ðông Anh: Giá tăng 30-50%

Tại một văn phòng môi giới đất ở xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội), anh Tuấn, nhân viên môi giới nhiệt tình tư vấn mỗi khi có khách hỏi mua đất. Theo môi giới, giá đất tại đây đắt ngang với mức giá một số quận trong nội thành. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 60 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn, giá cũng có thể lên đến 30- 40 triệu đồng/m2.

Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất hiện cũng lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất Đông Anh giai đoạn 2008. Thị trấn Đông Anh có giá đất khoảng 100-120 triệu đồng/m2, hay khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn dao động 30-35 triệu đồng/m2.

Tại Võng La, 2 năm trở lại đây, giá đất cũng tăng xấp xỉ 30%, một lô đất mặt tiền 40 m2 đang được rao bán với giá 680 triệu đồng (khoảng 17 triệu đồng/m2). Trong khi năm 2016-2017, những lô đất tương tự chỉ có giá khoảng 12 triệu đồng/m2.Vị môi giới này cũng đưa thêm thông tin, giá đất tại đây có nơi tăng 2 - 4 triệu đồng/m2 chỉ trong vài tuần là chuyện bình thường.

“Trước và sau Tết, một lô đất 50m2 trong ngõ 2m tăng 2 giá, việc mua 34 triệu đồng/m2 sau đó bán lại 36 triệu đồng/m2 trong ít ngày là chuyện không hiếm. Giờ kiếm mảnh tầm 50- 60m2 trong ngõ rất hiếm vì tổng tiền ít, thanh khoản nhanh vì người ta mua om đất hết cả rồi”, anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, đi sâu vào trong làng tìm hiểu, người dân tại đây cho biết, thực tế,  đất thổ cư người dân không có nhu cầu bán dù giá có tăng hơn cách đây vài năm.

Hà Nội huyện lên quận, 'dựng ngược' cơn sốt đất ảnh 1 Đất Đông Anh được “cò” thổi giá tăng 50% ngang với đất nội thành

 Sốt lan đến Hoài Ðức, Thanh Trì, Gia Lâm

Sau tâm chấn huyện Đông Anh tại các chuyện như: Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì “cò mồi” cũng đua nhau thổi giá đất tạo cơn sốt ảo.

Một ngày đầu tháng tư, chúng tôi có mặt tại  Hoài Đức - một trong những “thủ phủ” có các dự án đô thị vốn bỏ hoang khá lâu (Kim Chung, Di Trạch),  sau cả chục năm lơ thơ nay đã có người ở nhưng vẫn chưa lấp đầy. Từ trước Tết âm lịch, đất ở khu vực này vẫn đứng im không nhúc nhích. Nhưng chỉ đến gần đây, sau khi công bố quyết định của UBND TP Hà Nội với định hướng xây dựng Hoài Đức thành quận vào năm 2020, thị trường bất động sản nơi đây lập tức được hâm nóng và biến nguội thành “sốt”. Tại một số Khu đô thị bỏ hoang đầu năm 2018, đất nền giá chỉ 18 - 20 triệu/m2, nhưng sau khi thông tin huyện lên quận, đất ở đây tăng lên 37 - 38 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi cuối năm 2017 chào bán 70 - 100 triệu đồng/m2, nay đang được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2.

Những ngày này,  giới đầu tư và giới “cò” không ngơi săn lùng nhà phố, nhà lẻ và đất nền, thổ cư khiến mọi thứ đang bình yên bỗng nhiên náo loạn. Một văn phòng môi giới nhà đất tại thị trấn Trôi (Hoài Đức) cho biết, giao dịch nhà phố, nhà lẻ tại Hoài Đức đang rục rịch tăng. Hiện một căn nhà riêng diện tích 85m2 kết cấu 2 tầng trên khu vực đường La Phù (sát ngay cổng Geleximco Lê Trọng Tấn) có giá 3,2 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2018 chỉ tầm 2,2-2,5 tỷ đồng. Những căn 54-60 m2 có giá tầm 2 tỷ đồng đổ lại, nay được chào bán đều từ 2,5 tỷ đồng trở lên. Khảo sát từ nhiều văn phòng nhà đất Hoài Đức cũng ghi nhận, hiện tại, giá đất thổ cư tại nhiều khu vực thuộc An Khánh - An Thượng, Vân Canh chỉ nhích nhẹ 2 - 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, tại thị trấn Trạm Trôi mặt đường QL32 hay Sơn Đồng, những khu đất đẹp có giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/m2.

Trò chuyện với một chủ đầu tư đang “ôm” một cơ số đất tại Hoài Đức thú nhận: “Trước đây, tôi gom mua vì nghe đồn Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020. Nhưng thực tế hơn năm nay, giá vẫn chưa lên nhiều. Trước năm 2019 giá lô đất tăng khoảng 3 giá ( tức thêm 3 triệu/m2) thì đến nay lên  gần 5 giá ( 5 triệu/m2) chứ không hề có chuyện tăng gấp đôi như đồn thổi.  Nói thật, nếu được vậy, tôi lướt ngay”.

Còn chị Nguyễn Thúy Hằng (Trạm Trôi, Hoài Đức) cho biết, nghe dân tình đồn giá đất ở tại đây đang tăng nên chị rao bán lô đất đẹp của mình với giá 110 triệu đồng/ m2.  Tuy nhiên, đã hai tháng nay chỉ vài “cò” đất lướt đến rồi đi chứ không hề dẫn được khách mua nào. “Xem ra, mức giá nghe đồn thổi toàn từ mồm cò mà ra”, chị Hằng nhận xét. 

Anh Nguyễn Hoàng Thắng, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ: “Năm 2013- 2014, khi có thông tin huyện Hoài Đức sắp lên quận, giá đất tại đây tăng 3- 4 lần. Tuy nhiên, do giới cò thổi giá nên chỉ ít lâu sau, giá đất lại trở về như cũ. Có nơi chào bán 40- 45 triệu đồng/m2 nhưng sau lại hạ về 10- 15 triệu đồng/m2”. Đến nay, theo anh Thắng, hiện tượng thổi có dấu hiệu đang lặp lại. “Thời gian qua, dân môi giới đã tự câu kết “thổi” lên chứ thực tế giá của đất nền tại những khu vực này không tăng cao đến vậy. Người dân đầu tư vào đây nên cẩn trọng”, anh Thắng nói.

Tương tự, đất tại đường An Đào A, Đào Nguyên A (Gia Lâm), giá chào bán hiện tại môi giới đưa ra dao động 38 - 45 triệu đồng/m2, trong khi mức giá đầu năm 2018 là 30 - 34 triệu đồng/m2… Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động 55 - 65 triệu đồng/m2, trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ 30 - 40 triệu đồng/m2. Qua khảo sát thực tế, dù mức giá được đẩy cao như vậy, nhưng trên thị trường, giá giao dịch hầu như không tăng, hoặc tăng không đáng kể (khoảng 5%).     

MỚI - NÓNG