Chuyển nhượng để quay vòng vốn
Xin ông cho biết cơ sở nào để Bộ GTVT triển khai bán/chuyển nhượng hạ tầng trong thời gian qua?
Chủ trương của Bộ được triển khai dựa theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI (về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020) và Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đến năm 2020).
Trong đó, đối với hạ tầng giao thông, quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Bộ là: Tập trung huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng; Bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt an toàn.
Hiện nay, nguồn lực nhà nước còn hạn chế, vì vậy phải dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, hoặc công trình khó huy động các nguồn lực xã hội. Việc Bộ GTVT triển khai bán, chuyển nhượng quyền khai thác các dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua là giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách trong thời gian tới.
Bộ GTVT sẽ bán/chuyển nhượng những loại công trình, dự án nào? Dự án loại nào được chuyển nhượng quyền khai thác trong hạn định, dự án nào sẽ bán hẳn, thưa ông?
“Việc nghiên cứu bán, chuyển quyền sở hữu, khai thác hạ tầng và các công trình khác cho các thành phần kinh tế là phù hợp. Cùng với Bộ GTVT, tiến trình này đã và đang được tập trung đẩy mạnh ở các bộ, ngành khác như đối với các dự án, công trình nhà máy phát điện, nhà máy cấp nước sạch, dịch vụ viễn thông”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường
Về chủ trương, hiện nay Bộ GTVT đang lập phương án bán, chuyển nhượng quyền khai thác đối với các dự án, công trình đã được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, trái phiếu, vốn của doanh nghiệp... Trong đó, danh mục dự kiến sẽ bao gồm một số tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không sân bay. Chúng tôi đang xem xét phương án đối với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Nhà ga hành khách T1, sảnh E - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng Quảng Ninh…
Vậy Bộ GTVT đã tính toán việc bán/chuyển nhượng sẽ làm thay đổi thế nào về hiệu quả khai thác công trình, tác động ra sao đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung?
Công trình sau khi chuyển nhượng sẽ do nhà đầu tư chủ động khai thác một cách tối ưu nhằm phát huy được hết tiềm năng, công suất thiết kế, đảm bảo hiệu quả bền vững cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trong quá trình chuyển nhượng, sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của người dân. Một khi từng công trình được khai thác hiệu quả, tối ưu không chỉ tác động tới nhà đầu tư mà còn có tác động lan tỏa đối với kinh tế - xã hội của vùng, đất nước.
Đâu là giới hạn của việc bán, chuyển nhượng hạ tầng GTVT?
Hiện nay, theo luật định, Nhà nước sẽ chỉ: Tiếp tục đầu tư, nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Do vậy, về chủ trương, tất cả các doanh nghiệp, dự án, quyền khai thác các công trình mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ 100% vốn, Bộ GTVT sẽ lập phương án triển khai bán, nhượng quyền khai thác tối đa cho các nhà đầu tư phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường.
Có bán rẻ hạ tầng nhà nước cho tư nhân?
Nhiều người bày tỏ lo ngại khi hạ tầng được tư nhân “nắm”, sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, vậy Bộ GTVT có biện pháp gì để hạn chế điều này?
Công trình thuộc sở hữu của ai thì vai trò quản lý nhà nước cũng không thay đổi. Các cơ quan quản lý nhà nước (trong đó có Bộ GTVT) sẽ có trách nhiệm thiết lập cơ chế hoạt động chung. Nguyên tắc là không phân biệt chủ sở hữu, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích tổng thể của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, không để tình trạng các nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác có thể lợi dụng vị thế độc quyền.
Ví dụ, đối với các cảng hàng không, sau khi nhượng quyền khai thác, thậm chí bán cho nhà đầu tư, Nhà nước phải nắm được quyền kiểm soát việc cấp phép hoạt động của các hãng hàng không. Mục tiêu là đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng phát triển.
Dư luận lo ngại hạ tầng sẽ được bán, chuyển nhượng với giá rẻ. Bộ GTVT cùng các bộ, ngành làm gì để không xảy ra tình trạng trên?
Việc bán, chuyển nhượng hạ tầng trên đều được thực hiện theo luật định, trong đó, việc định giá bán được xác định trên cơ sở khoa học, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Vừa qua, một số công trình bán, chuyển nhượng theo hình thức chỉ định thầu. Cơ sở nào để triển khai hình thức này, giá bán, chuyển nhượng được xác định ra sao, thưa ông?
Việc bán, chuyển nhượng công trình theo hình thức chỉ định đã có quy định pháp luật cụ thể về các trường hợp được áp dụng và trình tự thủ tục thực hiện. Mục tiêu là lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ, thị trường nhằm khai thác tối đa công suất thiết kế, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giá chuyển nhượng được xác định trên cơ sở khoa học, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Quá trình bán được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định hiện hành.
Cảm ơn ông.