“Sống mòn” bên bãi rác

Người dân khi đi qua khu vực bãi rác.
Người dân khi đi qua khu vực bãi rác.
TP - Khói bụi mù trời, mùi hôi thối ập vào nhà bất kể ngày đêm, đặc biệt những ngày thời tiết thay đổi. Những đứa trẻ hầu hết đều mắc bệnh về hô hấp, trong khi đó, người lớn cũng bệnh tật liên miên, nhiều người chết vì căn bệnh ung thư quái ác. Đó là những hiểm họa mà người dân sống cạnh bãi rác Xuân Sơn (Hà Nội) đang phải đối diện.

Khốn đốn vì rác thải

Bãi rác Xuân Sơn nằm ở địa bàn giáp ranh giữa thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Bãi rác này ảnh hưởng đến hầu hết khu dân cư hai xã Xuân Sơn (Sơn Tây) và Tản Lĩnh (Ba Vì). Ghi nhận tại khu xử lý rác thải theo công nghệ đốt bên phía Xuân Sơn đang vận hành, khói bay mù mịt khiến tất cả người đi đường phải dùng tay bịt mũi dù đã có khẩu trang rất dày.

 Khói mang theo mùi hôi thối, khét lẹt. Cách bãi rác khoảng hơn 100 m, ông Phùng Quốc Huân (60 tuổi) ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh cho biết, mấy ngày nay, do người dân chặn xe rác nên bớt ruồi muỗi và mùi hôi thối, chứ không thể ngồi nói chuyện được. 

Ông Huân chỉ tay vào mấy tấm lưới chắn ngang ô ánh sáng để ngăn ruồi vào nhà, nói: Trước đây, cứ đến bữa cơm là gia đình phải mắc màn để tránh ruồi “tranh cơm”. Nhiều người chết vì ung thư rồi. Bản thân tôi cũng bị hỏng tai. Tai bị chảy nước suốt, thuốc thang quanh năm.

Theo lời giới thiệu của ông Huân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Quân ở thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Anh Quân là một công nhân từng làm trong bãi rác của Hợp tác xã Thăng Long đóng trên địa bàn, hiện đang bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. 

Anh Nguyễn Văn Quân (52 tuổi) gày gò nằm trên giường, thở khò khè nói không rõ tiếng. Thấy chúng tôi, với giọng yếu ớt, anh bảo không ngồi dậy tiếp chuyện được. Tiếp lời chồng, chị Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, anh Quân làm trong bãi rác được vài năm thì thấy có hiện tượng khó ăn, hay nghẹn. Đi khám thì bác sĩ phát hiện khối u thực quản đã quá lớn. “Hiện giờ anh ấy không ăn được gì. Phải ăn bằng ống xông thẳng vào dạ dày”, chị Kim Anh nói.

Bản thân chị Kim Anh cũng làm trong bãi rác được 7 năm. Sau việc một số lao động bị ung thư, ốm bệnh, nhiều công nhân rất lo sợ. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải làm việc. Còn chị Kim Anh đã nghỉ việc gần nửa năm để chăm chồng, lương, trợ cấp cũng đã sắp hết. Như chị nói, hết tiền chị sẽ lại tiếp tục dấn thân vào “nghiệp rác”, dù biết, căn bệnh ung thư quái ác có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Đặng Thị Kim Liên (SN 1983), cũng ở thôn Hiệu Lực. Chị Liên cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi bãi rác. Ngay con chị, thỉnh thoảng vẫn phải đi khám tại trạm y tế xã, hoặc phải đi tìm thầy thuốc tư nhân để tiêm vì liên tục bị ho, khó thở.

“Người lớn thì quen dần nhưng trẻ nhỏ thì bị ho với khó thở nhiều lắm”, chị Liên nói. Cũng theo chị Liên, việc chôn lấp rác thải cạnh hồ điều hòa Xuân Khanh, trên địa hình cao gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu của người dân quanh vùng. “Nhiều đợt đi cấy, đi gặt, lội nước về là nổi mẩn hết chân tay. Khổ lắm!”, chị Liên nói.

Nhiều hộ dân nơi đây từng bức xúc chặn xe rác vì tiền đền bù ruộng đất không được thực hiện theo đúng cam kết. Ngay cả tiền bồi thường về môi trường 2 năm qua cũng chưa được nhận. Trong khi đó, nhiều hộ dân cũng xác nhận, nhiều người trên địa bàn đã qua đời vì mắc bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư vòm họng.

Sống chung với rác đến bao giờ?

Phóng viên Tiền Phong tìm đến bãi rác nằm trên địa phận xã Tản Lĩnh, nhưng bảo vệ nơi đây ra sức ngăn cản phóng viên tác nghiệp. Dù không có biển báo hay quy định, tuy nhiên, một số người bên trong khu chôn lấp rác thải kiên quyết không cho phóng viên quay phim, chụp ảnh. 

“Dù anh có đưa giấy giới thiệu của ai hay cấp nào thì cũng không được vào trong này chụp ảnh”, một bảo vệ quả quyết. Phóng viên cũng liên hệ với lãnh đạo Xí nghiệp đốt rác Sơn Tây (xã Xuân Sơn, Sơn Tây) tuy nhiên, nhân viên trong xí nghiệp thông báo lãnh đạo đi vắng, hẹn quay lại vào dịp khác. Lãnh đạo xã Tản Lĩnh thì lấy lý do bận họp từ chối phóng viên, đồng thời cử một nhân viên tư pháp đưa báo cáo tình hình hoạt động của bãi rác trên địa bàn cho phóng viên.

“Sống mòn” bên bãi rác ảnh 1

Vốn là 1 hố chứa rác, tuy nhiên, lượng rác quá lớn đã khiến hố rác bị quá tải.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Học, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Sơn cho biết, qua thăm khám bệnh cho bà con nhân dân, phát hiện rất nhiều trường hợp bị bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Lấy sổ khám chữa bệnh ra cho phóng viên xem, ông Học cho biết, khoảng 30% trẻ nhỏ thăm khám tại trạm có vấn đề về viêm họng, có bệnh về đường hô hấp. 

“Trung bình 3 trẻ đến khám thì sẽ có một cháu bị bệnh về đường hô hấp”, ông Học nói. Cũng theo ông Học, việc các bãi rác tập trung gần hồ điều hòa Xuân Khanh, nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho người dân trong vùng gây tâm lý bất an, lo ngại.

Ông Hoàng Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho rằng, không thể tránh khỏi ảnh hưởng khi sống cạnh các bãi rác, từ nguồn nước ngầm cho đến không khí. Nước ngầm có thể mới chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng hậu quả sẽ lâu dài.

 “Đặc biệt, một số hộ dân gần khu vực vẫn chưa được sử dụng nước sạch, phải dùng nước giếng khoan”, ông Vân nói. Cũng theo ông Vân, dù trụ sở xã ở cách hơn 1 cây số, nhưng những hôm thời tiết thay đổi, đặc biệt những khoảng thời gian có sương mù, ẩm ướt thì cũng chịu chung số phận với những hộ dân bên cạnh bãi rác. 

“Việc người dân bị mẩn ngứa khi đi làm đồng là có, cũng có các trường hợp bị bệnh về hô hấp nhưng các trường hợp ung thư thì chúng tôi không khẳng định và cũng không nắm được”, ông Vân thông tin. Về băn khoăn các bãi rác nằm cạnh hồ điều hòa Xuân Khanh, ông Vân cho biết: “Hàng năm có nhiều đoàn đến kiểm tra chất lượng nước, tuy nhiên kết quả thế nào thì UBND cấp xã không được thông báo”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Học, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân Sơn cho biết, qua thăm khám bệnh cho bà con nhân dân, phát hiện rất nhiều trường hợp bị bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Lấy sổ khám chữa bệnh ra cho phóng viên xem, ông Học cho biết, khoảng 30% trẻ nhỏ thăm khám tại trạm có vấn đề về viêm họng, có bệnh về đường hô hấp.


MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.