Sống lại lịch sử Truông Bồn

Sống lại một trang sử hào hùng ở Truông Bồn 50 năm trước. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Sống lại một trang sử hào hùng ở Truông Bồn 50 năm trước. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Kịch hát Hoa lửa Truông Bồn ra mắt công chúng Thủ đô bốn đêm liên tiếp tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam từ 20-23/1, làm sống dậy hồi ức về những anh hùng ở đất lửa Truông Bồn.

Hoa lửa Truông Bồn do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết kịch bản văn học, chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh, NSND Lê Hùng dàn dựng cho Trung tâm Bảo tồn Di sản dân ca xứ Nghệ trình diễn.

Một vở kịch giản dị từ bối cảnh sân khấu, phục trang tới những diễn viên nghệ sĩ trên sân khấu, nhưng câu chuyện có sức tác động mạnh mẽ. Hoa lửa Truông Bồn tập trung khắc họa Tiểu đội 2, Đại đội Thanh niên Xung phong 317 thuộc Tổng đội Thanh niên Xung phong Nghệ An trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Chiến tranh lùi xa mấy chục năm nhưng chưa thể bước ra khỏi tâm trí, hồi ức những người trở về trong hòa bình như O Thông, O Hường. Câu chuyện bắt đầu khi cuộc chiến lùi xa hơn 30 năm, Tuấn - cán bộ phong trào - vì trục lợi vẽ ra chân dung sai sự thật về điển hình Tiểu đội trưởng tiểu đội thép xưa kia ở Truông Bồn. O Hường quyết liệt đấu tranh, đòi nhân chứng lịch sử thật sự. O Thông, phải lên tiếng “vì những người còn sống và cả những người hy sinh”.

Câu chuyện về những nữ thanh niên xung phong yêu, sống và cống hiến xương máu ở những cung đường lửa được khai thác kỹ lưỡng, nhưng tác giả tìm ra cách tiếp cận mới. Cách đặt vấn đề mới và hiện đại này là cái cớ để nhân vật chính tưởng nhớ về một thời kỳ lịch sử khốc liệt, hào hùng.

Ê kíp sáng tạo không cần chú trọng đầu tư bối cảnh, tự câu chuyện có sức lay động lớn. Vở diễn tập trung khắc hoạ chân dung những thanh niên xung phong thời chiến. Đó là cuộc chia li giữa bà mẹ thương con đứt ruột, cô con gái nhất quyết xung phong ra trận vì Tổ quốc và vì mong ngóng tin của người yêu đi đánh trận. Đó là hình ảnh những nữ thanh niên xung phong lạc quan, không tiếc xương máu khi đối mặt với bom đạn như cơm bữa.

Thời lượng vở diễn không dài nhưng tác giả đề cập đủ cung bậc trong đời sống và tình cảm của những nữ thanh niên xung phong này: Nỗi đau đớn lặng người khi đón nhận tin người thương hy sinh, giữa ranh giới sống chết mong manh vẫn nảy nở những mối tình đẹp và thơ mộng.

Cao trào của vở diễn là cảnh chiến đấu cuối cùng trên cung đường ác liệt sáng 31/10/1968-chỉ ít giờ nữa Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Trước giông bão là bình yên đến lạ, chính là thời khắc cho hai người yêu nhau mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ thời bình, là cảnh các chị em tíu tít tặng hoa tím Truông Bồn để tiễn ba cô gái có giấy báo nhập học. Thế rồi nỗi đau ập xuống. Trận bom bất ngờ cướp đi tuổi trẻ và ước mơ giản dị của 13 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội thép của Đại đội 317, họ chỉ cách hoà bình vài giờ đồng hồ nhưng mãi mãi nằm lại đất Truông Bồn.

Tiểu đội 2 Thanh niên Xung phong Nghệ An cũng giống bao đơn vị khác, tụ hội những thiếu nữ không tiếc tuổi xuân ngày đêm san đường, phá bom đảm bảo cho những chuyến xe thẳng ra tiền tuyến. Nhưng điểm khác biệt của Hoa lửa Truông Bồn chính là chất Nghệ thấm đẫm trong mỗi lời thoại, điệu hát. Lựa chọn giữ nguyên phương ngữ xứ Nghệ, chuyển thể sang dân ca xứ Nghệ giúp ê kíp sáng tạo làm ra điểm khác biệt khi khắc họa những người anh hùng ở Truông Bồn.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.