Tặng phẩm quý báu
Tôi theo chân Kỹ sư Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy đi dọc con đường nhỏ xuyên VQG, để lên đài quan sát toàn cảnh VQG. Từ trụ sở Ban quản lý VQG Xuân Thủy đi 3,5km là đến vùng lõi. Trên đoạn 3,5km chủ yếu là vùng đệm, là hệ sinh thái đầm tôm, ao cua cá, rong biển được nuôi trồng theo dạng quảng canh (canh tác trên diện rộng, bán tự nhiên).
Anh Đạt giới thiệu: “VQG Xuân Thủy nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam, phía Đông Bắc giáp sông Hồng, phía Đông Nam và phía Nam là Biển Đông, phía Tây Bắc là các xã Giao An, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải (thuộc huyện Giao Thủy).
VQG có tổng diện tích 7.100ha trong đó, diện tích đất nổi có rừng 3.100ha, còn diện tích rừng ngập nước là 4.000ha. Ngoài ra, vùng đệm VQG có diện tích 8.000ha gồm diện tích còn lại của cồn Ngạn, diện tích Bãi Trong và diện tích của 5 xã kể trên”.
Du lịch sinh thái trong VQG Xuân Thủy |
Từ đài quan sát, hướng tầm mắt về phía Đông - Bắc, cửa Ba Lạt mờ ảo trong sương khói chiều đông. Anh Đạt cho hay, những khu vực cửa sông liên tục biến động. Cửa Ba Lạt trước đây không ở vị trí như hiện nay. Năm 1969, trận bão lịch sử với sức tàn phá khủng khiếp của sóng và gió đẩy dòng chảy của sông dịch chuyển về phía Nam Định như ngày nay. Nhánh cũ (sông Lấp) ở phía Thái Bình bị bồi tụ.
VQG Xuân Thủy là khu vực có hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở vùng cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam và cũng là điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á. Đây là khu vực được bảo tồn và sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái và góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương.
Anh Đạt lý giải rất hấp dẫn về sự hình thành nên VQG Xuân Thủy: “Không phải tất cả đều trôi ra biển. Sông Hồng đỏ nặng phù sa khi xuống đến đây gặp sóng biển đánh vào, những hạt vật chất sẽ lắng đọng xuống tạo thành những ụ chắn ở ngay cửa sông.
Sau một thời gian, ụ chắn đó lớn dần lên làm dòng chảy của sông đổi hướng. Và đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy hình thành từ quá trình bồi tụ phù sa của sông Hồng và tác động của biển Đông”.
Từ đây, chúng tôi mới hình dung được VQG được tạo thành bởi bốn điểm chính là Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ (Cồn Xanh) và Bãi Trong. Trong đó, Cồn Lu hình thành cách đây khoảng 100 năm, rộng nhất vườn với diện tích 4.500ha và quanh năm xanh tươi cùng hệ thực vật duyên hải ô rô, bần chua, sú vét, mắm, cóc kèn… Phía ngoài là Cồn Mờ hình thành cách đây 20 năm, vẫn còn đang trong quá trình hình thành từ biển.
Phía Tây VQG Xuân Thủy là vùng đất nằm trong đê Ngự Hàn thuộc các xã vùng đệm của VQG Xuân Thủy được người dân khai hoang lập ấp từ khoảng 170 năm về trước. Sau đó là các công trình quai đê lấn biển theo truyền thống “lúa lấn cói, cói lấn vẹt và vẹt lấn biển”.
Vùng đất ở giáp chân đê Ngự Hàn ngày nay được gọi là Bãi Trong có lịch sử hình thành trên 150 năm. Ban đầu, người dân địa phương đắp đê và trồng sú vẹt để phòng hộ đê. Khi đất đã tương đối ổn định dân địa phương trồng cói ở các khu vực ngọt lợ để lấy nguyên liệu dệt chiếu và lợp nhà, sau khi đất được ngọt hóa sẽ chuyển dần sang trồng lúa chịu mặn nhằm từng bước lấn biển.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tại đây bắt đầu có được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ tự cấp tự túc sang nuôi trồng thủy hải sản phục vụ thương mại và xuất khẩu. Hàng ngàn ha rừng ngập mặn trên các bãi bồi ở Cồn Ngạn và Cồn Lu đã được chuyển đổi mục đích từ phòng hộ ven biển sang nuôi trồng thủy sản. Việc này làm kiệt quệ hệ sinh thái đa dạng của vùng cửa sông.
Năm 1989 vùng bãi bồi ngập nước ở cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy được UNESCO công nhận gia nhập công ước quốc tế Ramsar (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế).
“Sau đó, chính quyền và người dân cùng nhau cứu hệ sinh thái này bằng việc phát triển VQG Xuân Thủy, trồng rừng trên cồn Lu, cồn Vành, cồn Ngạn và dải bãi cát ven biển thì Ba Lạt dần hồi sinh. Nó lại tiếp tục hành trình lấn ra Biển Đông cùng với sự bồi tụ các cồn bãi ngày càng lớn dần…”, anh Đạt cho biết.
Chim di cư về VQG |
Điểm đến độc đáo
Chúng tôi lên tàu để trải nghiệm du thuyền du lịch trong VQG. Tàu từ từ tiến ra cửa sông rồi đi sâu vào vùng lõi cho khách trải nghiệm rừng ngập mặn với bạt ngàn sú vẹt. Sau đó, tàu đi về cửa Ba Lạt. Tại đây có một bãi cát trắng rất đẹp, mùa hè có thể tắm. Nhiều đoàn khách là những học sinh đến khu bãi này sẽ được cán bộ của VQG đưa đi lội bãi, hướng dẫn cách nhận biết, cách trồng những loài cây ngập mặn.
Những ngày này, trong VQG thường thấy thấp thoáng những nhóm du khách nước ngoài (3-5 người) đam mê chim. Họ đi bộ xung quanh hoặc đi thuyền ra phía chân sóng ngoài cồn cát để săn ảnh chim.
Anh Nguyễn Xuân Nhự, cán bộ Hạt Kiểm lâm trong VQG Xuân Thủy cho biết, trước đây, người dân thiếu củi còn có hiện tượng chặt cây chứ giờ thì không ai làm nữa. Cũng có một vài vụ xử lý hành chính về săn bắt chim nhưng đó là cá biệt, là người từ nơi khác đến.
Đến đây, Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt tiếp lời, khi hình thành VQG, người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước ở cửa sông ven biển như ở VQG Xuân Thủy. Đây là hệ sinh thái điển hình, cơ bản nhất của miền Bắc nước ta.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tác dụng lớn trong việc phòng hộ đê biển, bảo vệ hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản cũng như dân sinh, kinh tế, xã hội trong khu vực. Hệ rễ của cây trong rừng ngập mặn sẽ có tác dụng cố định phù sa và lấn biển.
Theo anh Đạt, sự khởi sắc của Xuân Thủy là nhờ vào các chính sách chia sẻ nguồn lợi của vườn quốc gia với người dân địa phương. “Trong vùng đệm của VQG có các mô hình nuôi trồng thủy sản tạo nguồn thu nhập rất lớn xuất hiện ở xã Giao Xuân, Giao Thiện, Giao An.
Ngoài ra, có mô hình nuôi thủy, hải sản quảng canh, hay như mô hình nuôi ong, tạo nên thương hiệu mật ong VQG Xuân Thủy là những lợi thế trong phát triển kinh tế địa phương”, Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy cho hay.
Điều đáng mừng nữa là chỉ nay mai, cây cầu bắc qua sông Hồng nghìn tỷ sẽ được xây dựng xong sẽ nối liền huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định). Cây cầu này nằm trên tuyến đường ven biển Bắc - Nam, dài 550km đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Đặc biệt, khi cầu sông Hồng và tuyến đường ven biển hoàn thành sẽ góp phần khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển, trong đó có VQG Xuân Thủy.
Khi đó, VQG Xuân Thủy sẽ là điểm chia tay tuyệt vời của sông Hồng sau một hành trình đầy sắc thái, mênh mang và da diết trên đất Việt…