Sông Hồng ký sự, Kỳ 11: “Luật” đánh cá cạnh luồng tàu nghìn tấn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dọc sông Hồng, nhất là khu vực đồng bằng, việc đánh cá trên sông rất nguy hiểm vì tàu lớn qua lại liên tục. Các làng chài truyền thống trên sông vì thế thưa vắng dần, chủ yếu chuyển sang nuôi cá lồng. Tuy nhiên, trong hành trình khám phá sông Hồng qua Thái Bình, chúng tôi biết đến một làng chài phát triển, được tổ chức rất chặt chẽ ở huyện Vũ Thư, Thái Bình…

Một thời giành đánh cá giữa luồng tàu

Đến Trạm CSGT đường thủy Thái Bình (đóng tại xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư), ngỏ ý muốn tìm hiểu về “làng chài bình yên”, Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, cán bộ Đội CSGT đường thủy Thái Bình dẫn tôi cùng đi xuống gặp ông Trần Văn Xuân, Tổ trưởng Tổ tự quản. Ông Xuân cùng với Trung tá Tuấn là những người đầu tiên tham gia mô hình “Làng chài bình yên trên sông Hồng” từ khi mô hình này mới nhen nhóm.

Trên đường đi, Trung tá Tuấn cho hay, tuyến sông Hồng trên địa bàn tỉnh Thái Bình có chiều dài 101 km, bắt đầu từ ngã 3 Phương Trà (thuộc địa phận xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) và đổ ra biển Đông qua cửa Ba Lạt (qua địa phận xã Nam Phú, huyện Tiền Hải). Đây được coi là tuyến giao thông vận tải đường thủy huyết mạch của miền Bắc, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Trên tuyến sông này, lại có các làng chài với gần 100 hộ và hơn 200 ngư dân hoạt động đánh bắt thủy sản. Thuyền bè của ngư dân nhỏ bé như “lá lúa” so với các tàu vận tải hàng nghìn tấn, nên việc đánh bắt cá tại đây rất nguy hiểm, không ít tai nạn thương tâm xảy ra.

Nhớ lại những ngày đầu tiếp quản việc tuần tra, kiểm soát trên sông Hồng, Trung tá Tuấn cho biết, lúc bấy giờ, đây là khu vực xảy ra nhiều vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội trên sông. CSGT đường thủy ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát an toàn giao thông còn có chức năng nữa là đấu tranh phòng ngừa tội phạm đường thủy. Vì thế, lực lượng công an đóng ở đây xác định được vấn đề, gặp gỡ ngư dân và xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND xã, căn cứ các quy định để thành lập mô hình “làng chài bình yên” này.

Sông Hồng ký sự, Kỳ 11: “Luật” đánh cá cạnh luồng tàu nghìn tấn ảnh 1

Ông Trần Văn Xuân, Tổ trưởng Tổ tự quản ở “Làng chài bình yên” sông Hồng

Tiêu chí đầu tiên được đưa ra phải đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên tuyến sông. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn lực lượng này còn có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật cho chính ngư dân ở làng chài, rồi tìm cách vận động họ lên bờ xây dựng nhà cửa, cho con cái đi học, đầu tư ngư cụ hiện đại để đánh bắt cá, từng ngày ổn định cuộc sống.

Sông Hồng ký sự, Kỳ 11: “Luật” đánh cá cạnh luồng tàu nghìn tấn ảnh 2

Phát phao cho ngư dân để đảm bảo an toàn

“Trong một năm, cứ đến tháng 3 (âm lịch), là mùa cá mòi, ngư dân đua nhau xuống sông thả lưới bắt cá lấn vào luồng tàu đi. Từ đó, dẫn đến va chạm, cãi chửi nhau, thậm chí xảy ra tai nạn. Ban đầu, để vận động bà con, hàng ngày, chúng tôi đi phát áo phao, phao tròn, đèn để hỗ trợ bà con đánh bắt. Đêm tối, ngày nghỉ chúng tôi đến tận thuyền để thăm, gặp mặt; tiện đường tuần tra thì tranh thủ ghé mạn thuyền thăm hỏi, động viên, rồi tranh thủ tuyên truyền pháp luật giao thông. Những ngày lễ thì tặng quà cho các cháu cái bút, quyển sách. Những lúc mưa bão có vấn đề gì về tàu thuyền chúng tôi đều gọi cho nhau để cứu trợ, sửa chữa giúp. Giờ thì chúng tôi thân thiết, gần gũi lắm!”, Trung tá Tuấn chia sẻ.

Ông Phan Văn Ban, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư) cho biết, từ khi mô hình “làng chài bình yên” hoạt động, tình trạng vi phạm về đánh cá trên luồng giao thông không còn, kinh tế người dân ổn định, nhân dân chấp hành pháp luật. Làng chài xã Việt Hùng hiện có 22 hộ hiện vẫn chưa có đất ở. Địa phương đề xuất xây dựng khu tránh bão cho ngư dân nhưng chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu, chưa có giải pháp cụ thể.

Để phối hợp mọi việc được nhuần nhuyễn, Tổ tự quản trong làng chài được xây dựng. Tổ này phối hợp cùng với công an thường xuyên tham gia kiểm tra hệ thống luồng, lạch, phao tiêu, đèn, biển báo hiệu trên toàn tuyến, phát hiện và có biện pháp cảnh báo các điểm cong, cua, các điểm nguy hiểm đảm bảo lưu thông thuận lợi, an toàn cho các phương tiện.

Vừa đánh cá, vừa cứu người, cứu tàu

Câu chuyện đến đó cũng là lúc chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Xuân (65 tuổi). Ông Xuân là người xã Việt Hùng, sống ở mom sông này đã 50 năm. Bản thân ông cũng có 40 năm gắn bó với nghề sông nước. Ông Xuân to khoẻ, đen sạm, chân bước tập tễnh ra đón chúng tôi. Sau cái bắt tay giới thiệu, ông bắt đầu kể về những ngày đầu tham gia mô hình: “Lúc đó, tôi không phải người già nhất nhưng do năng nổ nên được bà con tín nhiệm giao nhiệm vụ giúp làng chài. Cũng chả có lương lậu gì đâu, thấy trách nhiệm thì làm, thỉnh thoảng cũng được anh em cho gói thuốc, hộp bánh”.

Ông Xuân nhẩm tính, xóm ông ở hiện nay có 9 hộ dân, xóm trên có 10, còn trên xã Ngọc Lý bên cạnh còn 6 hộ nữa. “Trước đây, đánh bắt còn khó khăn, lại hay đánh chửi nhau. Nếu không có công an giao thông thì làng chài tan lâu rồi! Tôi vẫn bảo với bà con: Ngày, đêm tối đều sống, mưa sinh trên sông, muốn bình yên phải có người bảo vệ và mình cũng phải hỗ trợ lại để anh em gắn bó khăng khít với nhau. Thỉnh thoảng vẫn có người vụng trộm rà điện bắt con tôm, con tép nhưng đó là cá biệt thôi. Họ không ra luồng đánh bắt cá nữa. Bao năm qua, ở đây chẳng xảy ra điều tiếng gì cả!”, ông Xuân nói.

Ngư dân trong làng chài ngoài đánh bắt cá hàng ngày, đến khi xảy ra tai nạn, va quệt trên sông, sẽ tham gia ứng cứu, hỗ trợ hiệu quả nhất vì họ thường trực 24/24 trên sông. Ông Xuân nhớ lại vụ tai nạn thảm khốc năm 2016. Lúc ấy, trên đoạn sông Hồng qua xã Hồng Lý (huyện Vũ Thư) xảy ra vụ va chạm giữa hai tàu chở đá và tàu chở bột đá, làm một tàu cùng hàng hóa, thiết bị bị chìm khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. “Vị trí xảy ra tai nạn cách bờ 100m, tàu bè qua lại rất nhiều. Đây lại là đoạn sông hẹp, luồng tàu bị tắc không chạy được. Sau khi thả phao khống chế luồng tàu, chúng tôi cắt cử người lặn xuống vớt xác lên, người hỗ trợ gia đình bị nạn, chia nhau đi rà tìm người mất tích. Những ngày đấy, không chỉ lực lượng chức năng, cả chúng tôi cũng không ăn ngủ được. Lúc đó, Tổ phải thật ăn khớp, thực hiện việc an toàn cho cả người sống”, ông Xuân nhớ lại.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ trong làng, ông Xuân nói, những ngày đầu đi vận động bà con cũng khó khăn nhưng sau thì mọi người đều hiểu. Hiện cuộc sống của bà con ngày thêm ổn định, dù vẫn còn đôi điều khuyết điểm.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG