Vùng đất của phù sa và quai đê lấn biển
Từ thành phố Nam Định, xuôi theo sông Hồng chừng 50km tôi đến địa phận xã Giao Hương (huyện Giao Thủy). Từ đây ra đến biển chỉ còn khoảng 10km. Càng gần đến cửa Ba Lạt, những cơn gió biển lạnh mang theo chút vị nồng mặn của muối cộng với hương rừng sú, vẹt… làm cho không khí hơi lạ thường. Đoạn cuối sông Hồng từ địa phận xã Giao Hương (Giao Thủy) ra đến biển khá thẳng. Càng ra gần biển, khung cảnh sông Hồng càng rộng mênh mông. Tuy không cuộn chảy nhưng sức nước còn rất mạnh, lòng sông vẫn trầm đục phù sa.
Từ trên cao nhìn xuống bằng thiết bị Flycam, cửa Ba Lạt mùa này bàng bạc sương khói. Mây mù lãng đãng trên những vạt rừng đước lúp xúp trên mặt nước ven cửa sông. Ba Lạt cũng là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Nam Định và Thái Bình, nằm ở phía Bắc xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy) và phía Nam xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình). Doi đất bờ Bắc chính là Cồn Vành và doi đất bờ Nam là Cồn Lu.
Người dân ở đây thường truyền miệng rằng, tên Ba Lạt bắt nguồn từ những xác người chết đói vào những năm 1945 khi không được chôn cất, phải cột 3 mối lạt tre và thả trôi ra sông Hồng để đến nấm mồ lớn ở biển Đông. Nhiều người khác thì kể lại rằng, tên Ba Lạt xuất phát từ thời xa xưa khi cửa sông được phân ra làm 3 nhánh nhỏ chứ không như bây giờ. Còn một số tài liệu ghi chép khác thì cho rằng Ba Lạt chính là một tên của làng cổ nằm ở cửa sông này
Ông Vũ Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Giao Hương cho biết, trong lịch sử Đảng bộ xã và các tài liệu ghi chép còn lưu tại xã Giao Hương (Giao Thủy, Nam Định), trước đây, sông Hồng chảy qua cửa Hà Lạn ra biển Đông. Lúc đó, đất Giao Thủy còn nằm ở phía tả ngạn. Ba Lạt vốn chỉ là con lạch nhỏ, người từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ cần qua một chiếc cầu tre buộc bằng ba cái lạt. Có một sự kiện lịch sử được gia phả các dòng họ làng Hà Nam (xã Giao Hương) ghi: Vào thời Lê triều năm Bính Ngọ, sông Hồng chảy ra sông Ngự Hàm qua cửa Hà Lạn. Năm 1787 do “sự vận động kiến tạo của vỏ trái đất”, sau một tiếng nổ lớn, trời đất tối sầm. Ba Lạt đã trở thành cửa sông rộng lớn. Sử sách ghi là “Hội phá Ba Lạt”. Kể từ sau “Hội phá Ba Lạt” từ làng Hà Nam xã Giao Hương đến cửa sông Hồng phù sa đã bồi lên hàng vạn hecta.
Tại các xã Giao Tiến, Giao Tân (Giao Thủy) Thọ Nghiệp, Xuân Vinh, Xuân Hòa (Xuân Trường), các vùng đầm lầy, đầy cỏ năn, cỏ lác trước đây đã được nhân dân quai đê, ngăn mặn thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ, làng xã đông vui tấp nập.
Ông Phạm Văn Nhượng (xã Giao Thiện) đang kiểm tra nhiệt độ trong vuông tôm |
Theo sử sách ghi lại, xưa kia, khu vực này còn rất hoang vu và thưa thớt ngư dân sinh sống cho đến khi nhà chính trị, quân sự và nhà thơ Nguyễn Công Trứ xuất hiện tại đây.
Nguyễn Công Trứ (19/12/1778) là quan dưới triều Nguyễn, sau khi trấn áp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (ở Nam Định), đã phát hiện tiềm năng của vùng đất duyên hải mới ở Đồng bằng sông Hồng. Và từ năm 1828, ông bắt đầu đẩy mạnh công cuộc khẩn điền ở dải đất duyên hải Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình).
Đích thân Nguyễn Công Trứ thường xuyên đi kinh lý thực địa, vẽ bản đồ, khuyến khích dân chúng tham gia khai hoang cùng với việc phát trâu bò, nông cụ cho họ làm việc. Chế độ khen thưởng đúng người, đúng công của Nguyễn Công Trứ rất được lòng dân. Ông tổ chức lực lượng khẩn điền thành các lý, ấp, trại, giáp. Sự thành công này như vệt nước loang ra các vùng duyên hải Đồng bằng sông Hồng khác và nhanh chóng trở thành một quốc sách khẩn điền, canh nông được ưu tiên hàng đầu trong triều đại nhà Nguyễn thời kỳ này.
Cửa Ba Lạt nhìn từ trên cao |
Những tặng phẩm cuối cùng của dòng sông
Quá trình kiến tạo vùng đất mới nơi cuối dòng sông Hồng đã tạo ra vùng đất ngập nước với nhiều kiểu sinh cảnh độc đáo. Những biến đổi địa chất vùng cuối sông đã góp phần tạo nên cuộc sống trù phú cho người dân nơi đây.
Chúng tôi có mặt ở đây những ngày cuối năm 2022. Từ trên đê nhìn xuống, cả cánh đồng sát cửa Ba Lạt ở xã Giao Thiện (Giao Thủy), nông dân phủ trắng nilon để giữ ấm cho tôm.
Dưới đầm, ông Phạm Văn Nhượng (xã Giao Thiện) đang kiểm tra nhiệt độ trong vuông tôm. Ông Nhượng sống ở đây từ bé, lớn lên lấy vợ rồi đi buôn bán tôm, cua. Gia đình ông đã có 7ha đầm ngao giống, 4 ha ngao thịt ngoài bãi, nuôi quảng canh. Làm không xuể nên ông phải thuê hàng chục công nhân lao động phụ giúp.
Ngoài ra, 5 năm trở lại đây, vợ chồng ông Nhượng đầu tư thêm khoảng 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Trải qua quá trình nuôi, ông học được cách kiểm soát các yếu tố môi trường, ít phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Vì thế, năng suất tôm trung bình của gia đình ông đạt từ 10-15 tấn/ha/vụ, lãi 500 triệu đồng/ha/năm.
“Sông Hồng có công rất lớn đối với người dân chúng tôi. Tuy vất vả nhưng cuộc sống mọi người cơ bản đều tốt, ổn định. Ai chịu khó, đầu óc nhanh nhạy thì đấu thầu ao đầm để làm chủ. Ai không có cơ hội để đầu tư làm ăn lớn thì đi làm thuê ở bãi ngao hoặc tự đi đánh cá, bắt cua ngao ở cửa sông cũng đủ sống”. Ông Trần Văn Đang
Băng qua cánh đồng nuôi tôm, tôi tiến sát về những vạt rừng sú, vẹt ngập nước. Càng gần biển, kênh rạch, đầm phá, rừng sú, vẹt chằng chịt như mạng nhện. Tôi gặp ông Trần Văn Đang (SN 1974 người dân xã Giao An) đang mở cống lấy nước vào đầm (khoảng 10ha). Từ thuở bé, ông Đang đã theo cha mẹ đi quai đê lấn biển làm đầm nuôi tôm, cá. Giờ ông cùng anh em góp vốn xin thuê đầm, cải tạo bờ bao để nuôi tôm, cua theo hình thức quảng canh. “Mỗi anh em chia nhau nuôi một vài năm. Ban đầu thì cải tạo đầm, đắp bờ, sau chỉ cần mở cống lấy nước theo thủy triều để tôm, cá tự nhiên vào. Nguồn hải sản tự nhiên ở đây phong phú, nhiều nhất là tôm, cua và các loại cá ngon. Tôi chỉ thả thêm tôm sú và cua rèm (trên 3 lạng/con). Có thể nói, cua rèm cửa sông Hồng này đứng đầu cả nước về chất lượng. Vỏ cua đỏ rựng vì chúng ăn chất phù sa, giá cua thường cao hơn giá thị trường 100 - 150 nghìn đồng/kg”. Mỗi năm thu hoạch xong, tôi cũng lãi vài trăm triệu”, ông Đang nói.
Theo những người như ông Nhượng và ông Đang, mưu sinh quanh bãi sông Hồng từ đời này sang đời khác, tuy vất vả nhưng kinh tế ổn định. Người không làm đầm thì đi làm thuê ở bãi ngao mỗi ngày cũng kiếm 300 nghìn đồng. Những người không làm thuê tự mình xách tay lưới đi đánh bắt tự nhiên thu nhập cũng khá, ngày may mắn cũng kiếm tiền triệu.
(Còn nữa)