Sông Hồng ký sự - kỳ 13: Làng của những tỷ phú vận tải biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nói về sông Hồng, nếu không đề cập đến ngành vận tải biển, đến những người lái tàu viễn dương là chưa đầy đủ. Hãy cùng nán lại ở sông Ninh Cơ - con đường vận tải chính của sông Hồng ra biển để thấy hết tầm vóc của dòng sông…

Nghề cha truyền con nối

Cách chân cầu Lạc Quần không xa, ngôi làng Phú An nổi bật giữa vùng quê với những biệt thự, lâu đài mọc san sát. Làng nằm ở thị trấn Cát Thành (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), ven sông Ninh Cơ. Nơi đây, nhà cao tầng, biệt thự hiện đại với đủ kiểu kiến trúc cầu kỳ với trị giá từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng ken đặc. Những người dân ở đây có được cơ ngơi đó chính là nhờ nghề vận tải sông và vận tải biển…

Sông Hồng ký sự - kỳ 13: Làng của những tỷ phú vận tải biển ảnh 1

Căn biệt thự của ông Trần Văn Dĩnh có giá hàng trăm tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành cho biết, làng Phú An có 3 tổ dân phố: Phú Thọ, Nam An, Liên Phú. Làng hiện có trên 1.100 hộ, với 3.900 nhân khẩu, diện tích khoảng 4 km vuông. Từ xa xưa, người dân trong làng có nghề thuyền chài, rồi phát triển vận tải đường sông chở hàng đi các tỉnh buôn bán, giờ thì làm cả vận tải biển, vươn ra thế giới.

Ngỏ ý muốn tìm hiểu về lịch sử phát triển của làng Phú An, ông Chính giới thiệu tôi xuống gặp Trưởng xóm Nam An, ông Trần Long Biên. Theo chỉ dẫn, tôi đến nhà ông Biên vừa lúc ông trở về. Nhà ông Biên là nhà mái bằng, một tầng, xây theo kiểu cũ, hoàn thiện năm 1988 nhưng rất khang trang, rộng rãi. Căn nhà ở ngay mặt đê sông Ninh Cơ, đối diện xưởng đóng tàu lớn nhất nhì trong thị trấn Cát Thành. Ông Biên cho biết, những năm 80 thế kỷ trước, ông làm vận tải lên khu vực Hà Tây (cũ) chở đá vôi về nung và tự đóng gạch để xây ngôi nhà này.

Ông Biên sinh năm 1958, gắn bó với sông nước từ thủơ bé. Năm 13 tuổi ông bỏ học theo cha đi vận tải thuỷ. Nhưng rồi ông phải quay lại tiếp tục học. Khi vừa tròn 17 tuổi, ông viết đơn xung phong nhập ngũ. Đi khắp chiến trường phía Nam, ông được điều ra bảo vệ biên giới phía Bắc ở Lạng Sơn. Đến năm 1979, ông phục viên rồi lấy vợ, sinh con. Ông cùng anh em trong nhà tiếp tục nghề vận tải thủy của cha ông. Lúc đầu ông tham gia đội vận tải thủy của HTX Hải Ninh. Khi xoá chế độ bao cấp, ông cùng anh em góp tiền mua tàu vận tải hơn 100 tấn (lớn nhất lúc đó) để chạy hàng. Và giờ, cả 4 người con (con trai, con rể) của ông cũng tiếp bước theo nghề này. Năm 2010, tàu ông gặp nạn trong chuyến chở than sang Trung Quốc. Ông may mắn thoát chết rồi bỏ nghề, về làm tổ trưởng dân phố từ đó đến nay.

Ông Biên cho biết, để đội vận tải thuỷ ở làng Phú An phát triển với hàng trăm chiếc tàu lớn từ Nam ra Bắc, đi Đông Nam Á, Ấn Độ như ngày nay phải kể đến công sức gây dựng của thế hệ cha ông đi trước. Ông Biên được cha mẹ kể rằng, nghề đi tàu vận tải ở Phú An có từ những năm 1954. “Lúc đó, ông nội, ông ngoại tôi đều đóng thuyền gỗ 7-8 tấn để lấy muối từ dưới biển Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định) theo sông Ninh Cơ, sông Hồng, sông Đáy lên đổ buôn ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây cũ). Đổ muối xong, chúng tôi lại bốc đá vôi về bán. Mỗi tàu như thế cũng chở được 6-7 khối đá đấy! Lúc bấy giờ chỉ có thuyền đi “vo”. Thuyền có buồm, một người đi trên đê kéo dây, một người dưới chèo tay, đẩy sào tre. Sau đó, đội vận tải thuỷ được nâng cấp dần lên chạy máy; ban đầu là tàu xi măng rồi sau chuyển sang vỏ tàu sắt”, ông Biên kể.

Sông Hồng ký sự - kỳ 13: Làng của những tỷ phú vận tải biển ảnh 2

Làng tỷ phú Phú An có hàng trăm căn nhà có giá từ 3 tỷ đồng trở lên

Từng nếm trải, chứng kiến hầu hết các giai đoạn phát triển của làng, ông Biên cho biết, những năm 1994-1995 là giai đoạn vận tải ở làng Phú An phát triển mạnh nhất. Có nghề sẵn, nên thanh niên trai tráng cứ học xong phổ thông là đi học lái tàu, làm vận tải rồi đi tứ xứ làm ăn. Ngày nay, nhịp sống trong làng Phú An cũng khác lạ, đa số thanh niên quanh năm lênh đênh trên sông nước, biển cả, làng xóm cũng vắng vẻ là vì thế.

Làng tỷ phú

Theo ông Biên, làng Phú An hiện có mật độ dân số cao hơn gấp 3 lần so với các làng trong thị trấn Cát Thành. Ví như, xóm Nam An của ông đã có tới 300 hộ dân. Vì thế, giá một mét vuông đất trong trục đường chính không dưới 20 triệu đồng. “Trong làng có hàng trăm ngôi nhà có giá từ 3 tỷ đồng trở lên. Biệt thự từ 7 đến hàng chục tỷ cũng có vài chiếc. Như biệt thự nhà ông Dĩnh to nhất làng khánh thành cách đây chừng 7-8 năm chi phí cũng phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Còn nhà cũ, nhà thấp tầng trong làng chỉ chiếm 10%”, ông Biên liệt kê rồi cho biết, thu nhập bình quân theo đầu người của làng Phú An là khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nhưng những người có bằng cấp, đi lái tàu, vận tải thu nhập trung bình từ 30-60 triệu/tháng. Thống kê trong 300 hộ dân ở xóm Nam An chỉ có 8 hộ thuộc dạng cận nghèo (vì có người bệnh trọng và neo đơn), không có hộ nghèo.

“Làng Phú An có 80% số hộ dân sở hữu từ 1 đến vài chiếc tàu vận tải sông và biển. Trong đó, có khoảng 100 con tàu biển lớn, mỗi tàu trị giá hàng trăm tỷ đồng. Một số hộ sở hữu tàu 3-4 vạn tấn, nhiều gia đình có tàu từ 1,7-1,8 vạn tấn. Ngay tổ dân phố Nam An đã có 260 tàu vận tải”. ông Trần Long Biên

Theo ông Biên, làng Phú An có 80% số hộ dân sở hữu từ 1 đến vài chiếc tàu vận tải sông và biển. Trong đó, có khoảng 100 con tàu biển lớn, mỗi tàu trị giá hàng trăm tỷ đồng. Một số hộ sở hữu tàu 3-4 vạn tấn, nhiều gia đình có tàu từ 1,7-1,8 vạn tấn. Ngay tổ dân phố Nam An đã có 260 tàu vận tải. Nhiều đại gia trong làng phải kể đến như Trần Văn Dĩnh, Vũ Văn Hoan, Trần Văn Khẩn, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Văn Thuật. Đây là những người kinh doanh tốt, sở hữu khối tài sản lớn, có người là chủ hãng vận tải, sở hữu ít nhất 5 -7 chiếc tàu biển.

Đang trong câu chuyện, chị T. hàng xóm gia đình ông Biên đến chơi. Nhà chị T. chồng mất sớm, người con trai chị cũng sở hữu 2 tàu vận tải biển trị giá hàng chục tỷ đồng. Chị T. cho biết, mỗi chuyến vận tải biển, một tàu trung bình thu được khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí tiền dầu, máy thì thu lãi một nửa. Nhiều người còn đóng tàu thương mại, chạy một vài năm lại bán, riêng tiền chênh lệch giá trị con tàu cũng bỏ túi một vài tỷ đồng.

Rồi ông Biên, chị T cùng bàn về lễ hội sắp tới được tổ chức ở nhà thờ làng Phú An. Các giáo xứ từ khắp nơi sẽ về đây tham dự, kinh phí tổ chức dự trù lên đến 7-8 tỷ đồng nhưng cũng đã có một người trong làng nhận tài trợ toàn bộ. “Nói đến quyên góp các chương trình xã hội, mỗi hộ trong làng mà được kêu gọi đóng góp một vài triệu thì đơn giản lắm. Nhiều chủ tàu vận tải xung phong ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi làm công tác địa phương cũng thoải mái, thuận lợi”, ông Biên nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.