Lấn chiếm bãi sông Hồng để kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng chục nghìn mét vuông đất bãi sông Hồng qua trung tâm Hà Nội đang bị lấn chiếm và đổ đất, phế thải để làm mặt bằng kinh doanh du lịch. Việc lấn chiếm ngang nhiên, phổ biến đến mức tạo thành những khu trải nghiệm, du lịch lớn, không có phép.

Khảo sát của phóng viên từ phía lòng sông Hồng bằng xuồng máy, dọc bãi sông từ chân cầu Thăng Long xuôi xuống cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho thấy có hàng chục điểm bị đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông làm khu trải nghiệm, khu du lịch tại các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Lấn chiếm bãi sông Hồng để kinh doanh ảnh 1

Máy xúc cỡ lớn được huy động để san lấp trên khu vực bãi sông Hồng phường Nhật Tân

Khảo sát thực địa tại khu vực phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), phóng viên thấy có nhiều điểm đã và đang bị đổ phế thải, lấn lòng sông Hồng với diện tích rộng hàng chục nghìn m2. Nhiều điểm, đối tượng lấn chiếm còn huy động 2-3 máy xúc cỡ lớn để san gạt. Thậm chí, có vị trí, người ta còn áp dụng kỹ thuật lấn chiếm lòng sông như quây khu đất bằng những bao tải cát, đóng cọc tre, kè đá...

Trên địa phận phường Nhật Tân, còn xuất hiện khu sinh thái nông nghiệp Place Island & Chill Garden được thiết kế giống một khu du lịch thu hút rất đông người đến trải nghiệm, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm trên internet “Vườn táo cổ” du khách sẽ được hướng dẫn đường đi đến đây. Theo quảng cáo, đến khu du lịch sinh thái nông nghiệp Hà Nội, du khách được cắm trại, tổ chức tiệc, trải nghiệm dịch vụ lướt ca nô trên mặt sông Hồng. Giá vé vào cửa được thông báo là 55.000 đồng/người và giá cắm trại lên tới tiền triệu, chưa tính chi phí ăn uống, tổ chức sự kiện.

Sát ngay đó, hai điểm khác tại khu bãi sông cũng đang bị “xẻ thịt”. Các đối tượng huy động máy xúc để quây bờ bao, sau đó xúc đất, cát đắp nền đất bãi cao như núi. Khu vực này được máy san gạt, lu nền bằng phẳng, nhiều cây lớn được đưa đến trồng. Một khu trải nghiệm du lịch nữa dần được hình thành tại đây.

Trao đổi với phóng viên, ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân xác nhận, dải đất thấp sát mép sông là đất hoang. Khu vực này mỗi năm sẽ bị ngập từ nửa tháng đến 2 tháng vào mùa lũ. “Từ khu vực Bãi Đá sông Hồng trên địa bàn phường Nhật Tân có khu vực khu sinh thái nông nghiệp Place Island & Chill Garden (hay còn gọi là khu vườn táo cổ) và 2 điểm khác nữa cuối ngõ 464 (đang trồng cây). UBND phường đã nắm được việc san lấp và đã cho cắm cọc bê tông để khoanh lại (2 khu mới này có diện tích khoảng 8ha)”, ông Tuấn thông tin. Theo ông Tuấn, vì là kinh doanh trái phép nên các cơ sở này cũng không nộp thuế cho Nhà nước.

Theo ông Tuấn, khu vườn táo cổ do ông Nguyễn Đỗ Đức Kiên trồng cây, dựng tiểu cảnh và tổ chức kinh doanh cắm trại tự phát. Khu đất này có diện tích khoảng 2.000m2 là đất bãi, không được phép kinh doanh. UBND phường đã lập hồ sơ yêu cầu người này kinh doanh phải được cấp phép và đảm bảo các biện pháp an toàn trong quá trình quản lý, sử dụng. Hoạt đông kinh doanh cắm trại trải nghiệm tại đây diễn ra từ năm 2022. Khoảng tháng 5/2022, khu trải nghiệm còn thiết kế cầu phao cho du khách ra bãi nổi ở lòng sông trải nghiệm. Tuy nhiên, UBND phường đã yêu cầu dừng và tổ chức cắt cầu phao.

Ông Tuấn cũng cho biết, mấy năm trở lại đây, người dân mới ra khai thác khu vực bãi này để trồng cây. UBND phường Nhật Tân đang xây dựng đề án trình UBND quận Tây Hồ để đấu giá cho thuê hằng năm xác lập chủ thể quản lý và khai thác nguồn tài nguyên. Khi tổ chức đấu giá, UBND phường sẽ yêu cầu các hộ dân có hoạt động tự phát phải di chuyển đi nơi khác.

MỚI - NÓNG